Thấy gì qua năm đầu GIA NHẬP WTO?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tổ hợp những kỷ lục đó mang lại cho nền kinh tế sự sôi động và chất nghịch lý. Đặt bức tranh đó vào khung cảnh năm đầu sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nảy sinh câu hỏi: sự sôi động và nghịch lý như vậy có nghĩa gì?

Sự sôi động là kết quả tổ hợp của hai xu hướng kỷ lục

Trước hết, tính “động” chứng tỏ khi chuyển sang giai đoạn “hậu gia nhập WTO”, nền kinh tế phải đương đầu với hệ vấn đề đa dạng và phức tạp gấp bội so với trước. Hệ vấn đề đó đòi hỏi các chủ thể phải có năng lực ứng biến và xử lý tình huống nhanh, độ chuẩn xác cao. Đây là đòi hỏi thách thức năng lực của Chính phủ và doanh nghiệp. Nhưng thực tế năm 2007 chưa cho thấy sự cải thiện năng lực mong đợi ở hai chủ thể này.

Tính “động” của các quá trình kinh tế còn chứng tỏ nền kinh tế đã có những chuyển động mạnh, đã “biết” phản ứng thật sự trước các tác động hội nhập, tránh được điều đáng sợ nhất – sự “trơ lỳ” hay “thiểu năng phản ứng” hội nhập. Thông qua sự sôi động, nền kinh tế bộc lộ thế mạnh, điểm yếu và cả những khuyết tật. Đó là những tín hiệu cảnh báo quan trọng, giúp đánh giá chính xác mức độ mà nền kinh tế và xã hội chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho hội nhập thực sự, nhận diện đúng năng lực tận dụng cơ hội và khả năng vượt qua thách thức mà hội nhập đã mở ra.

Nhưng có cơ sở để đánh giá rằng nỗ lực chuẩn bị các điều kiện hội nhập chưa xứng tầm, còn xa mới bảo đảm cho nền kinh tế tận dụng tốt các cơ hội đã mở ra.

Nỗ lực tận dụng cơ hội chưa xứng tầm

Năm 2007, dòng vốn nước ngoài đổ vào mạnh trên tất cả các tuyến: FDI, ODA, vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối, tạo nên khí thế và đà tăng trưởng. Tuy nhiên, về cuối năm, xuất hiện nhiều ý kiến hoài nghi năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cụm từ “bội thực vốn đầu tư” ở một nền kinh tế nghèo, đang “khát” vốn được đề cập ngày càng nhiều. Ngày càng rõ mối lo về nguy cơ không tận dụng được, thậm chí, bỏ lỡ cơ hội bùng nổ FDI, cơ sở để cất cánh và phát triển mạnh.

Một quan ngại khác gắn với khả năng tận dụng cơ hội thị trường thời kỳ hậu gia nhập WTO để cải thiện thành tích xuất khẩu. Mối quan ngại này xuất phát từ hai yếu tố. Một là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2007 tuy cao, song chưa tương xứng với cơ hội(2). Hai là, chưa rõ động thái cải thiện căn bản cơ cấu xuất khẩu vốn thiếu năng lực cạnh tranh do dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm thô.

Mối lo ngại đối với dòng đầu tư nước ngoài và xuất khẩu – hai tuyến hội nhập quan trọng nhất, hai động lực tăng trưởng kinh tế hàng đầu – đặt ra một câu hỏi gay gắt: liệu chúng ta có đủ năng lực thực tiễn để tận dụng cơ hội nhằm bứt phá và vượt lên?

Câu trả lời cho câu hỏi thể hiện ở kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thực tế: thấp hiếm thấy, có khả năng chỉ giải ngân được 60-70%. Giải ngân vốn chậm đồng nghĩa với tốc độ giải tỏa các nút thắt tăng trưởng giao thông, cảng biển, năng lượng chậm, đường sá còn tiếp tục ách tắc, nguồn điện sẽ vẫn thiếu hụt. Hậu quả là thu hẹp khả năng tận dụng các cơ hội bứt phá và chuyển dịch cơ cấu, giảm sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Nếu tình hình chậm được cải thiện, sẽ xuất hiện nguy cơ nền kinh tế đánh mất cơ hội bùng nổ đầu tư nước ngoài.

Đáng lưu ý là điều này đã được cảnh báo và nhận thức từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Chính phủ cũng đã nêu rõ quyết tâm phải xử lý nhanh, quyết liệt các nút thắt này. Song thực tế lại diễn ra không hoàn toàn như vậy.

Cùng với sự chậm trễ nêu trên, thực trạng xử lý một vấn đề thuộc loại cơ bản, dài hạn nhất của nền kinh tế hội nhập là phát triển nguồn nhân lực đã bổ sung thêm luận cứ cho nhận định về cách thức chuẩn bị các điều kiện cho sự hội nhập thực tế. Cho đến nay, những cuộc thảo luận về phát triển nguồn nhân lực chủ yếu vẫn dừng lại ở việc làm rõ các khía cạnh gay gắt của thực trạng (nói “không” với tiêu cực) chứ chưa dồn trọng tâm vào phương hướng cải cách giáo dục đào tạo (chưa nói “có” với một cái gì căn bản). Nguồn nhân lực – thế mạnh dài hạn của Việt Nam – vẫn tiếp tục yếu kém, ít nhất là thêm một năm. Mà một năm ngày nay là quãng thời gian đủ để đánh mất một cơ hội phát triển ở tầm lịch sử – dân tộc.

Lạm phát và năng lực ổn định vĩ mô trong môi trường hội nhập

Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP và lên tới hai chữ số là một thực tế của năm nay.

Thực ra, không có gì phải tranh cãi nhiều về các nguyên nhân khách quan của lạm phát. Cái đáng quan tâm hơn là lạm phát năm nay nói lên điều gì về các yếu tố và cơ chế tác động đến sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế “hậu gia nhập WTO”, về cách phản ứng chính sách để kiềm chế lạm phát đã được áp dụng trong năm.

Phải nói rằng về cơ bản, các nguyên nhân khách quan có tác động gây tăng giá dài hạn(3) đã được chỉ ra từ những năm trước, song cách phòng chống lạm phát cho đến nay vẫn thiếu tính cơ bản và chưa hệ thống. Điều đó thể hiện rất rõ trong năm nay.

Sự khác biệt đặc thù cơ bản của lạm phát năm 2007 so với các năm trước nằm ở sự gia tăng mạnh dòng tiền nước ngoài vào (FDI, ODA, kiều hối) và việc Chính phủ đã bỏ ra khoảng 130.000-140.000 tỉ đồng để mua ít nhất 9 tỉ đô la Mỹ (tính đến tháng 8-2007) trong khi các năm trước chỉ mua 2-3 tỉ đô la Mỹ/năm. Phải chăng đây là đặc trưng nổi bật của nền kinh tế hội nhập? Và sự khác biệt đó, cùng với sự hiện diện của thị trường chứng khoán non trẻ, đang xác lập một cấu hình lạm phát, hay rộng hơn, cấu hình hệ thống tài chính mới của thời hội nhập sâu rộng cho nền kinh tế Việt Nam?

Nếu thừa nhận luận đề đó, phải đi tiếp đến nhận định: khi nền kinh tế đã bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu và toàn diện, chúng ta vẫn chưa xây dựng được mô hình dự báo lạm phát và hệ giải pháp ổn định vĩ mô mang tính nền tảng.

Cách chống lạm phát được thực thi trong năm nay chứng tỏ khá rõ điều đó: chủ yếu vẫn là phản ứng “kiềm chế” giá cả ngắn hạn, giật cục, mang tính tình thế mà ít thể hiện tính bài bản, dựa trên nền tảng hệ thống tri thức lý thuyết vững vàng. Điểm yếu cốt tử này thể hiện ở mấy điểm sau:

– Chưa định vị rõ về nguyên tắc tương quan giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu ổn định (chống lạm phát) phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Do đó, chưa thiết kế được hệ mục tiêu và nhiệm vụ chức năng phù hợp cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Sự bàn luận sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu lạm phát đã được thông qua có định hướng “thành tích” rõ hơn là định hướng lợi ích tăng trưởng và ổn định(4).

– Ngân hàng Nhà nước bỏ ra một lượng tiền lớn để mua 9 tỉ đô la Mỹ nhưng dường như chưa lường tính hết các hệ quả, do vậy, không chuẩn bị đầy đủ các giải pháp “hút tiền” về kịp thời để “phòng chống” lạm phát.

– Cách phản ứng lạm phát của Chính phủ (công bố nhiều giải pháp mạnh/tuyên bố kiểm soát gắt gao và trừng phạt nghiêm khắc doanh nghiệp không giảm giá sau khi Nhà nước giảm thuế) tuy thể hiện rõ quyết tâm cao chống lạm phát, song lại gây hiệu ứng tâm lý tiêu cực trong xã hội.

– Trong tình thế lạm phát năm nay được coi là khá khẩn cấp, các công cụ tiền tệ (lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc) hay các công cụ tài khóa thông thường (cắt giảm chi tiêu chính phủ) ít được Chính phủ sử dụng. Trong khi đó, giải pháp mà thế giới ít sử dụng để chống lạm phát do kém hiệu quả – giải pháp giảm thuế nhập khẩu, lại được áp dụng ngay từ đầu ở nước ta. Kinh nghiệm chống lạm phát thành công ở nước ta tại thời điểm lạm phát phi mã vào nửa cuối thập niên 1980 – áp dụng chính sách lãi suất dương – chưa được chú ý vận dụng trong năm nay.

Một điểm rất đặc biệt là trong tình thế “cấp bách” như năm nay, nền kinh tế vẫn chưa ghi nhận một sự cải thiện đáng kể trong sự phối hợp chính sách và hành động của các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) trong việc chống lạm phát.

– Điều tiết xăng dầu: năm nay, Chính phủ “thả” cho doanh nghiệp quyết định giá cả một mặt hàng “nhạy cảm chiến lược” trong khi nhiều loại giá đầu vào khác ít nhạy cảm hơn lại chưa thả. Trên thực tế, Chính phủ vẫn quyết định thời điểm và mức giá xăng dầu, vẫn phải bù lỗ lớn. Hơn thế, khi chuyển giao “quyền lực” thị trường như vậy, Chính phủ vẫn không có những giải pháp phù hợp để định hướng doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu theo những phương thức ít rủi ro hơn (mua bán có kỳ hạn + tăng dự trữ chiến lược của Nhà nước).

– Việc không thực hiện cam kết tăng lương, coi đây là một giải pháp chống lạm phát trong khi chưa sử dụng các giải pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách, vừa không “chuẩn” về lý luận, lại thiếu sự mềm dẻo sách lược, làm ảnh hưởng đến uy tín thực hiện cam kết với dân, vừa làm tăng hậu quả lạm phát đối với nhóm người ăn lương thu nhập thấp. Hơn thế, quyết định này chứng tỏ một cách tiếp cận không phù hợp đối với việc tăng lương: thực hiện tăng lương dựa vào tăng giá (do tăng giá) chứ không phải là dựa vào tăng năng suất và hiệu quả lao động.

Tất cả những điều nói trên phản ánh một thực tế: đứng trước một vấn đề lớn, vốn phức tạp, lại có những sắc thái “thách thức” hội nhập rõ nét, cách thức phản ứng chính sách như trên có nhiều điểm đáng suy nghĩ thể hiện – trình độ bộ máy trong tương quan với các đòi hỏi của nền kinh tế hội nhập, cách tiếp cận lợi ích và tầm nhìn, năng lực điều hành và phối hợp các công cụ chính sách và bộ máy.

Đó là những vấn đề thuộc “tầm” vĩ mô – Nhà nước. Còn ở cấp vi mô, với các chủ thể chính của quá trình hội nhập, trong năm 2007, có vấn đề lớn nào?

Động thái doanh nghiệp

Có một số điểm đáng lưu ý sau:

– Định hướng lựa chọn hành động nhằm tận dụng cơ hội hội nhập của hai nhóm doanh nghiệp trong và ngoài nước có sự khác biệt rõ ràng. Dòng FDI tăng mạnh chứng tỏ các doanh nghiệp nước ngoài nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi ích kinh doanh dài hạn ở Việt Nam. Trong khi đó, một bộ phận lớn doanh nghiệp Việt Nam bị hút vào lĩnh vực kinh doanh chứng khoán để “chớp” thời cơ “ăn nhanh, ăn dễ và ăn lớn”. Hai sự khôn ngoan khác nhau phản ánh hai tầm nhìn chiến lược khác nhau. Hai cách hành động này định rõ những tương lai khác nhau cho hai nhóm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây có thể là điều cảnh báo đáng lo ngại nhất trong dài hạn.

– Trong khối doanh nghiệp trong nước, cũng có những chuyển động đáng quan tâm.

Một là xu hướng phát triển có tính liên kết bành trướng của các tập đoàn kinh tế và các công ty lớn, chủ yếu thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước. Liên minh đầu tư, hình thành các nhóm lợi ích có thế lực thị trường lớn là một xu hướng mới.

Hai là xu hướng mở rộng địa bàn đầu tư, dựa vào thế lực mạnh, vào liên minh sức mạnh để lao vào đầu tư “ăn xổi” ở cả những lĩnh vực không thuộc chuyên môn. Đây là điều kiêng kỵ trong kinh doanh, và càng đáng kiêng kỵ đối với các doanh nghiệp mà tiềm lực tài chính và tiềm lực khoa học – công nghệ yếu cũng như đối với các doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng xu hướng này đang nở rộ, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn cấp tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Các tập đoàn đều muốn lập ngân hàng riêng, lập công ty chứng khoán rồi “lên sàn” thổi giá, tiến hành đầu tư kinh doanh địa ốc, hợp doanh để kinh doanh kiếm lợi ở lĩnh vực mới… Tất cả tạo thành một cơn lốc xoáy sôi sục nhưng đầy rủi ro.

Tuy không phải tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều ứng xử trong năm đầu hội nhập như vậy, song làn sóng nêu trên đủ mạnh để tạo những hiệu ứng dài hạn không tích cực và có khả năng lan tỏa.

Từ đó, không khó khăn lắm để tiên đoán triển vọng của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam: chậm trưởng thành vì khó cưỡng lại các cám dỗ ngắn hạn. Hệ thống đó sẽ tồn tại như thế nào trước sóng gió cạnh tranh quốc tế đang thổi đến ngày càng dữ dội, trong một môi trường vĩ mô còn rất nhiều bất cập và chậm được cải thiện?

(1) Dự kiến GDP năm nay tăng 8,44%, FDI đạt 20,3 tỉ đô la, ODA cam kết 5,4 tỉ đô la, ngoại thương tăng trưởng 24-25%, dự trữ ngoại tệ tăng thêm ít nhất 9 tỉ đô la.

(2) Tăng trưởng xuất khẩu năm nay vẫn đạt mức cao 21,5%. Tuy nhiên, đây là thành tích đã đạt được ở nhiều năm “tiền WTO”. Trong khi đó, trong năm 2007, các điều kiện thị trường “hậu WTO” cũng như điều kiện giá cả xuất khẩu được đánh giá là thuận lợi hơn.

(3) Những nguyên nhân khách quan này – thiên tai và giá cả thị trường thế giới – đều mang tính bất thường cao. Song, về dài hạn, xu hướng gây tác động tăng giá dài hạn của các yếu tố này là rất rõ. Với sự bùng nổ tăng trưởng ở một loạt nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ, cung – cầu đầu vào năng lượng, nguyên liệu sẽ tiếp tục căng thẳng hơn. Thiên tai, dịch bệnh trên thế giới cũng xảy ra thường xuyên và mang tính toàn cầu hóa cao hơn. Xu hướng này phải trở thành một yếu tố “thường trú” trong sơ đồ chống lạm phát hiện đại của bất cứ quốc gia nào.

(4) Đa số các ý kiến – cả về phía Quốc hội lẫn phía Chính phủ – đều tập trung bàn có nên tập trung nỗ lực để đạt mục tiêu giữ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng GDP mà Quốc hội đã thông qua hay không mà rất ít bàn xem trong những điều kiện thực tế của năm 2007, mức lạm phát nào – thấp hơn hay cao hơn tốc độ tăng GDP – là tối ưu cho lợi ích phát triển kinh tế – xã hội (dài hạn) của đất nước.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn