Tháo gỡ “ách tắc” thủ tục đầu tư xây dựng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lắm văn bản… nhiều vướng mắc

Dẫn tổng kết của Tổng hội xây dựng Việt Nam, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đưa ra con số: hiện nay trong quản lý đầu tư xây dựng có trên 800 loại văn bản (tiêu chuẩn, định mức, đấu thầu, quản lý dự án, quản lý chất lượng thanh toán…). Vì vậy, Bộ này đề xuất cần phải huỷ các văn bản không còn hiệu lực, gộp các văn bản đã ban hành và điều chỉnh bổ sung các quy định vào một văn bản chính thức. Ví dụ, cần gộp Nghị định số 16 và Nghị định sửa đổi bổ sung số 112 vào làm một.

Nhiều quy định, chính sách lại tản mạn nên khó thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư Bộ GTVT cho rằng hiện nay, riêng thời gian thực hiện xong việc thu hồi đất trong công tác GPMB mất khoảng 6 tháng, trường hợp không thuận thì mất từ 10 tháng trở lên. Chỉ tính trình tự thu hồi đất và thực hiện bồi thường, tái định cư, các nhà đầu tư bắt buộc phải hoàn tất 11 công đoạn, loại giấy tờ.

Theo Bộ TN&MT, hiện nay một nhà đầu tư khi đầu tư vào một tỉnh thường phải trải qua 3 loại công việc: thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giới hiệu địa điểm, lập dự án đầu tư, xét duyệt hoặc cấp giấy phép hoặc chấp thuận dự án đầu tư; lập và xét duyệt quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, do chưa có sự kết hợp giữa các loại công việc nêu trên nên có tình trạng nhà đầu tư phải qua nhiều cửa, khi giải quyết từng loại công việc phải chờ kết quả từ công việc kia, dẫn đến kéo dài thời gian, làm mất cơ hội đầu tư.

Có tới 800 loại văn bản trong quản lý đầu tư xây dựng và không ít văn bản hết hiệu lực hoặc chồng chéo. Trong khi nhiều quy định, chính sách lại tản mạn, khó thực hiện.

Vừa gộp, vừa giảm để rút ngắn thời gian

Trước thực trạng trên, Bộ TN&MT đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết rà soát các quy định liên quan để sửa đổi cho phù hợp. Trong đó, giao cho Bộ TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng phối hợp rà soát các quy định về đất đai đầu tư, xây dựng để Chính phủ ban hành Nghị định trong đó doanh nghiệp sẽ tiến hành và được giải quyết đồng thời trình tự, thủ tục ba loại công việc nêu trên.

Nhìn chung ý kiến của các Bộ đều chung một hướng: sửa đổi, gộp các văn bản cho gọn, dễ thực hiện, vừa giảm thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp. Đối với những vướng mắc liên quan đến thu hồi đất, theo quy định hiện hành, có hai trường hợp thu hồi đất là thu hồi đất theo quy hoạch (chưa có dự án) và thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư. Sau khi thực hiện nhiệm vụ rà soát mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ TN&MT nhận thấy, trường hợp thu hồi đất thứ hai còn bộc lộ tồn tại, vướng mắc. Ví dụ, quy trình thực hiện quá nhiều bước và có một số bước trùng lặp như việc “công bố chủ trương thu hồi đất” và “thông báo về việc thu hồi đất”; “lập, thẩm định, xét duyệt phương án tổng thể về bồi thường tái định cư”. Một số nội dung khác khó thực hiện, dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại như bước “chuẩn bị hồ sơ địa chính cho khu đất bị thu hồi”. Vì thực tế hiện nay hệ thống hồ sơ địa chính thường không đầy đủ.

Theo quan điểm của Bộ TN&MT thì khi có quyết định thu hồi đất cần giao ngay mặt bằng cho chủ đầu tư để khảo sát, lập dự án. Vì quy định như hiện nay, đất bị thu hồi chưa giao ngay cho chủ đầu tư quản lý dẫn đến tình trạng đất bị tái lấn chiếm, bị xê dịch mốc giới thu hồi đất.

Trong khi đó, Bộ GTVT cho biết, hiện nay khi có thiết kế kỹ thuật mới tiến hành cắm cọc GPMB để giao cho địa phương. Điều này làm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Vì vậy chủ đầu tư cần được cắm cọc GPMB ngay từ khâu thiết kế cơ sở. Ở công đoạn tiếp theo, để bảo đảm tiến độ dự án, các khu tái định cư phải được thực hiện trước. Tuy nhiên hiện nay các địa phương đều chưa chuẩn bị đủ quỹ đất hoặc không có kinh phí để xây dựng trước. Mặt khác, trong thực tế chi phí xây dựng khu tái định cư cao hơn chi phí đền bù nên các hộ dân không đủ tiền mua nhà, đất tái định cư. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ hoặc trả chậm phần chênh lệch.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, chính sách đền bù hỗ trợ GPMB vừa qua vướng chủ yếu do mức đền bù hỗ trợ thấp. Do đó, trong trường hợp chưa tăng được giá đất đền bù thì xem xét tăng mức hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Rút ngắn thủ tục liên quan đến tác động môi trường

Theo Bộ TN&MT, Bộ này vừa trình Chính phủ một số biện pháp đơn giản thủ tục hành chính liên quan đến thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, danh mục dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, các Bộ, ngành địa phương sẽ được phân cấp mạnh hơn. Một danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng sẽ được xây dựng, công bố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhất là đối với các dự án nhà ở, khu đô thị nhỏ. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng đã làm việc với Bộ Công an, qua đó, rút bớt thủ tục, thời gian liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy

Theo báo Khoa học & Phát triển