Thị trường bán lẻ trước giờ G: Sẵn sàng “đối đầu”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

DN nội: Nóng bỏng dự án

Có mặt tại “Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam” Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM – Saigon Co.op, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc rất khẩn trương. Chuông điện thoại của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co.op (SCID) reo liên tục. Phía trong văn phòng, đội ngũ nhân viên của SCID đang miệt mài với các bản vẽ, hợp đồng… Phòng Marketing của Saigon Co.op cũng đang tất bật với những kế hoạch kinh doanh cuối năm, đồng thời chuẩn bị hậu cần cho việc khai trương và đưa vào sử dụng 4 siêu thị trong tháng 12 này. Trong đó, 2 siêu thị đặt tại TPHCM và 2 siêu thị tại các tỉnh Bến Tre và Đắc Lắc, nâng tổng số Co.opMart đã và đang hoạt động lên 34 siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, Tổng Giám đốc SCID cho biết, CBCNV của Saigon Co.op đang phải chạy đua với thời gian, với các dự án để sẵn sàng đối đầu với các DN ngoại. Nếu không có gì thay đổi, đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch xây dựng và đưa vào hoạt động 100 siêu thị trên địa bàn cả nước. Đồng thời, tiếp tục củng cố và phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ngay trong tháng 12 này, SCID sẽ đưa vào hoạt động 2 cửa hàng đầu tiên mang thương hiệu Co.opFood đặt tại TPHCM. Đây là mô hình mới, diện tích chỉ khoảng từ 300 – 500m2, chuyên bán thực phẩm tươi sống và chế biến phục vụ cho các khu vực dân cư trên địa bàn. Đây cũng là cách để mạng lưới hoạt động của Saigon Co.op đi sâu vào khu vực dân cư.

Ngoài những dự án tự đầu tư, Saigon Co.op cũng tiếp tục bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng những trung tâm thương mại hiện đại (như dự án Tân Phong, quận 7), liên kết với các DN trong nước triển khai hệ thống logicstic tại các vùng miền trên địa bàn cả nước. Đây là bàn đạp để Saigon Co.op mở rộng hệ thống siêu thị Co.opMart rộng khắp trong cả nước.

Ở phía Bắc, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đang ráo riết nâng cấp hệ thống các siêu thị sẵn có mang thương hiệu Hapro, đồng thời đầu tư mạnh cho các dự án mới, với quy mô mỗi dự án từ 50 – 100 tỷ đồng. Theo đó, hàng chục dự án trung tâm bán buôn chuyên ngành với các thiết bị hiện đại cũng đang được triển khai. Đối với những siêu thị, cửa hàng tự chọn dọc theo các tuyến phố và khu dân cư, Hapro cũng đưa hệ thống ISO vào quản lý. Hapro cũng được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ phải đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các siêu thị miễn thuế, các trung tâm thương mại hiện đại phục vụ du khách, gắn với các dịch vụ du lịch và giải trí.

Ông Nguyễn Đức Mưu, phụ trách Văn phòng Hapro tại TPHCM cho biết, Hapro cũng đang đứng ra làm trung gian tiêu thụ cho DN sản xuất ở các tỉnh, thành phía Nam ra phía Bắc, thông qua hệ thống các cửa hàng, siêu thị sẵn có của Hapro. Cách làm này vừa tạo cho Hapro có nguồn hàng phong phú, vừa hỗ trợ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Tương tự, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tập đoàn Phú Thái, hệ thống siêu thị Vinatex, Maximart, Citimart, cùng nhiều DN hàng đầu của VN như Vissan… đã đầu tư khá lớn cho việc xây dựng các siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm để chiếm lĩnh thị phần.

DN ngoại: “Bao vây” thị trường

Không chờ đến thời điểm mở cửa thị trường như cam kết, người tiêu dùng VN, đặc biệt là người dân thành thị từ nhiều năm nay đã làm quen với những cái tên như BigC (Pháp), Metro (Đức), Parkson (Malaysia), Zen Plaza (Nhật Bản), Diamond Plaza và mới đây là Lotte Mart (Hàn Quốc)… Trong số này, có khá nhiều tập đoàn đã xây dựng được khá nhiều siêu thị, tổng vốn đầu tư đã vượt khá xa so với kế hoạch ban đầu là 120 triệu USD.

Nhưng để mở rộng thị phần và tận dụng lợi thế trước khi VN cho phép các nhà đầu tư vào kinh doanh, họ đã liên kết với DN trong nước để xây dựng các siêu thị mới, điển hình như BigC Gò Vấp… Là “lính” mới nhưng Lotte không ngần ngại tuyên bố, trong 2 năm (2009 – 2010) họ sẽ mở 10 siêu thị tại VN. Đó là chưa kể, hàng chục tập đoàn lớn đã “nhòm ngó” thị trường VN từ nhiều năm qua.

Tập đoàn Tesco (Anh) chưa thực sự vào VN vì chưa xin được giấy phép đầu tư, nhưng họ đã “cắm mốc” từ hơn 1 năm qua tại VN, chỉ chờ có cơ hội là tiến hành xây dựng siêu thị. Được biết, Tesco cũng đã tìm được mặt bằng tại 2 TP lớn là TPHCM và Hà Nội. Hàng loạt đại gia bán lẻ chuyên ngành cũng đang tiếp cận thị trường VN. Trong tháng 12 này, chuỗi siêu thị điện máy Best Carings (được hình thành từ hợp đồng nhượng quyền giữa Công ty Tiếp thị Bến Thành và tập đoàn bán lẻ điện tử điện máy Best Denki – một trong 5 tập đoàn bán lẻ điện tử lớn nhất Nhật Bản) sẽ khai trương siêu thị thứ 3 tại VN. Trước đó 2 siêu thị tại Hà Nội và Cần Thơ đã đưa vào hoạt động.

Trước tình hình này, chủ tịch HĐQT của một hệ thống siêu thị tại TPHCM nói: “Bước vào năm 2008, đi đến đâu để tìm mặt bằng xây dựng siêu thị, chúng tôi cũng “đạp phải chân” các tập đoàn nước ngoài. Theo đó, họ cũng đã liên tục mời chúng tôi hợp tác trong lĩnh vực bán lẻ”. Còn bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN ví von: “Cửa của chúng ta chưa mở nhưng trong nhà đã có rất nhiều thượng khách. Điều này cho thấy thị trường VN có sức hút rất lớn”.

Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn Giải phóng