Sự kiện kinh tế – tài chính thế giới nổi bật nhất năm 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1.      Khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến “hồi cáo chung” của mô hình ngân hàng đầu tư

Khủng hoảng tài chính toàn cầu với khởi nguồn từ Mỹ bắt đầu trở nên căng thẳng và tàn phá thế giới từ tháng 9/2007 dẫn đến việc một loạt các tổ chức tài chính trên thế giới thua lỗ. Ban đầu là Merrill Lynch thua lỗ khoảng 8 tỷ USD trong quý 3/2008.

Tại Mỹ, từ đầu năm 2008 cho đến nay, có 25 ngân hàng đã buộc phải đóng cửa. Trong đó đáng kể nhất là việc ngân hàng IndyMac – từng là ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất của Mỹ sụp đổ và ngân hàng Washington Mutual – ngân hàng tiết kiệm lớn nhất của Mỹ đóng cửa vào ngày 25/09/2008. Ngân hàng WaMu sau đó đã thuộc về JP Morgan.

Đầu năm 2008, tại phố Wall có 5 ngân hàng đầu tư là Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bear Stearns, Lehman Brothers và Merrill Lynch.

Bear Stearns về tay JP Morgan Chase. Lehman Brothers tuyên bố phá sản tháng 9/2008. Goldman Sachs và Morgan Stanley chuyển đổi sang mô hình hoạt động kết hợp của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại để có thể huy động vốn qua hoạt động tiền gửi. Mô hình ngân hàng đầu tư một thời nổi danh phố Wall chấm dứt.

Về phía châu Âu, các ngân hàng châu Âu cũng hoạt động đầy khó khăn. Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ dưới tác động của khủng hoảng tín dụng thua lỗ 11,5 tỷ franc trong quý 1/2008.

Tháng 2/2008, chính phủ Anh quốc hữu hóa ngân hàng Norther Rock của Anh. Tháng 2/2008, sau vụ việc liên quan đến Jerome Kerviel, ngân hàng hàng đầu nước Pháp Societe Generale công bố thua lỗ do thất thoát tới 4,9 tỷ Euro.

Một loạt các tên tuổi lớn của ngành tài chính Nhật cũng thua lỗ do khủng hoảng tín dụng, cụ thể là Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui Financial Group Inc., Sumitomo Trust & Banking Co., Resona Holdings Inc. và Chuo Mitsui Trust Holdings Inc.

2.      Biến động chóng mặt của lãi suất cơ bản trên thế giới

Từ cuối năm 2007, tỷ lệ lạm phát trên thế giới tăng cao. Giá các loại hàng hóa, đặc biệt là nhiên liệu và thực phẩm tăng chóng mặt. Ngày 20/12/2007, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng lãi suất đối với các ngân hàng thương mại. Đó là lần thứ 6 trong năm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng lãi suất để kiềm chế Trung Quốc tăng trưởng quá nóng.

Trong hơn một nửa đầu năm 2008, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 12/06 giữ nguyên lãi suất để kiềm chế lạm phát lúc đó đang ở mức cao nhất trong 7 năm.

 Ngân hàng Trung ương Ấn Độ ngày 11/06 nâng lãi suất cơ bản lên mức 8% do lạm phát đứng ở mức hai con số. Cùng trong tháng 6/2008, FED cũng thông báo về khả năng tăng lãi suất bởi thời gian này lạm phát tại Mỹ cũng tăng quá cao. 

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 03/07/2008 đã tăng lãi suất cơ bản của đồng euro từ 4% lên 4,25%. Đây là lần tăng lãi suất euro đầu tiên trong vòng một năm. Đề nghị tăng lãi suất đã được giám đốc ECB Jean-Claude Trichet đề cập đến từ tháng 6/2008, khi khu vực các nước sử dụng đồng euro (EU) có mức lạm phát vào tháng 6 ở mức cao nhất: 4%.

Cuối tháng 7/2008, Ngân hàng Trung ương Brazil cũng nâng lãi suất cơ bản đồng nội tệ lên mức 13%.

Xu thế này sau đó đã thay đổi khi tình hình kinh tế đi xuống, giá hàng hóa vì thế cũng hạ theo, kinh tế Mỹ, Nhật, châu Âu suy thoái, các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất không ngừng và đưa ra một loạt kế hoạch giải cứu cho nền kinh tế.

Đợt hạ lãi suất phối hợp lớn nhất diễn ra vào ngày 08/10/2008: FED giảm lãi suất xuống còn 1,5%. ECB hạ lãi suất xuống còn 3,75%. Ngân hàng trung ương Canada giữ mức lãi suất cơ bản ở mức 2,5%, Ngân hàng trung ương Anh cắt giảm lãi suất xuống còn 4,5% và Ngân hàng trung ương Thụy Điển để lãi suất ở mức 4,25%. Trước đó, Trung Quốc đã hạ mức lãi suất lần thứ hai trong vòng ba tuần xuống còn 6,93%.

Về phía FED, do kinh tế Mỹ chịu tác động quá mạnh từ khủng hoảng tín dụng, xu thế kéo dài từ tháng 9/2007 cho đến nay là liên tục hạ lãi suất cơ bản của đồng USD. Lần gần nhất, ngày 16/12/2008, FED cắt giảm lãi suất xuống mức từ 0% đến 0,25%. Đây là lần thứ 10 FED cắt giảm lãi suất trong 15 tháng.

Ngay sau khi FED hạ lãi suất, ngày 17/12/2008, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông quyết định cắt giảm lãi suất sau khi FED đưa lãi suất USD về 0% vì tiền tệ Hồng Kông liên quan mật thiết với USD.

Sau khi Hồng Kông hạ lãi suất, đến lượt ngân hàng Nauy cũng đưa ra quyết định tương tự. Đến cuối tuần trước Ngân hàng Trung ương Nhật, vì những mối liên quan mật thiết đối với kinh tế Mỹ, cũng đã hạ lãi suất cơ bản của đồng Yên xuống mức 0,1% thay cho mức 0,3% trước đây. Ngân hàng Trung ương Anh quốc đã phát đi tín hiệu có thể đưa lãi suất cơ bản về mức 0%.

3.      Thị trường vàng, dầu biến động khó lường

Năm vừa qua là một năm biến động hiếm thấy của giá vàng và giá dầu.

Giá vàng

Biến động của nhu cầu vàng trang sức và giá vàng từ quý 1/2001 đến hết quý 3/2008 (Nguồn: WGC) Giá vàng: đường màu cam   Quý 1/2008: ngày 02/01/2008, ngày giao dịch đầu tiên của năm nay, giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 856,20 USD/ounce. Đầu năm 2008, đây là mức giá cao nhất trên thị trường vàng thế giới kể từ năm 1990.

 Lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao, nhà đầu tư ồ ạt chuyển sang thị trường này, giá vàng tăng không ngừng. Đỉnh cao với vụ việc ngân hàng Bear Stearns, USD trượt dốc thê thảm, giá vàng lập đỉnh cao 1.033,90USD/ounce ngày 17/03/2008. Mức biến động giá vàng trong quý 1/2008 là 14%.

Quý 2/2008: một quý không mấy tốt đẹp với giá vàng. Mức biến động là 25%, cao hơn khá nhiều so với mức 14% trong quý 1/2008.

Nhu cầu vàng giảm 19% trong quý 2 khi giá leo lên mức kỷ lục và giá biến động quá mạnh khiến những người mua vàng trang sức không dám mạnh tay tiêu dùng. Tổng nhu cầu vàng của thế giới giảm xuống mức 735,6 tấn so với 905,7 tấn một năm trước.

Giá vàng trung bình tại thị trường London quý 2 là 897,40USD/ounce, tăng 34% so với một năm trước và giảm so với quý 1.

Quý 3/2008: giá vàng hạ cả quý; thị trường vàng đầy u ám. Sau khi chạm mốc 950USD/ounce vào đầu quý 3/2008, giá vàng hạ và rơi xuống mức 750USD/ounce hồi giữa tháng 9/2008.

Tuy nhiên mức giá vàng trung bình trong quý vừa qua là 872USD/ounce, cao hơn 28% so với quý 3/2007 là 680USD/ounce.

 Quý 4/2008: Mối lo giảm phát ám ảnh giá vàng, nhu cầu có tăng trở lại nhưng có hạn chế bởi nguy cơ giảm phát. Giá vàng có hồi phục nhất định. Sau vụ việc Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, giá vàng có lập một đỉnh cao vào ngày 10/10/2008 là 950USD/ounce.

Từ đó đến nay, giá vàng dao động mạnh giữa tăng và giảm. Tuần gần nhất (15/12 – 19/12/2008) giá vàng tăng 2,1%.

Giá dầu

 

  Biểu đồ biến động của giá dầu Brent tại thị trường London và chỉ số chứng khoán FTSE100 trong năm 2008 (Nguồn: FT)  

Cuối năm 2007, chuyên gia phân tích thuộc Citigroup tại New York, Mỹ cho rằng giá dầu thô sẽ không thể giảm trong năm 2008 nếu kinh tế thế giới không suy thoái mạnh.

 Họ dự đoán giá dầu sẽ khoảng 70-75 USD/thùng và khi đó các nước OPEC sẽ cắt giảm sản lượng như đã làm trong năm 2006 để ngăn cản giá dầu xuống quá thấp. 

Không ai có thể ngờ giá dầu lên tới mức 147,27USD/thùng vào ngày 11/07/2008. Những yếu tố chính khiến giá dầu tăng trong khoảng thời gian từ đầu năm cho đến giữa tháng 7/2008 như sau: USD mất giá, căng thẳng về chính trị, trữ lượng dầu có phần hạn chế, hoạt động đầu cơ trên thị trường, tình hình thời tiết không mấy thuận lợi.

Từ sau thời điểm 11/07/2008, giá dầu đã trượt dốc không phanh. Trong phiên giao dịch ngày 19/12/2008 tại thị trường New York – Mỹ, giá dầu đã xuống mức 33,87USD/thùng. Tuần từ (15/12-19/12/2008), giá dầu có mức hạ theo tuần lớn nhất trong 17 năm.

4.      Một loạt các nền kinh tế lớn bước vào suy thoái

 Kinh tế Mỹ, kinh tế Nhật và kinh tế châu Âu đồng loạt bước vào suy thoái. Kinh tế Trung Quốc quý 3/2008 tăng trưởng chậm nhất trong 5 năm. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2009 sẽ chỉ tăng trưởng 7,5%, mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1991.

Nội các Nhật mới đây công bố dự báo kinh tế nước này sẽ không tăng trưởng trong năm 2009.

Tình hình kinh tế Hàn Quốc cũng không mấy sáng sủa hơn, ngày 03/12/2008 nước này công bố dự trữ ngoại tệ thấp nhất trong 4 năm.

 Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ sẽ hồi phục vào đầu năm 2010. Thủ tướng Pháp nhận định năm 2009 không một nền kinh tế châu Âu nào không suy thoái.

Kinh tế Đức cũng chính thức bước vào suy thoái. Kinh tế Đức chuẩn bị có khoảng thời gian suy giảm dài nhất từ năm 1993. Năm 2009 kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm, nhu cầu hàng hoá toàn cầu giảm, các công ty thu được ít lợi nhuận hơn và buộc phải cắt giảm chi phí cũng như tuyển mới nhân công.

Tại châu Á, ngày 10/10/2008, theo thông tin công bố, Singapore là nước đầu tiên tại khu vực này bước vào suy thoái. Kinh tế Nhật đã suy thoái. Kinh tế New Zealand hiện đã ở trong tình trạng suy thoái.

5.      Thị trường chứng khoán thế giới suy giảm nghiêm trọng

Theo số liệu thống kê của Bloomberg, tính tới ngày 19/12, thị trường chứng khoán thế giới đã sụt giảm 46% giá trị so với hồi đầu năm, chỉ còn 32.000 tỷ USD.   Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P hạ 40% trong năm 2008, mức hạ lớn nhất từ Đại Khủng Hoảng những năm 1930. Nhiều chuyên gia dự đoán tình hình suy thoái kinh tế hiện nay sẽ tiếp tục đi xuống và nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận thêm nhiều tin xấu trong năm 2009.

Lĩnh vực tài chính chịu ảnh hưởng lớn nhất, cổ phiếu của nhóm ngành tài chính đã giảm tới 60% trong năm nay. Cổ phiếu của Citigroup giảm 70%, Morgan Stanley giảm 72% và Goldman Sachs giảm 65%.

Cổ phiếu của nhóm ngành ô tô Mỹ hạ mạnh. Cổ phiếu của GM mất 87% giá trị trong năm nay.

Chỉ số MSCI của TTCK châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có cả thị trường Nhật) đã giảm 44% trong năm 2008, mức hạ chưa từng có trong suốt hơn hai thập kỷ bởi khủng hoảng tín dụng đẩy những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

Tại thị trường châu Âu, cổ phiếu của toàn bộ 19 nhóm ngành mất điểm bởi kinh tế Nhật và châu Âu bước vào suy thoái lần đầu tiên từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Kinh tế Mỹ rất khó khăn.

6.      Năm 2008 – năm của những vụ lừa đảo chưa từng có của ngành tài chính

 Pháp: Một nhân viên lừa đảo cả hệ thống ngân hàng

Tại ngân hàng lớn thứ hai của Pháp Societe Generale một nhân viên môi giới tại đây đã lừa các khách hàng của mình làm họ mất 4,9 tỷ euro (7,15 tỷ USD). Đây là một đòn mạnh nữa giáng vào ngành ngân hàng và chứng khoán thế giới vốn đang nhiều sóng gió.

 Điều tra độc lập của 3 giám đốc ngân hàng cho thấy, Kerviel đã có một người khác giúp sức để thực hiện các giao dịch ảo. Họ đã phát hiện một bức thư điện tử khẳng định người này đã biết về kết quả các vụ giao dịch lừa đảo của Kerviel.

Hàn Quốc: Vụ lừa đảo theo hình thức đa cấp lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 26/11/2008, Hàn Quốc phát hiện ra vụ lừa đảo tài chính theo hình thức kinh doanh đa cấp lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước này.

14 kẻ lừa đảo do Cho Hee Pal cầm đầu vì đã chiếm đoạt 3,9 ngàn tỉ won (2,6 tỉ USD) của hàng chục nghìn người đầu tư. Thủ đoạn lừa đảo như sau: thành lập một công ty có kinh doanh nhà tắm công cộng, trung tâm thẩm mỹ có tên BMC. Cho lừa gạt những người đầu tư vào công ty này rằng sẽ trả lãi 32% cho họ trong vòng 8 tháng. Do hám lợi, nhiều người đã mắc bẫy. Nhiều người có khả năng trắng tay vì vụ việc này.

Đức: 2 vụ bê bối của ngành ngân hàng lớn chưa từng có

Dữ liệu tài khoản của 21 triệu người Đức có thể đang trôi nổi trên thị trường “chợ đen” ở nước này. Ngày 06/12, nhóm điều tra của tạp chí Wirtschaftswoche – Đức đưa tin rằng có hai cá nhân đã tuyên bố bán một đĩa CD có chứa tên, địa chỉ và tài khoản của 21 triệu người Đức. Chi tiết về tài khoản ngân hàng của 21 triệu khách hàng tại các ngân hàng của Đức đang được rao bán trên thị trường với giá 15 triệu USD.

Ngân hàng LBB tại Berlin để mất dữ liệu của hàng ngàn thẻ tín dụng trong đó có cả số PIN của khách hàng. Theo Frankfurter Rundschau, thông tin về dữ liệu của thẻ tín dụng của khoảng 10 nghìn khách hàng đã được gửi nặc danh đến tòa báo của họ. LBB là ngân hàng lớn nhất của Đức, khách hàng của nhiều ngân hàng khác cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng từ vụ việc.

Mỹ: Vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử phố Wall

Với chiêu lừa ngoạn mục giống như cha đẻ của hình thức lừa đảo đa cấp Charles Ponzi, cựu chủ tịch Nasdaq một thời đã qua mặt rất nhiều tổ chức tài chính hàng đầu trên thế giới trong đó bao gồm Banco Santander, ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha; Royal Bank of Scotland, ngân hàng lớn thứ 2 của Anh; ngân hàng HSBC; Man Group, tổ chức quản lý quỹ đầu tư lớn nhất thế giới; Nomura Holdings của Nhật Bản; Societe Generale và Credit Agricole của Pháp; và tại Thụy Sĩ là Union Bancaire Privee.

Tổng số tiền lừa đảo lên tới 50 tỷ USD. Ông Bernard đã bị bắt và được vợ dùng 10 triệu USD để được quản thúc tại gia. Nhiều chuyên gia hiện cho rằng cho rằng thế lực của Madoff là một thế lực ngầm, ảnh hưởng đến nhiều nhân vật quan trọng tại Mỹ. Ủy ban chứng khoán Mỹ mới đây đã thừa nhận thiếu sót trong việc đã không phát hiện được vụ việc trong khoảng thời gian suốt 10 năm qua.

7.      Thượng Nghị Sỹ Barack Obama trở thành Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ – hi vọng về sự phục hồi kinh tế Mỹ và thế giới

Ngày 04/11/2008, người dân Mỹ đã chọn ra vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ – ông Barack Obama.

Ông là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Mới đây ông đã hoàn thành nội các mới, trong đó đáng chú ý nhất là cựu đối thủ của ông – bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã trở thành ngoại trưởng trong nhiệm kỳ mới.

Ông đã hoàn thành việc bổ nhiệm nội các mới của mình – nội các đa sắc tộc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong nội các của ông có ông Holder – một người da đen, Bộ trưởng Thương mại, Bill Richardson – người gốc Mỹ La tinh, Bộ trưởng Các vấn đề của cựu chiến binh Eric Shineki – người Mỹ gốc Nhật, Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu – nhà vật lý từng đoạt giải Nobel người Mỹ gốc Trung Quốc và một số nữ quan chức, trong đó có bà Hillary Clinton – Ngoại trưởng Mỹ.

Ngoài ra gần đây, ông đã bổ nhiệm người giữ các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Mỹ, chủ tịch Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai, và một vị trí trong bộ máy đứng đầu của FED.

Theo tân Tổng thống Mỹ, chính quyền của ông không chỉ đa sắc tộc mà còn đa chính trị và đa nhân tài.

 Ông đã đưa ra kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ mới, dự kiến chi phí cho kế hoạch này lên tới 850 tỷ USD, tạo ra 2,5 triệu việc làm trong 2 năm tới cho người Mỹ. Trọng tâm của kế hoạch là đường sá, các dự án cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học mới và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường.

 8.      Năm 2008 – năm của một loạt những kế hoạch giải cứu nền kinh tế

Năm 2008, tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã phải công bố một loạt các biện pháp để cứu ngành tài chính, ngân hàng và nền kinh tế.

Mỹ: Kế hoạch hoàn thuế cho người dân với trị giá 152 tỷ USD bắt đầu thực hiện từ ngày 28/04/2008. Mục tiêu của kế hoạch hoàn thuế này là kích thích tiêu dùng. Tiêu dùng chiếm đến 70% tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Kế hoạch 700 tỷ USD được thông qua ngày 03/10/2008 ban đầu dùng để mua lại các tài sản xấu tại các ngân hàng và tổ chức tài chính Mỹ và sau này được chuyển hướng để hỗ trợ trực tiếp về vốn cho các ngân hàng. Cho đến nay, 355 tỷ USD trong kế hoạch đã được sử dụng hết. Bộ trưởng Bộ Tài Chính Henry Paulson đang kêu gọi sử dụng nốt số tiền còn lại.

Chính phủ Mỹ ngoài ra còn quốc hữu hóa AIG – tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Mỹ và hai tập đoàn cho vay thế chấp bất động sản hàng đầu là Fannie Mae và Freddie Mac.

 Ngày 19/12/2008, chính phủ đưa ra kế hoạch giải cứu ngành ô tô. Cụ thể hai hãng xe GM và Chrysler được vay 17,4 tỷ USD. Chính phủ Canada cũng tuyên bố hỗ trợ 3,3 tỷ USD cho quá trính tái cơ cấu của hai hãng này.

 Châu Âu: các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu cũng tiến hành nhiều biện pháp cứu thị trường. Ngày 12/12, châu Âu công bố kế hoạch 267 tỷ USD kích thích tăng trưởng kinh tế. Làn sóng quốc hữu hóa ngân hàng tăng cao, danh sách bao gồm: Northern Rock Bradford & Bingley (Anh): Fortis và Dexia của (Bỉ); Hypo Real Estate (Đức) ; Kaupthing, Landsbanki, Glitnir (Iceland).

Châu Á: Các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á cũng đưa ra một loạt các biện pháp cứu nền kinh tế. 

Tháng 11/2008, Nhật Bản cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vay khoảng 100 tỷ USD trong khoản vay tạm thời để giúp nước đang phát triển vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trung Quốc mới đây công bố kế hoạch 586 tỷ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế và ngoài ra là kế hoạch dành 1.500 tỷ USD để phát triển lĩnh vực nông thôn.

Ngày 12/12/2008, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc thông báo hợp tác hoán đổi tiền tệ.

9.      Câu chuyện về đất nước có tỷ lệ lạm phát 231 triệu phần trăm

 Tổng thống Mugabe là nhà lãnh đạo đáng chịu chỉ trích nhất trên thế giới. Trong 28 năm, ông đã cố gắng để biến một trong những nước giàu nhất khu vực tiểu Sahara thành một nước nghèo nhất thế giới.

 Tại nước này vào thời điểm tháng 7/2008, Các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động ở Zimbabwe đã tăng cước phí sử dụng dịch vụ lên 1.000% do lạm phát tăng quá cao.

Tháng 12/2008 Chính phủ Zimbabwe vừa chính thức kêu gọi quốc tế cứu trợ khẩn cấp để chống nạn dịch tả đang hoành hành tại nước này. Tại cuộc họp với các cơ quan cứu trợ quốc tế, Zimbabwe đã yêu cầu được hỗ trợ thuốc, trang thiết bị y tế và chi phí trả cho các nhân viên y tế.

Ngân hàng trung ương Zimbabwe vừa phát hành thêm tờ tiền 10 tỷ đô tương đương chưa đầy 20 USD. Đất nước Nam Phi từng rất thịnh vượng này đang phải đối mặt với lạm phát ở tốc độ như tên lửa.

10.  Phá sản và vỡ nợ cấp quốc gia: Ecuador, Iceland, và Ukraina

Iceland

Khi cơn bão tài chính quét đến châu Âu, Iceland là nước đang phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề. Những năm gần đây, ngành tài chính của nước này phát triển quá nhanh và ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong GDP, quốc đảo này đang phải đối mặt với nguy cơ “quốc gia phá sản”.

Ngày 07/10, Chính phủ Iceland tuyên bố đã liên hệ để vay 4 tỉ euro của Nga nhằm giải quyết tình hình tài chính trong nước.

Ngày 24/10, IMF thông báo đạt được thoả thuận sơ bộ về việc cho Iceland vay khoản tín dụng lên tới 2,1 tỷ  USD trong vòng 2 năm. Ngày 19/11, Phần Lan, Thụy Điện, Nauy và Đan Mạnh sẽ hỗ trợ thêm 2,5 tỷ USD. Tháng 10/2008, tỷ lệ lạm phát của Iceland ở mức rất cao và nhiều khả năng có thể lên tới 75%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, kinh tế ở Iceland, nước vừa thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia nếu không được IMF cho vay tiền, sẽ sụt giảm khoảng 10% trong năm 2009.

Ecuador

Ecuador được vào Guinness là quốc gia có số lần tuyên bố mất khả năng trả nợ nhiều nhất: 6 lần, danh hiệu mà không một người Ecuador nào có thể tự hào.

Ngày 13/12, Ecuador từ chối trả một khoản lãi suất 30,6 triệu USD cho 510 triệu USD trái phiếu đáo hạn năm 2012 và có thời hạn chi trả lãi suất vào ngày 15/12. Thực chất theo nhiều chuyên gia đánh giá đây là chiêu bài kiếm lời từ trái phiếu của chính phủ Ecuador.

Ukraina

Trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thuộc Liên Xô trước đây (Kazkhstan, Nga và Ukraina), Ukraina chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế. Thép, ngành xuất khẩu chủ lực của Ukraine, bị thiệt hại nặng do giá giảm mạnh.

Theo Ủy ban Thống kê Quốc gia Ukraina, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine trong tháng 11 giảm tới mức kỷ lục 14% so với cùng kỳ năm 2007.

Tính đến 15/12/2008 Đồng hryvnia (UAH) của Ukraina, nước có chính phủ ủng hộ phương Tây, đã mất ½ giá trị trong 6 tháng.

Ngân hàng quốc gia của Ukraine công bố tổng số nợ nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2008 tăng gần gấp đôi lên 105 tỷ USD.

 
Nguồn: CafeF.vn