Tăng đầu tư để phát triển bền vững ngành thủy sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 là căn cứ quan trọng để đẩy mạnh đầu tư ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng giá trị gia tăng, phát triển bền vững…

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến về Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh ngành thủy sản đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg đã đề ra những giải pháp quan trọng nào để phát triển bền vững ngành này?

Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được xây dựng khẩn trương trên cơ sở đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện chiến lược những năm trước.

Chiến lược đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 – 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (sản lượng nuôi trồng đạt 7 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 2,8 triệu tấn); giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD; giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động…

Từ định hướng trên, Chiến lược nêu ra nhiều nhóm giải pháp quan trọng, đồng bộ.

Trước hết, cần đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng thủy sản. Hiện nay, các cảng cá vừa thiếu hạng mục, thiếu công suất, dẫn đến khó quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Để đạt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng thủy sản nuôi biển đạt 2 triệu tấn, cũng cần có hạ tầng đồng bộ hơn bây giờ.

Khoa học công nghệ là vị thế của các quốc gia. Nếu không đẩy nhanh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, thì chúng ta sẽ tụt hậu. Khoa học công nghệ cần áp dụng vào tất cả các khâu, từ sản xuất giống, thức ăn dinh dưỡng, chế biến và bảo quản.

Hiện nay, thất thoát sau thu hoạch của ngành thủy sản là 15 – 40%. Chúng tôi đang thúc đẩy các cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp vào cuộc để giải quyết bài toán này.

Cùng với đó, vấn đề nghiên cứu nuôi biển, nuôi nội đồng cũng phải được triển khai quyết liệt.

Về cơ chế chính sách, phải xem xét, giải quyết đồng bộ các vấn đề giao mặt nước biển, tín dụng, thị trường…

Về vấn đề thị trường và hội nhập quốc tế, Việt Nam đang phấn đấu đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Mặc dù năm 2020, chúng ta xuất được 8,6 tỷ USD sang hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, song các thị trường đã và đang tạo ra các hàng rào kỹ thuật để phòng vệ thương mại, do đó, cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo phát triển bền vững.

Lâu nay, khâu chế biến vẫn là điểm yếu cố hữu của ngành thủy sản. Nâng cao năng lực chế biến chắc hẳn cũng sẽ là một trong những giải pháp trọng tâm, thưa Thứ trưởng?

Đúng vậy. Hiện cả nước có 1.235 doanh nghiệp thủy sản, cần cơ cấu lại các doanh nghiệp này, gắn vào các chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn; đổi mới, cập nhật công nghệ nhanh hơn để tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, để phát triển bền vững ngành thủy sản, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; tổ chức, sắp xếp lại để đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc từng vùng nuôi …

Như Thứ trưởng đề cập ở trên, hệ thống hạ tầng khai thác thủy sản của Việt Nam còn yếu kém, trong nhiều năm không được đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản khai thác. Những tồn tại này sẽ được khắc phục như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Đầu tư cho ngành thủy sản hiện vẫn rất thấp và chưa tương xứng với quy mô xấp xỉ 9 triệu tấn, xuất khẩu gần 9 tỷ USD mỗi năm. Muốn phát triển kinh tế biển, cần đầu tư trên 15% ngân sách do Bộ NN&PTNT quản lý cho thủy sản.

Không có hạ tầng thủy sản, rất khó quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật về thủy sản. Bởi vậy, muốn gỡ “thẻ vàng” của EC, Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề nguồn lợi thủy sản. Trữ lượng thủy sản vùng biển nước ta trước đây là 4,36 triệu tấn, nhưng đang có xu hướng giảm, gần đây chỉ còn 3,95 triệu tấn.

Để giải quyết vấn đề này, trong Chiến lược Phát triển thủy sản thời gian tới nêu rõ: “giảm sản lượng thủy sản khai thác từ 3,8 triệu tấn xuống còn 2,8 triệu tấn” và song hành với đó, cần tổ chức bảo tồn; nâng sản lượng nuôi trồng lên 7 triệu tấn. Để làm được điều đó, trong Chiến lược đã đưa ra những định hướng cho từng đối tượng và định hướng theo vùng.

Cụ thể, những định hướng, giải pháp, chính sách cụ thể nào sẽ tạo đột phá hơn nữa cho ngành thủy sản, thưa Thứ trưởng?

Tôm và cá tra là 2 đối tượng chủ lực của ngành thủy sản.

Về cá tra, diện tích sẽ mở rộng lên khoảng 6.000 ha; nghiên cứu các dòng cá tra theo hướng kháng bệnh, sinh trưởng tốt; đồng thời, đẩy mạnh chuỗi liên kết, tập trung nâng cao giá trị ở khâu chế biến sản phẩm.

Về tôm, phấn đấu nuôi trên 740.000 ha và sản lượng trên 940.000 tấn; mở rộng diện tích tôm, chú trọng quy trình nuôi an toàn sinh học, giống tốt để nâng cao năng suất.

Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh nuôi thủy sản nội đồng và nuôi biển, bởi lĩnh vực này còn dư địa rất lớn. Sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng đề án nuôi biển, phối hợp với các bộ, ngành để giao đất cho các đơn vị nuôi biển.

Hiện thủy sản của ĐBSCL chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Nuôi tôm ở ĐBSCL đang có lợi thế rất lớn, nhưng nếu không đầu tư đồng bộ về hạ tầng, phòng chống dịch bệnh, con giống, kiểm soát chất lượng, quy trình nuôi…, thì rất khó phát triển bền vững.

Ngoài ĐBSCL, định hướng phát triển thủy sản cho các vùng cũng được xác định rất rõ trong Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg.