Sự thật đằng sau thị trường bất động sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những lời kêu cứu của các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh BĐS bắt đầu xuất hiện, cũng như những đề nghị “giải cứu” cho thị trường này cũng đã được nêu ra. Vậy sự thật đằng sau thị trường này là gì?

Là người phụ trách lĩnh vực BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam không đồng ý với nhận định cho rằng, thị trường BĐS trầm lắng, chứ đừng nói là “đóng băng”. “Tôi kịch liệt phản đối dùng từ đóng băng. Tôi đọc nhiều tài liệu, thấy người ta khẳng định thị trường BĐS Việt Nam vẫn rất hấp dẫn”, ông Nam nói và chứng minh, đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm nay chủ yếu vào BĐS. Số dự án vẫn tăng lên nhanh chóng, số dự án được khởi công vẫn nhiều. Nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư vào BĐS, vì thị trường này vẫn mang lại lợi nhuận và còn rất tiềm năng.

Theo ông Nam, thị trường BĐS đang trở về đúng quỹ đạo của nó. Giá xuống là phù hợp với mục tiêu điều hành của Chính phủ. Ông Nam phân tích, trước đây giá BĐS bị đẩy lên quá cao, đến mức phi lý, vì vậy, nếu nói các chủ đầu tư đang bị lỗ mấy ngàn tỷ đồng là không đúng.

“Là người trong ngành và đã từng là chủ đầu tư dự án, rồi phê duyệt dự án, tôi biết rõ, giá thành căn hộ tính cả tiền đất, tiền vật tư như thép, xi măng, cửa, thang máy… chỉ khoảng 12 triệu đồng/m2. Thế mà các chủ đầu tư bán tới 40 triệu đồng/m2. Họ quá lãi!”, ông Nam nói và cho biết, giá căn hộ có xuống đến 20 triệu đồng/m2, thì chủ đầu tư vẫn lãi, vì nếu thua lỗ thì không có chuyện khuyến mãi ô tô hay đi du lịch nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn lao vào đầu tư dự án BĐS, kể cả phải xin xỏ, chạy chọt.

Ông Nam cho rằng, thị trường BĐS vẫn đang tạo lợi nhuận và có sức hút lớn. Giá cũng chỉ xuống ở những dự án chung cư cao cấp trước đây bị “thổi giá”. Đối với các doanh nghiệp, nếu chỉ tập trung quá nhiều vào căn hộ cao cấp, thì sẽ “chết” vì giá xuống, còn nhà ở trung bình ít bị ảnh hưởng. “Tôi vừa mới gọi điện thoại hỏi mua nhà giúp bạn tôi giá 20 triệu đồng/m2, nhưng không có. Giá toàn 2.000 USD/m2 trở lên. Vì vậy, ý của Chính phủ là muốn kéo giá BĐS xuống tiếp”, ông Nam nói.

Theo phản ánh của các công ty đầu tư và kinh doanh BĐS, có dự án bán giá gốc cũng không bán được. Ông Nam đặt câu hỏi: “Giá gốc này được xây dựng trên tiêu chí nào hay là giá do chủ dự án đưa ra?” và cho rằng: “Không nên quan tâm đến giá gốc, mà phải quan tâm đến giá thành. Hiện nay lợi nhuận của các công ty BĐS rất lớn và không nên lo cho họ. Nếu giá căn hộ trở về 15 – 18 triệu đồng/m2 là hợp lý và các chủ đầu tư vẫn có lợi nhuận lớn”.

Trong tình hình giá vật liệu xây dựng đang tăng mạnh như hiện nay, ông Nam cho rằng, cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành BĐS. “BĐS nước ta đắt là do tiền đất, chứ không phải tiền xây. Giá đất bao giờ cũng gấp nhiều lần tiền nhà”, ông Nam khẳng định.

Bình luận về ý kiến cho rằng, lượng tiền của các ngân hàng đổ vào thị trường BĐS hiện đã lên đến 50% và nếu thị trường này “có vấn đề”, thì nguy cơ đổ vỡ tín dụng có thể xảy ra, ông Nam khẳng định “không có con số đó”. Ông Nam cho biết, đến tháng 3/2008, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ trong lĩnh vực BĐS chỉ chiếm 10% tổng dư nợ của các ngân hàng. “Đây là một tỷ lệ an toàn, vì theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này được phép từ 10% đến 15%”, ông Nam cho biết.

Ông Nam phân tích thêm, trong dư nợ BĐS của các ngân hàng, phần ngân hàng cho các chủ đầu tư vay để giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn, do vậy các ngân hàng yên tâm vì có đất, có nhà, có tài sản để cân đối và nhìn chung đây là giá trị thật. Đối với những người kinh doanh BĐS không chuyên nghiệp mang tính đầu cơ mới bị lỗ, vì họ vay không có cơ sở. Người đầu cơ vay mua giá cao, nay giá tụt xuống, thì cả người vay lẫn ngân hàng cho vay phải trả giá.

Nguồn: Báo Đầu tư