Tai nạn lao động gia tăng: Doanh nghiệp không thể coi thường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

TNLĐ ở nông thôn bị bỏ quên

Theo điều tra khảo sát của Hội ATVSLĐ Việt Nam tiến hành tại 45 DNVVN với 1.676 người lao động (NLĐ) ở 12 địa phương trong cả nước cho thấy tần suất vụ TNLĐ trên thực tế lớn hơn rất nhiều so với con số thống kê của Bộ LĐTB và XH công bố hàng năm (chỉ chưa đến 1%). Chỉ tính từ năm 2000-2004 trong số 51,11% số DN được khảo sát có xảy ra TNLĐ thì tần suất TNLĐ hàng năm trung bình là 12,21%. Nếu theo NLĐ tự khai thì tần suất TNLĐ bình quân hàng năm qua 5 năm (2000-2004) là 11,45% cũng cao gấp hàng chục lần so với tần suất TNLĐ của cả nước thống kê được. Còn tính các vụ TNLĐ và số người chết trung bình mỗi năm tăng 7,85%. Trong 6 tháng đầu năm 2008, trong số 2.497 vụ TNLĐ thì có 250 vụ tai nạn chết người làm 266 người chết, 546 người bị thương nặng. Nguyên nhân các vụ TNLĐ thường xuất phát từ lỗi của người sử dụng lao động như không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về ATVSLĐ, cố tình không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động, không đảm bảo các điều kiện về môi trường lao động… Song do thiếu hiểu biết, tâm lý chủ quan, coi thường sức khỏe tính mạng của chính người lao động cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNLĐ.

Ông Vũ Văn Như -Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội) cho biết: Trong các trường hợp bị TNLĐ thì số người bị tai nạn nhiều nhất là trong các ngành nghề xây lắp chiếm 27,86%/tổng số vụ, sau đó là đến khai khoáng chiếm 12,93%, cơ khí chế tạo chiếm 7,8% và cuối cùng là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 4,98%. Sở dĩ các khu vực này thường xảy ra TNLĐ vì qua khảo sát điều kiện làm việc tại các DN đều cho thấy điều kiện và môi trường làm việc của các DNVVN còn chưa đủ tiêu chuẩn nếu không muốn nói là xấu. Đa số nhà xưởng cũ kĩ, tạm bợ, không đúng kiểu dáng công nghiệp, bố trí xen lẫn trong khu dân cư, không có các công trình xử lí khí thải, nước thải, chất thải rắn mà cứ thải tự nhiên ra ngoài làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Hiện nay các DN phần lớn sử dụng thiết bị, máy móc cũ kĩ, lạc hậu, lao động thủ công nặng nhọc. Thêm vào đó là các yếu tố nguy hiểm và có hại trong môi trường sản xuất vượt giới hạn cho phép nhiều lần chiếm tới trên 30%. Còn tại khu vực nông thôn số vụ TNLĐ cũng không phải là ít nhưng do người lao động chủ yếu làm trong các ngành nghề truyền thống và tập trung ở những hộ gia đình và DN nhỏ nhiều hơn. Cho nên việc phòng ngừa và thực hiện các biện pháp phòng chống TNLĐ ở nông thôn nhiều năm qua vẫn bị bỏ quên.

Thêm nhiều bệnh mới

Bên cạnh đó, bệnh nghề nghiệp (BNN) do mang tính chất đặc trưng của nghề nghiệp tác động thường xuyên, kéo dài của các yếu tố nguy hiểm đến cơ thể người lao động gây ra hiện tượng bệnh lý đang có chiều hướng gia tăng. ở nước ta, đến nay đã có 25 BNN được Nhà nước công nhận nhưng theo PGS -TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia về Bảo hộ lao động cho rằng: Đây là con số quá ít so với thế giới. Tại các nước phát triển người ta đã nghiên cứu và phân ra có 29 nhóm BNN khác nhau và số người mắc BNN nhiều vẫn là các công nhân trong lĩnh vực công nghiệp. Còn ở Việt Nam số người mắc BNN đã được công bố tăng dần theo từng năm song còn rất nhiều căn bệnh khác chưa công bố. Chẳng hạn, tại một cuộc điều tra thực tế gần đây từ các công nhân ngành thuỷ sản cho thấy: Sau một ngày làm việc các chuyên gia theo dõi và kiểm tra tình hình sức khoẻ của các công nhân thì đều thấy công nhân đứng làm việc đều bị giãn tĩnh mạch ở bắp chân và số vòng đo giãn trung bình từ 0,5-1, 5 cm. Mức độ nguy hiểm và hậu quả của BNN cũng không thua kém so với những vụ TNLĐ thông thường và còn ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người lao động. Thực tế ở nước ta mỗi năm có từ 1.000- 1.500 người lao động mắc các BNN mới. Vì vậy trong điều kiện phát triển như hiện nay BNN cũng cần được nghiên cứu để có biện pháp phòng ngừa và chính sách đền bù thoả đáng.

Được biết, bên cạnh việc thực hiện chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động, ATVSLĐ đến năm 2010, Cục An toàn Lao động đang có đề xuất xây dựng Luật VSATLĐ và Đề án quỹ bồi thường TNLĐ, BNN… Theo đó người lao động sẽ được hưởng các lợi ích cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường, ngăn chặn TNLĐ, BNN, được chăm sóc và được bồi thường theo nhiều mức khác nhau để điều trị, chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng, được hỗ trợ tiền để đi học nghề kể cả khi bị tàn tật… Tuy nhiên, trước mắt để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng, giảm TNLĐ là trách nhiệm và phụ thuộc nhận thức của chính các DN và người lao động.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử