Tạo không gian cho kinh tế tư nhân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Làm thế nào để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế tiếp tục là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận.

Điểm mới là, yêu cầu về tốc độ thực thi các giải pháp được đặt lên hàng ưu tiên.

Doanh nghiệp đang cần gì?

Trong báo cáo mới nhất về tình hình doanh nghiệp 2 tháng đầu năm 2021 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), vừa gửi Thủ tướng Chính phủ ngày hôm qua (25/2), Ban IV đã phải dùng đến từ “cạn kiệt” để nói về thực trạng nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Sau 1 năm đối đầu với Covid-19, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, đang trông vào các chính sách hỗ trợ liên quan đến giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí của Chính phủ… để duy trì hoạt động.

Đây cũng là lý do Ban IV đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan đẩy nhanh nghiên cứu, sớm trình phương án về các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2021 và hỗ trợ các doanh nghiệp, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Các giải pháp mà doanh nghiệp chờ đợi chủ yếu liên quan đến thuế, phí, như hoãn nộp tiền thuê đất đến cuối năm 2021; giãn nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập cá nhân trong năm 2021; tiếp tục giãn việc đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp trong năm 2021…

Tuy nhiên, ngay trong báo cáo này, các doanh nghiệp cũng xác định rõ, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước tác động của dịch bệnh là cấp thiết, nhưng chỉ là ngắn hạn.

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban IV cho rằng, để doanh nghiệp thực sự hồi phục và phát triển bền vững, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là động lực chính.

“Chúng tôi đã khảo sát và nhận thấy rằng, nhiều bất cập ở cả khâu quy định cơ chế, chính sách và khung pháp luật, lẫn thực thi trên nhiều lĩnh vực đã phản ánh trong các báo cáo tổng hợp trước đây vẫn tồn tại, đang gây nhiều cản trở cho cộng đồng doanh nghiệp trong tình cảnh vốn đã rất khó khăn vì dịch bệnh. Đây là các nội dung rất cần sự chỉ đạo liên tục và mạnh mẽ từ Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Thủy chia sẻ thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế, đây không phải là đề nghị mới và cũng không phải của riêng Ban IV. Trong nhiều báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những đánh giá của doanh nghiệp trong thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP và 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) luôn nhắc đến khoảng doãng thứ hạng giữa Việt Nam và 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei). Đặc biệt, đã 8 năm, kể từ phiên bản đầu tiên của Nghị quyết 19/NQ-CP (năm 2014) đến giờ, mục tiêu vào top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn là mục tiêu không dễ thực hiện. Rõ ràng, việc thực hiện các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn đang là bài toán khó. Đương nhiên, hệ quả là những rào cản chính sách đang lấy đi của doanh nghiệp không chỉ cơ hội kinh doanh, mà cả cơ hội cọ sát, học hỏi kinh nghiệm thương trường.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã phải nhắc đến câu nói quen thuộc rằng, “thể chế nào, doanh nhân, doanh nghiệp ấy” khi nhận được câu hỏi tại sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp dẫn đầu trong nhiều ngành, lĩnh vực, dù đã qua một chặng đường hơn 30 năm đổi mới kinh tế.

“Điều kiện duy nhất để doanh nghiệp lớn lên thực sự, có thể trở thành số 1 hay số 2, hay đơn giản là có thể tận dụng được cơ hội từ thị trường là môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tuân thủ cuộc chơi toàn cầu. Đây là việc Nhà nước phải làm, còn kinh doanh, lớn lên từ cạnh tranh là việc của doanh nghiệp”, ông Phú thẳng thắn.

Theo ông Phú, điểm hấp dẫn nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam lúc này là cơ hội kinh doanh thực sự rộng mở, doanh nghiệp được làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm, với phạm vi giới hạn đang ngày càng hẹp lại và rõ ràng hơn. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam không phải chỉ làm với nhau, ở trong nước, mà đang trong môi trường kinh doanh toàn cầu, với những ràng buộc, yêu cầu, thông lệ quốc tế.

“Doanh nghiệp Việt Nam khó lớn, khó có thể cải thiện năng lực cạnh tranh bằng các khẩu hiệu hay các giải pháp chính sách cải thiện trên văn bản. Chúng ta phải thẳng thắn nói với nhau như vậy”, ông Phú chia sẻ quan điểm.

Cơ hội để doanh nghiệp Việt trở thành một lực lượng

Có lẽ không nhiều doanh nghiệp biết rằng, lần đầu tiên, trong văn kiện của Đại hội Đảng XIII, khái niệm lực lượng doanh nghiệp Việt Nam được sử dụng.

Trong nội dung về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, văn kiện có đoạn viết: “Cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước”.

Với TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, người đầu tiên sử dụng khái niệm này, để nói về đòi hỏi phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đây là bước chuyển lớn về tư duy.

“Khi nói đến lực lượng doanh nghiệp, sẽ không chỉ là số lượng, mà phải hiểu theo nghĩa cấu trúc doanh nghiệp, trong đó mỗi khu vực, mỗi quy mô doanh nghiệp sẽ có vai trò, trách nhiệm của mình. Để làm được điều này, hình thành được cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới, thì tư duy về phát triển doanh nghiệp sẽ phải thay đổi rất mạnh mẽ”, ông Thiên đặt kỳ vọng.

Cách đây nhiều năm, ông Thiên đã từng cho rằng, việc doanh nghiệp Việt Nam chỉ có cộng đồng mà không có lực lượng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt không kết nối được với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không tạo nên được các chuỗi giá trị của người Việt, thương hiệu mạnh của người Việt. Chưa kể, điểm yếu trong kết nối của doanh nghiệp Việt cũng bắt đầu từ việc xác định không rõ vai trò của các doanh nghiệp với các quy mô, lớp lang khác nhau.

“Khi nói đến lực lượng doanh nghiệp, có nghĩa là sẽ có những thay đổi thể chế để phát triển các cấu trúc doanh nghiệp, trong đó nền tảng chính là các tập đoàn kinh tế mạnh, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân. Đây chính là các chủ thể tạo nên mạng lưới, xây dựng chuỗi giá trị, từ đó thúc đẩy phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và cả khởi nghiệp sáng tạo”, ông Thiên lý giải.

Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh dường như vẫn đang là chủ đề khá nhạy cảm, nhất là khi trong quá trình phát triển, môi trường kinh doanh, thể chế vẫn chưa thực sự hoàn thiện, khá nhiều doanh nghiệp lớn nhờ cơ chế xin – cho, nhờ các mối quan hệ…

Song, ông Thiên cho rằng, không đất nước nào có thể trở thành cường quốc nếu thiếu các doanh nghiệp nội địa quy mô lớn, nếu chỉ trông vào các tập đoàn nước ngoài.

“Khoảng 20 năm trước, Tạp chí The Economist (Anh) đã từng có nhận định gây chú ý. Họ cho rằng, khu vực Đông Nam Á rất khó có cường quốc, vì không có các tập đoàn bản địa lớn. Bài học kinh nghiệm chính là sự lớn mạnh của các quốc gia Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là điều chúng ta phải xác định rõ và đang có cơ hội để thay đổi, nhất là trong bối cảnh… bình thường mới”, ông Thiên làm rõ.

Khái niệm “bình thường mới” ở đây không chỉ là các vấn đề từ Covid-19, mà bao gồm cả sự khởi sắc của khởi nghiệp sáng tạo, sự phát triển của công nghệ, các ngành nghề kinh doanh mới… Câu chuyện kinh doanh của Telsla và Toyota năm 2019 được ông Thiên lấy làm ví dụ minh họa.

Theo thông tin trên báo chí thế giới, năm 2019, Tesla bán được khoảng 350.000 xe, lợi nhuận khoảng 40 triệu USD. Cùng thời điểm, số lượng xe Toyota bán được là 12 triệu chiếc, với lợi nhuận 22 tỷ USD. Nhưng đến đầu năm 2021, giá trị thị trường của Tesla đã vượt qua Toyota và tất cả các đối thủ truyền thống trong lĩnh vực ô tô.

“Người tiêu dùng chọn mua ô tô Toyota để đi, nhưng chọn cổ phiếu Tesla để đổ tiền, vì kỳ vọng vào tương lai rất gần của mô hình này. Điều này có nghĩa là tư duy về kinh doanh, tư duy thể chế, ửng xử với môi trường kinh doanh, với cạnh tranh… sẽ phải thuận theo các đòi hỏi của giai đoạn bình thường mới này, để thực sự làm nên những thay đổi về chất của nền kinh tế”, ông Thiên phân tích.

Khi đó, không gian cho doanh nghiệp Việt trở thành lực lượng thực sự rộng mở. Hơn thế, theo ông Thiên, tư duy tạo môi trường kinh doanh, thiết lập cơ chế để “làm tổ cho đại bàng” sẽ không chỉ nhắm đến đại bàng toàn cầu, mà còn là thúc đẩy sự phát triển của đại bàng Việt.

Năm quan điểm mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế

Một là, đẩy mạnh vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước đi đôi với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước khi Nhà nước chuyển từ vai trò kiếm soát sang quản lý, kiến tạo và phục vụ; từ can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính sang gián tiếp thông qua các công cụ luật pháp và chính sách phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng nguyên tắc phân bổ nguồn lực của thị trường; lấy sự phát triển của thị trường làm tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước.

Hai là, hệ thống luật pháp giữ vị trí trung tâm trong quá trình đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế. Nói cách khác, chính thị trường quyết định nội dung của pháp luật. Việc xây dựng pháp luật khi đó chỉ là thao tác “thể chế hóa” những chuẩn mực tương tác giữa các chủ thể trên thị trường.

Ba là, Nhà nước coi doanh nghiệp vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý. Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.

Bốn là, đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ và thích ứng với các ứng dụng công nghệ hiện đại, mô hình kinh doanh và xu thế phát triển mới trong nền kinh tế – xã hội; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp hoạt động trên các nền tảng công nghệ khác nhau…

Năm là, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Nguồn: Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)