Sẽ thống nhất mức lương tối thiểu chung cho mọi loại DN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

VN đào tạo cái sẵn có chứ chưa đào tạo cái đang cần

Ông Martil Gil, đại diện Công ty Cocacola với kinh nghiệm 14 năm tại thị trường VN chia sẻ, nhìn vào lực lượng lao động VN, sẽ thấy tồn tại khoảng cách trong kỹ năng, khoảng cách giữa khả năng và mong đợi. Trong khi đó, muốn cung cấp dịch vụ đầu nguồn, có kĩ năng cao hơn, điều tiên quyết là có chất lượng lao động tốt. 

Trên thực tế, hiện nay, lao động VN qua đào tạo chiếm 30%, trong đó qua đào tạo tay nghề chiếm 23%, chỉ bằng 1/3 so với các nước có nền kinh tế công nghiệp mới. Trong số những lao động đã qua đào tạo nghề, chỉ 25% được đào tạo dài hạn, có trình độ cao, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh – Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.

Đào tạo dạy nghề chưa gắn với sản xuất. Các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, thiếu các chuyên gia, các cán bộ có trình độ chuyên môn cao. 

“VN hiện đào tạo cái chúng tôi có chứ không đào tạo cái một xã hội đang phát triển và các DN cần”, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh – Xã hội thẳng thắn thừa nhận.

Để giải quyết hiệu quả vấn đề nguồn nhân lực, theo bà Ngân, VN cần tiến hành nhiều khâu, có giải pháp đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ, khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có. 

Trong thời gian tới, VN tập trung vào 4 khâu cơ bản: đào tạo nghề; tạo việc làm; thay đổi chính sách tiền lương và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với nền kinh tế thị trường. 

Trong đó, bà Ngân đặc biệt nhấn mạnh việc “đào tạo theo địa chỉ, yêu cầu”: “Các DN có yêu cầu gì về số lượng, chất lượng lao động và ngành nghề đào tạo, hãy thông tin “đặt hàng” đến Bộ, chúng tôi sẽ đáp ứng”.

Nhà nước không áp đặt bảng lương DN

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong cải cách chính sách tiền lương, Bộ xác định phân phối thu nhập theo hiệu quả, chất lượng công việc, theo cơ chế thị trường. Bộ sẽ không hạn chế mức lương trần. 

Chính sách tiền lương được xây dựng trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN và người lao động.  

Về lao động nước ngoài làm việc tại VN, bà Kim Ngân cho biết, VN sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, thực hiện bỏ mức giới hạn sử dụng người lao động nước ngoài ở VN; đơn giản hóa thủ tục pháp lý đăng kí lao động; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý của DN. 

DN được giao quyền quyết định mức lương trên cơ sở hợp đồng lao động, và không thấp hơn mức lương tối thiểu Nhà nước quy định, đảm bảo đời sống của người lao động. 

Trước băn khoăn của đại diện Tập đoàn VNPT về tình trạng mức lương thấp trong DNNN, khiến người lao động có kỹ năng chuyển sang lĩnh vực tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài làm việc, gây “chảy máu chất xám” của khu vực nhà nước, Bộ trưởng cho biết, chính sách tiền lương hiện chưa bình đẳng do vấn đề lịch sử để lại. Lương tối thiểu ở khu vực DN trong nước cao hơn khu vực nước ngoài nhưng mức tuyệt đối vẫn thấp hơn. Tuy nhiên, DNNN cũng phải nhìn nhận thực tế về lợi thế, sức hấp dẫn riêng của mình. 

Về chính sách lương, Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu theo vùng, ngành, xây dựng nguyên tắc lương, không can thiệp cụ thể, có tính áp đặt đối với bảng lương DN. Các DN hoàn toàn có thể trả một mức lương phù hợp với điều kiện của mình theo đúng nguyên tắc Nhà nước đã nêu. 

Việc thực hiện xây dựng bảng lương của DNNN trên thực tế có vướng mắc gì, Bộ sẵn sàng lắng nghe, trao đổi và giải quyết cùng DN, bà Ngân cam kết.

Bà cũng thông báo, lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu chung, không phân biệt khu vực DN trong nước và nước ngoài sẽ hoàn tất vào năm 2012. Đến lúc đó, mức lương sàn của DN là như nhau.

Ông Martil Gil, TGĐ khu vực Đông Dương Cocacola: Kinh doanh tại VN, điều khiến tôi ngạc nhiên là dường như người VN ai cũng có vấn đề làm ăn của riêng mình trong hộ gia đình. Khả năng quản lý của DN ở cấp hộ gia đình này đến đâu là một câu hỏi. 

Ông Ralf Matthaes, GĐ điều hành TNS Việt Nam: VN là đất nước có chính sách với người lao động tốt nhất trên thế giới. Trong bối cảnh các công ty quan tâm làm sao giữ chân nhân viên của mình, VN có lợi thế là người lao động rất trung thành. Đó là điều không thể mua được bằng tiền. Điều quan trọng là DN tạo điều kiện đảm bảo phát triển, hiểu nguyện vọng, mong muốn của người lao động và tạo niềm say mê công việc cho họ.  

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet