Tăng quỹ đất, giảm sức nóng thị trường bất động sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Thưa Ông, được biết trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện kiểm kê quỹ đất công. Cụ thể về kế hoạch này là như thế nào?
      PVT ĐỖ ĐỨC ĐÔI: Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị triển khai dự án kiểm kê quỹ đất công nhằm cụ thể hoá chỉ đạo của Chính phủ kiên quyết thu hồi những dự án cố tình không đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 31 giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1.4 – 31.11, phải tiến hành kiếm tra xong quỹ đất. Đối tượng kiểm kê là các loại đất do các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất. Nếu đơn vị nào sử dụng không có hiệu quả thì kiên quyết thu hồi để chuyển sang phục vụ các dự án phát triển kinh tế. 
      PV: Chính sách quản lý đất đai đã và đang gây ra những lãng phí do chưa tận dụng được nguồn lực phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế, thưa Ông? 
      PVT ĐỖ ĐỨC ĐÔI: Đúng là chính sách tài chính về đất đai hiện chưa ổn. Chúng ta vẫn quản lý đất đai theo kiểu hành chính, chứ chưa dùng công cụ kinh tế để quản lý và đưa đất đai thành nguồn lực phát triển kinh tế bền vững. Mục tiêu của nước ta là đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp với tỷ trọng công nghiệp chiếm tỷ lệ trên 60% GPD. Khi đó, sẽ phải thu hồi diện tích đất đai rất lớn phục vụ cho hình thành các khu công nghiệp mới. Do đó, phải cân nhắc kỹ việc lấy đất ở đâu và lấy như thế nào để sau này không phải trả giá đắt về môi trường. Hiện một số nước phát triển có xu hướng chuyển đổi các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao sang các nước đang phát triển. Do vậy, nếu chúng ta không tỉnh táo trong vấn đề này thì hậu quả sẽ rất khó lường. Một vấn đề đáng lưu ý khác là các khu đô thị quy hoạch hiện chủ yếu là xây nhà để ở, quy hoạch về xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội còn rất kém. 
      PV: Những bất cập trong chính sách quản lý đất đai cũng đã gây ra những xáo trộn lớn trên thị trường bất động sản, đặc biệt là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những biện pháp “hạ nhiệt” nào cho năm 2008 chưa? 
      PVT ĐỖ ĐỨC ĐÔI: Dù thị trường bất động sản năm qua có hiện tượng nóng sốt bất thường nhưng cũng không nên hành động vội vàng mà cần phân tích cụ thể. Năm 2007, cơn sốt trên thị trường bất động sản chủ yếu tập trung ở phân khúc nhà biệt thự, chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê. Nhưng vai trò tác động của nhà nước trong thời gian qua còn yếu. Ngay tại Hà Nội, mặc dù trong mấy năm qua đã phê duyệt hơn chục dự án xây dựng các khu chung cư… nhưng chỉ có 4 dự án đưa vào triển khai. TP Hồ Chí Minh cũng phê duyệt được khoảng 25 dự án thì chỉ có 6 dự án đi vào triển khai. Khi cung ít, cầu nhiều thì việc tăng giá là tất yếu. Do vậy, cần phải có những biện pháp can thiệp vào thị trường này bằng cách tăng cung cho thị trường. Hà Nội hiện chỉ có trên 5% là đất ở đô thị, còn TP Hồ Chí Minh là trên 7%, do vậy, muốn giảm sức ép cho hai thành phố này sẽ phải quy hoạch những khu vực đô thị lân cận có điều kiện tương tự, chẳng hạn như các tỉnh giáp Hà Nội là Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Hiện nay, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành đang triển khai quy hoạch các khu lân cận, các thành phố “vệ tinh” để thực hiện mục tiêu này. Đồng thời sẽ triển khai các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội như dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ là luồng giao thông dãn đầu tư công nghiệp sang các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, giúp giảm sức ép cho thị trường bất động sản. Với TP Hồ Chí Minh, tiềm năng còn lớn hơn, việc giãn ra một số địa bàn xung quanh chắc chắn có thể  thực hiện được.
      PV: Xin cám ơn Ông!

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân