Sửa các nghị định về đất đai: DN có thể được phân lô, bán nền
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Phạm Khôi Nguyên vừa ký văn bản đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai liên quan đến công tác giao đất, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo đó, Bộ TNMT đề xuất nhiều giải pháp để gỡ cho hàng loạt vướng mắc liên quan đến đền bù, GPMB, đầu tư xây dựng nhà ở, quy hoạch “treo”…

Doanh nghiệp lại được bán nền nhà

Quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong thực hiện dự án nhà ở khi đã hoàn thành việc xây dựng theo dự án hoặc hoàn thành xây dựng đồng bộ hạ tầng. Tuy nhiên, trước khi có quy định này, nhiều địa phương đã giao đất cho chủ đầu tư kinh doanh nhà ở với quy mô lớn và dàn trải, phát triển theo hạ tầng là chủ yếu. Thậm chí, dù nhiều chủ đầu tư đã huy động vốn vay ngân hàng và tiền đóng góp của người đăng ký mua nhà nhưng vẫn không đủ khả năng tài chính để thực hiện tiến độ.

Chính vì vậy, Bộ TNMT đề nghị sửa đổi với nhiều nội dung thông thoáng. Theo đó, Chính phủ quy định cụ thể danh mục các đô thị không được phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở theo hình thức phân lô, bán nền. UBND cấp tỉnh được quyết định việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, thực hiện dự án xây dựng nhà ở theo hình thức phân lô, bán nền hoặc trực tiếp giao đất cho hộ gia đình, cá nhân để tự xây nhà theo quy hoạch.

Tương tự, quy định sắp tới cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở để bán, cho thuê được phép chuyển nhượng QSDĐ đối với diện tích đất đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo dự án được duyệt. Các đối tượng này cũng được phép chuyển nhượng QSDĐ dưới hình thức bán nền mà chưa xây dựng nhà ở đối với dự án không thuộc danh mục các khu đô thị không được phép phân lô, bán nền do Chính phủ quy định.

Trường hợp dự án nhà ở có dự án thành phần thì chủ đầu tư được phép chuyển nhượng QSDĐ sau khi đã hoàn thành từng phần của dự án. Đặc biệt, chủ đầu tư nếu không thể tiếp tục thực hiện dự án thì được chuyển nhượng QSDĐ sau khi đã hoàn thành GPMB và thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

Để thực hiện được việc sửa đổi này đòi hỏi Chính phủ, UBND cấp tỉnh phải đầu tư cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để kiểm soát dự án nào được phép và dự án nào không được phép xây dựng nhà ở theo hình thức phân lô, bán nền. Đồng thời, cũng phải công khai, minh bạch các khu vực này để đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc đầu tư kinh doanh bất động sản.

Sắp tới, chủ đầu tư được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã giải phóng mặt bằng và thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Nhà nước bồi thường thay doanh nghiệp

Bộ TNMT nhận định, quy định về việc tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã giảm sức ép cho các cơ quan hành chính trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, cũng chính việc này đã gây nên bất cập trong việc thống nhất giá bồi thường, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi có một số hộ dân không chấp nhận phương án bồi thường, làm phát sinh tình trạng dự án “treo”… Theo kết quả điều tra về quy hoạch “treo” do Bộ TNMT tiến hành thì ngoài quy hoạch, khâu GPMB cũng góp phần “treo” tới trên 31.000 ha đất.

Do đó, Bộ TNMT đề nghị sửa đổi Nghị định 84/2007 theo hướng: UBND cấp tỉnh thực hiện việc thu hồi đất đối với dự án phát triển kinh tế khi có các điều kiện: diện tích 1 ha trở lên; vốn đầu tư trong nước trên 100 tỷ đồng; dự án đã được cơ quan nhà nước xét duyệt. Trường hợp đất dự án thuộc diện nhà nước thu hồi mà nhà đầu tư muốn tự thỏa thuận giá đền bù, nếu sau 90 ngày mà vẫn còn người thuộc diện bị thu hồi đất không đồng thuận về giá thì UBND có thẩm quyền sẽ quyết định thu hồi (quy định hiện nay là phải sau 180 ngày).

Đối với đất xen kẽ trong khu đô thị thì nhà đầu tư tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng, thuê QSDĐ, nhận góp vốn bằng QSDĐ để thực hiện dự án đầu tư. Nếu không thỏa thuận được mà dự án nằm trong quy hoạch đô thị thì nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách ra quyết định thu hồi đất.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM