Sau hơn một năm vào WTO: Ba bất cập
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, đằng sau những con số thống kê lạc quan của năm 2007, còn nhiều bất cập chúng ta cần nhìn lại để rút ra những bài học kinh nghiệm.

Tuy chưa có đột biến nhưng năm 2007, xuất khẩu phi dầu thô của Việt Nam tăng 26%. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng như dệt may, đồ gỗ đã tăng hơn 30%. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2007 cũng đạt con số kỷ lục, với hơn 20,3 tỷ USD. Mức độ vốn hoá thị trường đã tăng từ 1,1% GDP năm 2005 lên hơn 40%GDP trong năm 2007 cho thấy phần nào sự phát triển sôi động của thị trường tài chính.

Việc mở cửa nền kinh tế, cải cách thể chế gắn với việc hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý đã tạo môi trường minh bạch, bình đẳng và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng cho thấy rõ hơn những “khoảng trống”, những bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam.

Ở đây, chỉ xin nêu ra 3 bất cập dễ nhìn thấy nhất:

Thứ nhất là bất cập về thể chế. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp với cam kết hội nhập và các chuẩn mực kinh tế thị trường. Hơn nữa, cần thu hẹp khoảng cách giữa thực tế và yêu cầu về tính chuyên nghiệp, minh bạch với khả năng trình độ của các nhân viên công quyền.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng yếu kém đã và đang gây ra nhiều tổn phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Sự hụt hẫng về kỹ năng của nguồn nhân lực cũng đang là rào cản cho sự tăng trưởng có chất lượng và phát triển bền vững trong hội nhập của nước ta.

Thứ ba là sự rủi ro của nền kinh tế vĩ mô. Sau một năm gia nhập WTO, những rủi ro này bắt đầu lộ diện. Có thể thấy điều đó qua con số lạm phát 12,6% tính theo chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 và của cả những tháng đầu năm 2008. Lạm phát cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của không ít bộ phận dân cư, nhất là những nhóm xã hội có thu nhập thấp. Ẩn sau những bất cập đó chính là hai mâu thuẫn chủ yếu.

Theo phân tích của tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thì mâu thuẫn đầu tiên là giữa nhu cầu và khả năng hiện thực có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao với việc xử lý tốt các vấn đề về xã hội, về kết cấu hạ tầng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Với mức đầu tư như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng 9,5%/năm, song đi liền với nó là yêu cầu tăng cường năng lực quản trị phát triển hơn hiện nay. Thứ hai là mâu thuẫn giữa hoạt động kinh doanh sôi nổi với sự bất cập trong quản trị rủi ro của doanh nghiệp và năng lực giám sát tài chính. Nhận diện được bản chất sẽ có được cách thức và hướng giải quyết hiệu quả.

Việt Nam đã bước vào cải cách và phát triển mới. Cải cách trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi không chỉ bản lĩnh chính trị, quyết tâm lớn và cả trí tuệ cũng phải vươn lên tầm cao mới. Những vấn đề mà nước ta đang gặp phải cần được xử lý một cách khéo léo thì mới đạt được hiệu quả./.
 
Nguồn: Báo TNVN