Thành lập Tổng công ty đền bù giải toả: Nhà đầu tư có nhận được quỹ đất “sạch”?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phải thừa nhận rằng vướng mắc lớn nhất tại các dự án hiện nay là khâu đền bù giải tỏa. Một thống kê gần đây cho thấy, hiện có 55 tỉnh, thành phố trên cả nước có dự án chậm giải tỏa mặt bằng với tổng số 1.273 dự án. Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ việc các chủ đầu tư chưa có đủ năng lực tài chính nên không huy động đủ vốn để bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi. Thêm vào đó, những quy định hiện hành về vấn đề này cũng đang làm khó các DN. Ngay cả các trung tâm phát triển quỹ đất cũng chưa chủ động trong việc giải phóng mặt bằng sau quy hoạch, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, chưa hạn chế được tình trạng ách tắc kéo dài việc giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, dựa vào Nghị định 84, chính quyền không can thiệp vào việc sang nhượng giữa chủ đầu tư và người dân. Hậu quả là, nhiều hộ dân lấy cớ DN không đền bù sát giá thị trường, tìm cách ở lại, không chịu đi, gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ của dự án. Vì vậy, nếu Nhà nước làm công tác giải phóng mặt bằng rồi đem đi đấu giá đất để chọn chủ đầu tư, sẽ giúp cho các DN đỡ mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí phát sinh.

PV: Thực tế cho thấy, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, nếu không giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người có đất bị thu hồi dẫn đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng bị kéo dài, gây trở ngại cho DN, nhà đầu tư. Vậy theo ông mô hình này có khắc phục được những tồn tại bấy lâu?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Đúng vậy! Theo tôi, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là khâu các DN sợ nhất, nếu không xử lý tốt thì sẽ trở thành lực cản đầu tiên của các nhà đầu tư. Vì vậy, tôi có nói đến quan điểm, cách làm. Nếu thành lập Công ty này với mục đích giải phóng mặt bằng thì sẽ giảm tải những khó khăn cho DN (bởi theo cách làm cũ, các DN lập dự án rồi mới giải phóng mặt bằng. Nếu dân biết việc giải phóng đó là để làm khu đô thị mới của một DN mà lợi nhuận của DN đó họ có thể tính toán được thì chắc chắn người dân sẽ đòi đền bù giá cao). Nhà nước giao cho họ việc giải phóng, còn giải phóng để làm gì thì họ không cần biết, dân cũng không biết. Họ không phải giải phóng đất cho họ mà là cho Nhà nước, cho mục đích phát triển chung. Vì vậy, vướng mắc giữa DN này với người dân sẽ ít. Hơn nữa, khi DN giải phóng mặt bằng sẽ không còn tình trạng hai dự án cạnh nhau nhưng có mức giá đền bù khác nhau, không còn tình trạng người dân bức xúc, khiếu nại do giá đền bù “vênh” nhau nữa vì họ giải phóng là giải phóng cả toàn bộ một khu vực có dự án và cũng chẳng cần biết đó là dự án gì… Điều đó thể hiện sự minh bạch, rõ ràng.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập tổng công ty đền bù giải tỏa là mô hình hoạt động mới cần được xem xét, có cơ chế điều chỉnh cho phù hợp với loại hình này. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Theo tôi, việc thành lập một công ty chuyên làm nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ tranh thủ được nguồn vốn của xã hội, tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây là loại hình đầu tư mới, Luật Đất đai hiện hành chưa có các quy định điều chỉnh vấn đề này (Luật Đất đai thì có quy định giao cho một tổ chức thuộc UBND các tỉnh, địa phương). Vì vậy, có thể triển khai thí điểm ở một số địa phương theo cơ chế riêng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Mới đầu làm cho một vài địa phương, sau đó phát triển tốt mới mở rộng ra. Quan điểm của tôi là không thể giao việc này ngay cho các công ty tư nhân vì Nhà nước sẽ khó quản lý, không điều khiển được, nguy hiểm. Nếu làm thì tôi quan điểm vẫn phải là công ty Nhà nước hoặc, ít nhất nếu có thể thì thành lập công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước. Điều cơ bản tôi muốn nói đến là quan điểm, cách làm. Nghĩa là anh kinh doanh đất đai theo chính sách của Nhà nước chứ không phải kinh doanh thuần tuý theo thị trường, không phải đầu cơ.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của mô hình này?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Theo tôi, với thực trạng đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, việc thành lập DN chuyên giải phóng mặt bằng là cần thiết và rất hiệu quả, ngoài việc tạo ra những quy hoạch có đất “sạch” thì nó còn giúp tránh được những tản mạn, vụn vặt, chia nhỏ từng dự án trong công tác quy hoạch, xây dựng đền bù giải phóng mặt bằng của ta hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Thế Ngọc – Thứ trưởng Bộ TN -MT cho biết:

Trong văn bản đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH – ĐT và Bộ TN -MT đã nhất trí đề xuất 2 nội dung của phương thức thí điểm của DN trong lĩnh vực đền bù giải tỏa. Thứ nhất là sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố, cơ quan có thẩm quyền giao đất cho Tổng công ty thực hiện đền bù giải tỏa, sau đó bàn giao đất sạch cho UBND cấp tỉnh để đấu giá quyền sử dụng đất, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thanh toán tiền vốn đầu tư và một phần lợi nhuận thu được từ đấu giá đất cho Tổng công ty. Thứ hai là giao đất cho Tổng công ty thực hiện bồi thường giải tỏa, sau đó Tổng công ty thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và có trách nhiệm nộp cho Nhà nước một tỷ lệ thích hợp từ phần lợi nhuận thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật