Sau hơn một năm Việt Nam là thành viên chính thức của WTO: Hàng rào kỹ thuật vẫn là nỗi lo lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sức ép từ việc cắt giảm thuế

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của WTO sẽ khiến một số ngành sản xuất của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh lớn. Theo bà Nguyễn Thị Bích – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) thì việc giảm thuế trong khuôn khổ WTO cần được xem xét trong tổng thể với việc giảm thuế cho hàng hoá của Trung Quốc trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do ASEAN -Trung Quốc và với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hơn nữa, kim ngạch nhập khẩu thực tế chịu ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế chỉ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm. Mức độ bảo hộ theo cam kết sẽ giảm tương đối đồng đều giữa các ngành, một số ngành đang được bảo hộ quá mức cần thiết sẽ phải tự tạo thế lực mới cho sự cạnh tranh.

Từ thực tế hàng rào bảo hộ bị thu hẹp, sản xuất trong nước sẽ phải đối diện với mức độ cạnh tranh lớn từ bên ngoài. Không ngoại trừ khả năng sẽ có biến động cục bộ ở một số ngành, nhất là những ngành mà tính linh hoạt trong chuyển đổi không cao. Điều này đòi hỏi chúng ta cần khẩn trương hoàn thiện các công cụ về tự vệ (hàng rào kỹ thuật) mà WTO cho phép. Đồng thời cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế thông tin, cảnh báo để chủ động hơn trong việc đối phó với các biến động trên thị trường thế giới và trong nước, đặc biệt đối với các mặt hàng cơ bản nhạy cảm với nền kinh tế như nông sản, sắt thép, bà Bích khẳng định.

Nhìn nhận thực trạng hàng rào kỹ thuật

Ở nước ta hiện nay, phần nhiều các bộ tiêu chuẩn TCVN được ban hành hầu như không còn phù hợp với xu thế phát triển nhanh về công nghệ, về yêu cầu bảo vệ môi trường. Chỉ riêng Bộ Công nghiệp, sơ bộ rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật cho 4 ngành hóa chất, thép, thiết bị điện và dệt may cho thấy trong hàng trăm tiêu chuẩn kỹ thuật của mỗi ngành, đã có hàng chục tiêu chuẩn không còn tương thích, gần cả trăm tiêu chuẩn cần phải ban hành trong thời gian tới. Như trong ngành dệt có gần 200 tiêu chuẩn, thì có tới 72 tiêu chuẩn cần phải xem xét hoặc thay thế; 49 tiêu chuẩn cần được xây dựng mới, tập trung vào các phương pháp xác định tồn dư kim loại và hóa chất có tác động đến con người…

Đánh giá về thực trạng hàng rào kỹ thuật của các bộ, ngành xây dựng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước hợp nguyên tắc của WTO, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, hiện là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, người rất am tường về WTO băn khoăn: “Hàng rào kỹ thuật của Việt Nam còn rất yếu, quá ít, chưa tinh vi. Muốn hội nhập cho tốt phải xây dựng bằng được hàng rào kỹ thuật đó”.

Khi còn đương chức chính ông Vũ Khoan cũng đã giao cho các ngành đôn đốc rất nhiều việc tạo ra các hàng rào kỹ thuật mà WTO cho phép. Thực tế, không phải một nền kinh tế nào mở cửa lại không bảo hộ nền sản xuất của mình. Nhưng bảo hộ bằng cách xây dựng hàng rào kỹ thuật một biện pháp phù hợp với luật thuế chung thì Việt Nam lại thiếu vắng. Theo ông Vũ Khoan: Trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO chắc chắn việc xây dựng hàng rào kỹ thuật sẽ được chú trọng.

Xây dựng hàng rào kỹ thuật

Hơn nữa, vấn đề “lót ổ” của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Thực ra thị trường Việt Nam là của nhà mình vì thế doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn cho nên phải lót trước để khi bên ngoài họ vào, họ phải tuân theo những định hướng của nền kinh tế trong nước. Vấn đề này, doanh nghiệp trong nước chuyển động chậm. Thêm vào đó tính liên kết của các doanh nghiệp nhằm tạo ra trí tuệ tập thể để dựng nên những hàng rào kỹ thuật còn yếu. Khi ra thị trường thế giới nếu không liên kết được, các doanh nghiệp của ta lại càng yếu.

Không ít các doanh nghiệp còn băn khoăn rằng, các nước vào WTO có trình độ phát triển cao, liệu hàng rào kỹ thuật của Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu bảo hộ cho sản xuất trong nước. ông Vũ Khoan đã khẳng định: “Hàng rào kỹ thuật là sự thông minh của con người nghĩ ra các vấn đề đó chứ không phải trình độ cao hay trình độ thấp. Tôi ví dụ như Nhật Bản họ tranh chấp với Mỹ rất gay gắt về vấn đề nhập hoa quả nhưng không thể dùng thuế. Nhật Bản đã đẻ ra hàng rào kỹ thuật quả táo nước ngoài muốn nhập vào Nhật Bản thì cỡ to, nhỏ (size) phải chui vừa cái ống. Do đó cứ quả táo nào lọt thì vào được thị trường Nhật Bản, điều này WTO cho phép. Ta cũng phải học tập thôi!”.

Tuy nhiên tại thời điểm này, mặc dù Chính phủ đã đốc thúc nhưng việc xây dựng hàng rào kỹ thuật tại các bộ, ngành còn rất hạn chế. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bối rối. ông Vũ Khoan đã từng chỉ rõ: Khuyết điểm của mình là xây dựng hàng rào kỹ thuật còn chậm. Do vậy lúc đầu nền sản xuất trong nước sẽ lúng túng, hoặc có những bất ngờ. Thực tế, có những điều trước đây Việt Nam không phải cam kết nhưng vào WTO phải thực hiện theo cam kết. Chẳng hạn trước đây Việt Nam cấm nhập xe mô tô phân khối lớn, nhưng giờ theo quy định chung của WTO thì không thể cấm theo kiểu hành chính như thế mà phải cho phép nhập khẩu. Nhưng cứ cho nhập khẩu một loại không quản lý kịp thì cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Do đó, có nhiều cái sẽ bất ngờ mà nhiều cơ quan không nhìn thấy trước được. Bởi vậy cần nhanh chóng có cơ chế bảo vệ để hạn chế theo đúng nguyên tắc WTO cho phép nhằm giải quyết vấn đề phát sinh.

Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu rất quan trọng của hàng rào kỹ thuật là phải đáp ứng hài hoà giữa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế. Làm sao để việc tiếp cận đối với một vấn đề kỹ thuật là phải như nhau. Chỉ với cách tiếp cận như vậy mới tạo ra thuận lợi cho thương mại được tốt hơn.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử