Tăng trưởng xuất khẩu: Loay hoay con số 13%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, ngoài một số mặt hàng nông sản do trúng mùa và mức tăng đột biến từ xuất khẩu vàng, “bức tranh” xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2009 vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại khi hàng loạt ngành hàng đều sụt giảm.

Dù so với cùng kỳ năm 2008, nhân điều xuất khẩu đạt 11.000 tấn, tăng 83% về lượng và 78,6% về trị giá, thuộc nhóm hàng được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Nguyễn Đức Thanh cho biết, ngành điều hiện đang rất khó khăn.

Tăng trưởng quý I/2009 chỉ là “ăn theo” các hợp đồng của quý IV/2008. Hiện nay, các hợp đồng kỳ hạn chỉ ký được bằng khoảng 50% so với năm 2008 và giá điều xuất khẩu hiện nay xuống rất thấp.

Ông Thanh dự kiến, năm 2009 kim ngạch xuất khẩu của ngành điều chỉ đạt 600 triệu USD so với con số 920 triệu USD của năm 2008.

Với tình hình trên, ông Thanh đề nghị, nên chăng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cho các DN vay vốn hỗ trợ 4%/năm lãi suất để đảo nợ. Theo ông Thanh, một số ngành được giảm 50% thuế VAT, nhưng ngành điều rất khó khăn lại không được giảm.

Ngoài ra, xúc tiến thương mại hiện nay mới chỉ hỗ trợ cho đoàn đi, còn đoàn đến vẫn chưa có chính sách gì. Trong khi đó, các đoàn đến Việt Nam lại có hiệu quả khá cao. Vì vậy, đề nghị Bộ Công thương xem xét vấn đề này. “

Tôi có nghe thông tin về chương trình đổi gạo lấy điều ở các nước châu Phi, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng tiếp cận và kết nối thông tin này với các DN ngành điều để hỗ trợ xuất khẩu cho ngành này”, ông Thanh cho biết.

Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc CTCP May Sài Gòn 3 cũng cho biết, phương án thúc đẩy xúc tiến thương mại vào các thị trường mới đối với ngành dệt may tác động không lớn, vì thị trường chính đã xuống thì các thị trường khác cũng khó mà mở rộng thêm. Chính vì vậy, thay vì đi ra nước ngoài, chúng ta nên tổ chức xúc tiến thương mại ngay tại “sân nhà”.

Các bộ, ngành có thể ủng hộ cho các hiệp hội tổ chức hội chợ trong nước và có thể hỗ trợ bằng cách giảm chi phí giá phòng, phương tiện đi lại… cho DN nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn.

Với ngành gỗ, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu gỗ 2 tháng đầu năm đã giảm tới 26% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên ngành này có mức giảm sút như vậy, vì từ năm 2003 đến nay, ngành chế biến gỗ liên tục nằm trong nhóm ngành có doanh số xuất khẩu cao nhất.

Để hỗ trợ các DN trong thời điểm khó khăn, Chính phủ đã quyết định giảm và giãn thuế thu nhập DN. Theo đó, DN nhỏ và vừa được giảm 30% số thuế thu nhập DN của quý IV/2008 và cả năm 2009. Với 70% số thuế còn lại của năm 2009, các DN được giãn thời hạn nộp trong 9 tháng.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, để tháo gỡ bớt khó khăn cho ngành gỗ, thời gian này không nên thu thuế nguyên phụ liệu và cần kéo dài hơn thời gian giãn thuế thu nhập DN.

Còn theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn, theo quy định, chỉ những DN có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động, không có tài sản thế chấp mới được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh vay ngân hàng thương mại.

Quy định này khiến nhiều DN làm hàng xuất khẩu không đủ tiêu chuẩn để vay vốn bù lãi suất và vô hình trung, những DN tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động đáng ra cần phải được hỗ trợ lại nằm ngoài chính sách này.

Ông Mạnh đề nghị, nên sửa đổi quy định này để mở rộng việc vay vốn cho các DN làm hàng xuất khẩu. Ngoài ra, cũng theo ông Mạnh, công nợ cũ đang là bài toán khó giải với các DN muốn vay vốn mới.

“Tại sao chúng ta không mạnh dạn và công khai hình thành Ban thanh lý công nợ để giải quyết dứt điểm các khoản nợ xấu cho các DN, vì theo tôi được biết, trước đây chúng ta đã có 2 lần xử lý công nợ xấu.

Hiện nay, sức khỏe của nhiều DN đã rất yếu, nếu không có phương án xử lý các khoản nợ xấu thì DN khó có thể tiếp cận được với chính sách ưu đãi mới”, ông Mạnh đề xuất và cho biết, kinh tế suy thoái hiện nay là cơ hội mua nguyên liệu giá rẻ của các DN, đặc biệt là DN làm hàng xuất khẩu. Vì vậy, Nhà nước nên hỗ trợ lãi vay đối với các DN muốn nhập nguyên liệu dự trữ để làm hàng xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc CTCP Thủy sản Sông Tiền, vấn đề các DN thủy sản đang phải đối mặt là thị trường thu hẹp, giá xuất khẩu không cao, trong khi giá nguyên liệu trong nước đang tăng lên. Ngoài ra, quy định mới về giá điện cho ngành sản xuất cũng khiến các DN thêm gánh nặng chi phí.

“Giá điện tăng mạnh vào giờ cao điểm từ 9 đến 11h sáng là không hợp lý và DN không thể chịu nổi vì giờ đó là giờ tất cả các DN phải sản xuất. Nên giữ giờ cao điểm từ 18h chiều đến 23h đêm”, bà Ánh đề xuất.

Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu, Bộ Công thương đã đề nghị các bộ, ngành liên quan cho áp dụng thuế suất 0% đối với một số nguyên liệu nhập khẩu, trong đó có nguyên liệu thủy sản; tiếp tục mở rộng diện giảm thuế VAT…

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, bộ này cũng đã trình Chính phủ đề án xúc tiến thương mại nội địa. Theo đó, sẽ có những biện pháp khuyến khích DN Việt Nam tổ chức các hội chợ, hội nghị để đón đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam giao thương.

Theo Gia Linh
Nguồn: Báo Đầu tư chứng khoán