Số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam tăng 2,6 lần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cụ thể là: riêng trong tháng 5/2008, cả nước có 130 dự án đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,498 tỷ USD đưa tổng số dự án được cấp giấy nhận đầu tư từ đầu năm tới nay lên 324 dự án, với tổng vốn đăng ký là 14,724 tỷ USD.

Ngoài ra, trong thời gian này còn có 132 lượt dự án tăng thêm vốn đầu tư với hơn 600 triệu USD. Điều đáng quan tâm là: số vốn đầu tư đăng ký vẫn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ (hơn 83% tổng vốn). Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 16,2% và số còn lại thuộc lĩnh vực nông – lâm – ngư.

Canada là quốc gia chỉ có 3 dự án đầu tư, nhưng có tổng vốn đăng ký lên tới 4,23 tỷ USD và trở thành đối tác đứng đầu trong số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong những tháng đầu năm nay.

Trong đó có dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, các khách sạn 5 sao (9000 phòng), khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, văn phòng – căn hộ, biệt thự cao cấp, sân golf, khu vui chơi giải trí có thưởng cho người nước ngoài tại Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu) do Tập đoàn Asian Coast Development đầu tư với tổng vốn đầu tư là 4,2 tỷ USD .

Về cơ cấu vùng: trừ dự án thăm dò, khai thác dầu khí, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã vươn lên đứng đầu trong tổng số 36 địa phương thu hút được đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm; Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2; tiếp đến là Đồng Nai, Kiên Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế.

Cũng theo Cục Đầu tư Nước ngoài, vốn đầu tư đang có xu hướng chuyển từ hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sang các địa bàn lân cận do yêu cầu diện tích đất lớn mà hai thành phố này không đáp ứng được.

Tuy vậy, theo các chuyên gia về kinh tế: tuy những tháng đầu năm có kết quả khả quan, nhưng để thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trong những tháng còn lại của năm nay vẫn chưa thực sự khả quan.

Bên cạnh những tác động về tình trạng suy thoái kinh tế quốc tế, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư.

Nguồn: TTXVN