Sau 1 năm gia nhập WTO: Ngân hàng Việt Nam còn hạn chế về khung pháp lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Nghĩa cho biết:

– Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong ba tiêu chí chủ chốt để đánh giá sức cạnh tranh quốc gia. Với ý nghĩa đó, năm 2007 đánh dấu một vận hội hớn đang đến với VN. Vốn FDI đăng ký đạt 20 tỉ USD, vượt xa dự kiến. Đầu tư gián tiếp ước tăng gấp đôi năm ngoái. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao cộng với làn sóng đầu tư nước ngoài lớn tạo ra cơ hội phát triển của ngành NH.

Năm 2007, NH đã có nhiều đột phá về phát triển dịch vụ. Hàng loạt các sản phẩm mới ra đời, đặc biệt là NH bán lẻ, NH đầu tư, dịch vụ thanh toán, NH nhà, quản lý tài sản… đã khởi đầu một giai đoạn thay đổi về chất của hoạt động NH và có lẽ đây là bước tiến nổi bật nhất của ngành NH năm 2007. Tuy nhiên hoạt động NH vẫn còn nhiều hạn chế, nếu không được khắc phục thì vận hội sẽ qua đi, rủi ro sẽ ập tới.

– Ông nhận định thế nào về những rủi ro mà ông vừa đề cập?

– Trước hết là khung pháp lý về hoạt động NH vẫn trong tình trạng tiền – hậu bất nhất, khó lường trước, thiếu minh bạch, vừa không đủ thông thoáng vừa không đủ nghiêm minh. Điều này khiến cho việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN và quản trị rủi ro rất khó khăn. Hạn chế này, cộng với công nghệ lạc hậu và nhân lực yếu kém là những thách thức chủ yếu của NHVN trong trung hạn.

– Đối với CSTT, theo ông đâu là những vấn đề cần phải lưu tâm?

– Thách thức chính là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều, nhưng cải cách nội địa  không đủ mạnh để hấp thụ. Sự xung đột giữa một bên là tận dụng thời cơ để tăng trưởng, kể cả duy trì chính sách tỉ giá mục tiêu (Exchange rate targeting) và sức ép lạm phát càng trở nên sâu sắc khi làn sóng đầu tư nước ngoài tăng lên. Một năm qua với tỉ lệ lạm phát (CPI) trên 12% cũng chứng tỏ thách thức này đang hiện hữu ở VN và càng khó khăn hơn cho NHNN bởi mấy lý do sau:

– Đầu tư trực tiếp nước ngoài thường gây ít sức ép về lạm phát do nó đồng thời tạo ra cung hàng hóa. Tuy nhiên ở nước ta quá trình tạo ra cung hàng hóa thường kéo dài (do nhiều lý do). Sự lệch pha quá lớn này thường tạo ra mất cân đối cung-cầu.

– Khu vực kinh tế tư nhân phát triển rất chậm, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ của các DN nội địa gắn với FDI. Vì vậy, sức hấp thụ vốn và lan tỏa công nghệ rất kém. DN FDI vừa là nhà chế biến chính vừa làm cả công nghiệp phụ trợ, đây là sự khác biệt lớn giữa VN và Trung Quốc.

– Hấp thụ vốn của ngân sách rất kém, tiến độ giải ngân ì ạch buộc NHNN phải tự phát hành tín phiếu để trung hòa tiền tệ (hút bớt tiền). NHNN trở thành người “mua cao” (lãi suất tín phiếu cao), “bán thấp” (lãi suất tiền gửi thấp).

Chênh lệch giữa 2 loại lãi suất này cần phải bù đắp bằng chính phần tăng thêm của lạm phát nếu không muốn dòng tiền của NHNN âm. Trái lại, nếu để VND tăng giá thì XK sẽ tăng chậm lại, thâm hụt thương mại tăng lên và đầu tư nước ngoài cũng giảm sút.

Để giải quyết thách thức này càng cần phải có một CSTT thông minh với một mục tiêu trung hạn. Nhưng điều cốt tử vẫn là đẩy nhanh cải cách nội địa, thúc đẩy mạnh kinh tế tư nhân để hấp thụ vốn hiệu quả hơn và bền vững hơn.

– Vậy những vấn đề đặt ra trong điều hành CSTT năm 2008 sẽ là gì, theo ông?

– Năm 2008, để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế như Quốc hội đã quyết định là nhiệm vụ rất khó khăn. Nhìn vào các chỉ tiêu tiền tệ của năm 2007 như: Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng tín dụng… với độ trễ chính sách khoảng 12-18 tháng có thể dự báo lạm phát vẫn còn sức ì khá lớn.
 
Có 3 vấn đề đặt ra đối với CSTT năm 2008 là:

1/ Cần xác định tỉ giá hối đoái thực hiệu quả giữa VND với một rổ tiền tệ có tỉ trọng thương mại lớn đối với VN, để nhận biết hiện nay VND đang tăng giá (mạnh) hay giảm giá (yếu) so với các đồng tiền này, trên cơ sở đó để tìm ra mức tỉ giá danh nghĩa và biên độ hữu hiệu điều hành tỉ giá hối đoái, tránh mò mẫm, thiếu nhất quán vì chỉ có tỉ giá thực hiệu quả mới tác động trực tiếp đến cán cân thương mại và đầu tư.

Theo tính toán bước đầu của một số chuyên gia, nếu lấy năm 2000 làm năm gốc, VND (tỉ giá thực) đến năm 2007 đã tăng giá so USD là 6,1%, nhưng nếu tính cho 1 rổ tiền tệ với 19 đồng tiền (có tỉ trọng thương mại tổng cộng bằng 84% tổng kim ngạch ngoại thương) thì VND (tỉ giá thực, hiệu quả) đang mất giá so với các đồng tiền này 11,5%.

Nói cách khác, với mức tỉ giá danh nghĩa hiện nay VND đang có lợi cho xuất khẩu và đầu tư. Vấn đề là các DN XK cần phải tính toán đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và áp dụng các biện pháp phái sinh để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên để có thế định ra chính sách cần có tính toán kỹ hơn.

2/ Áp dụng đồng bộ các biện pháp trung hòa tiền tệ để NHNN có thể kiểm soát cung ứng tiền với chi phí vốn thấp nhất. Muốn làm được điều này phải phối hợp cả các biện pháp quản lý thanh khoản, dự trữ bắt buộc và lãi suất tín phiếu NHTƯ với sự hỗ trợ của các NHTM lớn. Ngoài ra, cũng cần phải phối hợp giữa chính sách tài khóa với CSTT cũng như các chính sách kinh tế khác, nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

3/ Áp dụng các biện pháp vĩ mô để kiểm soát ở mức hợp lý cơ cấu tín dụng cho sản xuất, tiêu dùng, BĐS, CK (lưu ý: Tín dụng cho kinh doanh CK hợp lý cũng góp phần giảm áp lực lạm phát và giúp NHTM duy trì khả năng sinh lời, trong khi phải chấp nhận tỉ lệ dự trữ bắt buộc cao hoặc lãi suất tín phiếu NHTƯ thấp).

Nguồn: Báo Lao động