Tăng thuế nhập khẩu urê: "Giải phóng" tồn kho
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tồn kho phân bón vẫn ở mức cao

Theo báo cáo của Bộ Công Thương kết thúc 8 tháng năm 2014, sản lượng phân đạm urê đạt 1.427,8 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2013; phân NPK khoảng 1.621,8 nghìn tấn giảm 0,6% so cùng kỳ. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có sản lượng phân urê đạt 345,8 nghìn tấn, tăng 14,3% so với cùng kỳ, sản lượng phân NPK đạt 1.182,1 nghìn tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ. Nhập khẩu phân bón 8 tháng đầu năm 2014 giảm 14% về số lượng và giảm 29,9% về trị giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khẳng định, hiện tại tồn kho phân bón vẫn ở mức cao gần 1.000.000 tấn. Nguyên nhân do cuối năm 2013, Trung Quốc áp dụng chính sách giảm giá, giảm thuế xuất khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ phân bón nên nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu mặt hàng này với số lượng lớn. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng phân bón thấp cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với phân bón sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất:

Đối với các loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tiếp tục cho phép nhập khẩu theo từng lô hàng và có thời gian xác định để có thể kiểm soát được, bảo đảm không ảnh hưởng tới cung – cầu trong nước. Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất để áp dụng một số giải pháp hành chính và kỹ thuật nhằm quản lý chặt chẽ và hạn chế việc nhập khẩu phân bón qua biên mậu.

Một sức ép khác dẫn tới tồn kho là do tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng và việc thẩm lậu phân bón qua biên mậu, cửa khẩu phụ phía giáp biên giới Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp… khiến thị trường phân bón cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát.

Cũng theo ông Thanh, mặc dù tồn kho ở mức cao, nhưng cho đến thời điểm này chỉ có phân urê và phân lân đã đáp ứng nhu cầu trong nước, còn phân bón DAP, NPK, Kali…vẫn đang trong tình trạng thiếu. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu cả phân bón SA và các loại phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Hạn chế nhập khẩu phân bón trong nước sản xuất đủ

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng phân bón trong nước đã sản xuất đủ và cân nhắc điều chỉnh thuế đối với phân bón trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, vừa bảo vệ sản xuất trong nước và đảm bảo đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất.

Theo đó, Bộ Tài chính quyết định tăng gấp đôi thuế nhập khẩu urê (6% bằng với mức trần cam kết WTO). Việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu urê thêm 3% đã góp phần hạn chế nhập khẩu urê, thúc đấy phát triển sản xuất urê trong nước.

Cục Hóa chất cũng cho rằng, đối với các loại phân bón DAP, NPK, Kali đang tiếp tục được đầu tư nhằm tăng dần về sản lượng cũng như chất lượng để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với thị trường phân bón DAP, từ nay đến cuối năm, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai của Vinachem sẽ có sản phẩm thương mại với  dự báo lượng cung cấp ra thị trường cuối năm nay sẽ đáp ứng được  70% nhu cầu. Ngoài ra, Vinachem cũng đang triển khai dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào với công suất 320 nghìn tấn phân kali/năm, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, nâng công suất lên 700 nghìn tấn/năm. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu phân kali trong nước.

Nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, đồng thời góp phần hạn chế nhập siêu, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số loại phân bón mà sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu. Động thái này sẽ giúp cho ngành hóa chất quản lý tốt hơn các mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là trước tình hình các sản phẩm phân bón giả, phân bón kém chất lượng lợi dụng “lách” thuế vào Việt Nam thời gian qua.

Lan Anh
Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/64112/tang-thue-nhap-khau-ure-giai-phong-ton-kho.htm#.VC4ZRmd_uxU