Sẽ có thêm nhiều đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuế TTĐB là loại thuế gián thu, thu vào một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu bia, vũ trường) hoặc hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước có thể điều tiết (như ô tô, chơi golf). Vì thế, để hình thành một xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cũng như các cam kết của WTO, Dự thảo sửa đổi thuế TTĐB lần này đã có những điều chỉnh phù hợp hơn.

Bổ sung đối tượng chịu thuế

Theo Dự thảo sửa đổi Luật thuế TTĐB, ngoài 8 loại hàng hóa và 5 loại hình dịch vụ đang thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành, lần sửa đổi này sẽ bổ sung thêm một số đối tượng vào diện chịu thuế TTĐB, như: Các sản phẩm đã chế biến từ thuốc lá lá; ô tô dưới 24 chỗ ngồi vừa chở người vừa chở hàng; xe mô tô có dung tích xilanh từ 175 phân khối trở lên; và trò chơi điện tử có thưởng… Đây là những đối tượng phát sinh trong quá trình thực hiện mà Luật hiện hành chưa bao quát hết.

Thực tế cho thấy, đối với các sản phẩm đã chế biến từ thuốc lá lá. Luật thuế TTĐB hiện hành quy định thuốc lá điếu, xì gà thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Nhưng trên thị trường hiện nay ngoài thuốc lá điếu, xì gà còn có thuốc lá lá đã chế biến, các chất thay thế thuốc lá như thuốc lá bột để hít, thuốc lá sợi để hút tẩu và các sản phẩm khác dùng để hút, nhai. Hay đối với xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi vừa chở người vừa chở hàng cũng vậy. Luật hiện hành chỉ quy định ô tô dưới 24 chỗ ngồi thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, chứ không quy địnhvới xe thiết kế vừa chở ngưòi vừa chở hàng – đây là loại xe có tính chất lưỡng dụng song lại được sử dụng như xe cá nhân.

Tương tự, đối với xe môtô có dung tích xi lanh từ 175 phân khối trở lên hay trò chơi điện tử có thưởng. Luật hiện hành chỉ quy định trò chơi bằng máy jackpot chịu thuế TTĐB, trong khi trên thực tế còn nhiều loại máy điện tử khác (máy slot machines) cũng đang được sử dụng cho các trò chơi điện tử có thưởng, tính chất của nó tương tự như máy jackpot mà luật chưa bao quát hết. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng.

Cùng với việc bổ sung trên, Dự thảo luật lần này cũng bổ sung điều chỉnh một số đối tượng vào diện không chịu thuế, như: xe ô tô chở người chuyên dùng, bao gồm xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ, xe chở người tàn tật, xe ôtô vừa thiết kế chỗ ngồi, vừa thiết chỗ đứng chở được trên 24 người; xe chở người chuyên dùng khác không tham gia giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; Máy điều hòa nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống được thiết kế riêng để lắp trên phương tiện vận tải: ô tô, toa xe lửa, tàu thuyền, tàu bay; Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi); hàng hóa từ khu phi thuế quan này chuyển sang khu phi thuế quan khác.

Thống nhất mức thuế suất

Nội dung của việc sửa đổi thuế TTĐB lần này là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước trong quá trình hội nhập, góp phần hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách nhà nước một cách hợp lý. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện cam kết của WTO. Dự thảo luật đã quy định thống nhất mức thuế suất chung thay cho nhiều mức như hiện nay.

Ví như mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên chịu mức thuế suất là 60%, và dưới 20 độ thuế suất 20%. Lý do của việc điều chỉnh này, khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập WTO, tất cả các loại rượu được chưng cất có nồng độ từ 20 độ cồn trở lên sẽ chịu một mức thuế tuyệt đối tính theo lít rượu cồn nguyên chất hoặc một mức thuế phần trăm. Thực hiện cam kết này, đối với rượu từ 20 độ trở lên chỉ áp dụng một mức thuế suất thuế TTĐB (hiện áp dụng hai mức 30% và 65%). Cùng với rượu, mặt hàng bia cũng được áp dụng một mức thuế suất phần trăm chung là 55% (gồm: bia tươi, bia hơi, bia chai, bia lon…) thay cho mức 75% và 40% hiện nay.

Riêng đối với mặt hàng ô tô, các mức thuế suất sẽ được áp dụng phân biệt theo dung tích máy, ô tô có cùng chỗ ngồi nhưng có dung tích xi lanh lớn hơn sẽ phải chịu thuế suất ở mức cao hơn.

Cụ thể, đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (từ 9 chỗ trở xuống) có dung tích từ 2.000 cc trở xuống có mức thuế suất là: 50%; xe có dung tích trên 2.000 cc – 3.000 cc chịu mức: 60%; xe có dung tích trên 3.000 cc chịu mức: 70%; Đối với loại xe từ 10 chỗ đến dưới 16 chỗ ngồi (từ 10 đến 15 chỗ) và xe từ 16 chỗ đến dưới 24 chỗ ngồi vẫn giữ nguyên mức thuế suất hiện hành là 30% và 15%. Riêng xe ô tô thiết kế vừa chở người vừa chở hàng áp dụng thuế suất 15%; xe ô tô chạy bằng điện, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học bằng 60% mức thuế suất áp dụng đối với từng loại ô tô; và xe mô tô có dung tích máy từ 175 phân khối trở lên,mức thuế suất quy định là 20%.

Như vậy, với việc điều chỉnh trên, loại xe chịu tác động nhiều nhất là loại xe từ 6 đến 9 chỗ do mức thuế suất dự kiến được điều chỉnh tăng từ mức 30% lên các mức 50%, 60% và 70% (tuỳ theo dung tích máy).

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hiện các loại xe chở người dưới 24 chỗ sản xuất trong nước chủ yếu có dung tích xi lanh dưới 2.000 cc (chiếm khoảng 60% tổng số xe chịu thuế TTĐB). Loại xe chịu tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB khi chuyển sang phương án tính thuế theo dung tích xi lanh chiếm khoảng 32% tổng số xe chịu thuế TTĐB, trong đó chủ yếu là loại xe có dung tích từ 2.000 cc cho đến dưới 3.000 cc với mức thuế TTĐB dự kiến tăng từ 50% lên 60%. Loại xe chịu mức tăng thuế cao nhất (loại trên 3.000 cc) hiện chỉ chiếm khoảng 3% sản lượng sản xuất và khoảng 2,5% tổng số xe thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress