Sửa đổi Bộ Luật Hình sự: Sẽ sửa tội đầu cơ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiều qua (11-8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc với Vụ Pháp luật hình sự-hành chính để nghe báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS.

Phải xử việc găm hàng, bán giá cao trục lợi

Theo dự án luật sửa đổi, sẽ có 42 điều luật được sửa đổi và 16 điều bổ sung mới. Trong đó, một vấn đề hiện vẫn còn ý kiến chưa thống nhất là có nên bỏ tội đầu cơ hay không.

Theo quan điểm của VKSND tối cao, sắp tới nên bỏ hẳn tội này vì không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Hiện chưa có thống kê chính thức nhưng từ khi BLHS 1999 có hiệu lực tới nay, số vụ xử được rất hạn chế. Quan điểm khác lại cho rằng chỉ nên sửa hoặc giữ nguyên quy định như cũ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu giữ nguyên quy định cũ thì dẫu thực tế có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện để trục lợi cũng không thể xử được về tội đầu cơ. Bởi theo quy định hiện hành, người phạm tội phải thỏa mãn hàng loạt điều kiện mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bao gồm: lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh; có hành vi mua vét hàng hóa với số lượng lớn nhằm bán lại thu lời bất chính; gây hậu quả nghiêm trọng.

Do đó, tổ biên tập đã đề xuất phương án sửa tội danh này theo hướng bổ sung thêm hành vi đầu cơ “trong tình hình có khó khăn về kinh tế”. Cái khó ở chỗ là nếu theo phương án này thì lại vướng khái niệm thế nào là “khó khăn về kinh tế”?

Một chuyên gia Vụ Pháp luật hình sự-hành chính đề xuất: Nếu đất nước có thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh sẽ có tuyên bố của cơ quan chức năng. Vậy khi kinh tế khó khăn cũng cần có tuyên bố của Thủ tướng hoặc chủ tịch UBND các cấp về vấn đề này. “Khó khăn về kinh tế” được hiểu có thể chỉ diễn ra tại một hay một vài địa phương, không nhất thiết phải trong phạm vi toàn quốc. Những nội dung nói trên sẽ được quy định rõ trong văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đồng ý với phương án sửa đổi, bổ sung tội đầu cơ. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị nên cân nhắc thêm trong việc sử dụng từ ngữ.

Tham ô, nhận hối lộ: Bỏ tử hình

Một vấn đề khác đã gây nhiều tranh luận thời gian qua là việc có nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ hay không.

Phần lớn thành viên tổ biên tập cho rằng nên bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội danh nói trên bởi đối với các tội về tham nhũng, vấn đề quan trọng hơn là phải truy thu được toàn bộ số tài sản tham nhũng. Đây chính là khâu khá yếu của chúng ta hiện nay.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác, trong đó có đại diện của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh việc chống tham nhũng thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội danh nói trên là không có lợi.

Cuối cùng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng tình với đề xuất của tổ biên tập là nên bỏ án tử hình trong hai tội tham ô, nhận hối lộ, đồng thời bộ trưởng đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm, nâng đề xuất số tội sẽ bỏ hình phạt tử hình lên 14/29 tội.

Một vấn đề khác được “gút” trước khi dự án luật này được trình Chính phủ là xác định mức định lượng tối thiểu về giá trị tài sản hoặc giá trị thiệt hại bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội chiếm đoạt tài sản và một số tội phạm khác có liên quan đến tài sản từ 500 ngàn lên hai triệu đồng; đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản từ một triệu lên bốn triệu đồng. Riêng với tội trốn thuế, gian lận thuế, mức khởi điểm được nâng từ 50 triệu lên 150 triệu đồng.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM