Sức nóng cạnh tranh ngân hàng ngoại đang lộ diện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, điều  kiện “đủ” hầu như cũng đã chín muồi: với dân số 85 triệu nhưng mới chỉ có khoảng 10% người dân mở tài khoản tại ngân hàng và hơn 2/3 là dân số trẻ, Việt Nam đang là mục tiêu trong trung hạn của các ngân hàng ngoại.

Do vậy, tuy âm thầm nhưng cũng rất quyết liệt, các định chế tài chính ngoại đang tăng cường thâm nhập thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam.

Sau vài năm đặt trụ sở chi nhánh Hà Nội tại tòa nhà Sun Red Rivers ở 23 Phan Chu Trinh, giữa tháng 6/2008, Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải (HSBC) đã chuyển về địa chỉ mới Pacific Place ở 83 Lý Thường Kiệt.

Văn phòng mới này dĩ nhiên rộng rãi hơn, tiện nghi hơn nhưng cái chính là ở khu vực đẹp hơn nhiều so với trước nhờ hai mặt “tiền” mà qua đó HSBC có thể khuyếch trương và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nội địa thông qua các biển quảng cáo dịch vụ ngân hàng bán lẻ ưu việt của mình.

Sự thâm nhập mạnh của ngân hàng ngoại

Khác với HSBC, đầu tháng 7/2008, Ngân hàng ANZ đã triển khai và cho ra mắt dịch vụ “ngân hàng tận nơi”, khách hàng tại Hà Nội và Tp.HCM có thể được tư vấn và thực hiện các nhu cầu giao dịch ngân hàng của mình trong thời gian và địa điểm thích hợp nhất.

Trước đó, Ngân hàng Standard Chartered đã cho ra mắt dịch vụ “ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam” sau nhiều năm khá “im hơi, lặng tiếng” so với “người đồng hương” HSBC.

Tuy nhiên, tất cả những sự kiện đó chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch của các ngân hàng ngoại tại thị trường Việt Nam. Cả ba ngân hàng ngoại được xem là tích cực nhất tại Việt Nam gồm ANZ, HSBC và Standard Chartered đang khẩn trương chuẩn bị cuộc cạnh tranh được xem là có quy mô lớn hơn: mở ngân hàng 100% vốn sở hữu của mình tại Việt Nam sau khi được chấp thuận về mặt nguyên tắc từ phía Ngân hàng Nhà nước.

“Với một thị trường đầy tiềm năng như thế thì không có lý do gì mà các ngân hàng nước ngoài lại đứng ngoài cuộc. Việc thâm nhập thị trường  nội địa của họ chỉ là sớm hay muộn”, ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank nói.

Kế hoạch trước mắt của các ngân hàng ngoại, theo ông Huy, là chiếm lĩnh thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Để chuẩn bị cho chiến lược này, ngay sau khi nhận được chấp thuận nguyên tắc về việc thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, ANZ đã lập tức công bố kế hoạch này và tuyên bố trong năm 2008 ANZ sẽ khai trương ít nhất 4 phòng giao dịch mới.

“Trong những năm tới, ANZ sẽ mở thêm nhiều chi nhánh và phòng giao dịch tại các thành phố lớn của Việt Nam”, ông Alex Thursby, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ANZ cho biết.

Bất chấp những khó khăn kinh tế hiện tại của Việt Nam, các chủ ngân hàng ngoại xem ra vẫn tin tưởng vào tầm nhìn trung và dài hạn của họ vào thị trường nội địa.

Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam nói rằng dù Standard Chartered đã điều chỉnh giảm dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7% xuống còn 6,7% trong năm 2008, nhưng với tỷ lệ này Việt Nam sẽ vẫn nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực.

“Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trong vòng 3-5 năm tới, đặc biệt là mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ”, ông khẳng định.

Sự tin tưởng của Standard Chartered dựa trên hai lợi thế mà ngân hàng này có được trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): mạng lưới toàn cầu và chất lượng dịch vụ. Đây cũng chính là hai yếu tố lợi thế cạnh tranh cơ bản mà các ngân hàng ngoại có lợi thế hơn các đối thủ nội.

“Chúng tôi cũng đã đưa ra thị trường dịch vụ cho vay tiêu dùng và sẽ sớm tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm cho vay đối với SME”, ông Ashok Sud cho biết thêm.

Theo dự báo của Standard Chartered, trong vòng 5 năm tới, dịch vụ ngân hàng bán lẻ sẽ tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam. Chẳng hạn trong lĩnh vực quản lý tài sản, tỷ lệ tăng trưởng sẽ ở mức 30-35%/năm, vì ngày càng có nhiều cá nhân và SME mở tài khoản tại ngân hàng.

Còn tốc độ tăng trưởng của dịch vụ cho vay tín dụng tiêu dùng, theo ông Ashok Sud, có thể cao hơn, khoảng 40%/năm.

Sức ép cần thiết cho ngân hàng nội

Sự tính toán của các đối thủ ngoại đến vào lúc các ngân hàng nội đang gặp nhiều bất lợi, cả về khách quan lẫn chủ quan: kinh tế vĩ mô đang gặp nhiều thách thức, lạm phát tăng cao khiến các cơ quan quản lý phải triệt để áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ-tín dụng. Những yếu tố này đã tác động tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nội địa, cụ thể là trong nửa đầu năm 2008.

Trên góc độ chủ quan, theo ông Huy, khi so sánh với các đối thủ ngoại trên phân khúc dịch vụ ngân hàng bán lẻ, các ngân hàng nội vẫn còn nhiều hạn chế về sản phẩm dịch vụ, hạn chế về vốn, công nghệ thông tin và thiếu sự phối hợp giữa ngân hàng với ngân hàng và giữa ngân hàng với các đơn vị kinh tế có liên quan.

“Chẳng hạn khi muốn triển khai dịch vụ thanh toán lương, thanh toán tiền điện hay các hình thức thanh toán khác qua thẻ, thì ngân hàng cần phải phối hợp với các đơn vị kinh tế có liên quan để triển khai”, ông Huy nhận xét.

Hay khi ngân hàng muốn đẩy mạnh việc thanh toán không sử dụng tiền mặt thì hệ thống máy rút tiền tự động (ATM), máy POS (điểm chấp nhận thanh toán) phải rộng khắp để khách hàng có thể sử dụng thẻ thanh toán bất cứ nơi nào mà họ đến.

“Nhưng đến thời điểm hiện nay thì hệ thống máy ATM, máy POS của các ngân hàng trong nước chủ yếu chỉ triển khai ở  những khu vực thành thị hoặc khu trung tâm thương mại, còn ở các khu vực nông  thôn hay ngoại thành thì việc triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại gặp  nhiều khó khăn như chi phí, thói quen sử dụng…”, ông Huy dẫn chứng.

Sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng ngoại ngày càng hiển hiện và lớn dần. Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mục tiêu chính của các ngân hàng ngoại khi vào Việt Nam là chiếm lĩnh thị phần, vì vậy áp lực cạnh tranh thị phần sẽ tạo ra sức ép lớn lên các ngân hàng Việt Nam.

“Nhưng tôi cho rằng sức ép này là cần thiết và là động lực buộc các ngân hàng Việt Nam phải vươn lên”, bà Hương nói.

Các chủ ngân hàng nội là người hiểu rõ hơn ai hết điều cần làm để cạnh tranh với các ngân hàng ngoại, và một khả năng “hợp lực” đang được xem là một giải pháp không tồi trong bối cảnh hiện tại và những năm tới.

“Trong kinh tế thị trường để tăng thêm sức mạnh các ngân hàng sẽ không loại trừ khả năng người nọ tìm đến kết hợp với người kia để tạo ra một sức mạnh lớn hơn. Nhưng điều này sẽ chỉ xảy ra trong 5-10 năm tới. Hiện tại, các ngân hàng Việt Nam cũng đang lo đến chuyện này, minh chứng là không ít ngân hàng đang đi tìm cổ đông chiến lược để tạo ra những thế mạnh cho riêng mình”, bà Hương nhận định.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam