Thị trường bất động sản: Giảm tăng trưởng “nóng” phải đánh thuế luỹ tiến
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chính sách thuế hiện hành mang lợi nhuận lớn cho giới đầu cơ

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã nhiều lần khẳng định: “Tiền thuế BĐS từ lâu bị bỏ quên, vì vậy giới đầu cơ BĐS đã thắng lớn, do họ tận dụng cơ hội và đẩy thời giá lên cao”. Thực tế, có giai đoạn một căn hộ ở Phú Mỹ Hưng qua tay hết người đầu cơ này đến người đầu cơ khác và mỗi lần như thế giá lại được đẩy lên 30%. Có căn hộ chỉ 2 năm đã sang tên đổi chủ 5 lần, mà lần nào cũng tăng giá và đến lần thứ 5 đã tăng giá gấp 2, 5 đến 3 lần giá bán lần đầu. Như vậy có hàng chục tỷ đồng chui vào túi dân đầu cơ mà không thu được một đồng tiền thuế nào. Từ đó dẫn đến việc thất thu thuế hàng năm đến hàng nghìn tỷ đồng. Một nghịch lý đã diễn ra nhiều năm, người có nhu cầu mua nhà thì không thể mua nổi do giá trị nhà bị thổi lên quá cao, phi lý đến mức người ngoài không thể hiểu nổi và các đại gia BĐS thì giàu lên trông thấy.

Lý giải nghịch lý này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Nhà nước đã tìm cách, đưa ra cơ chế, giải pháp từng bước xóa tình trạng đó. Chúng ta cũng cần nhận biết, kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường (KTTT), do các quy luật của KTTT tác động vào, do vậy thị trường BĐS không nằm ngoài xu hướng đó. Cầu lớn hơn cung, dẫn đến giá tăng lên. Thứ hai cũng có nguyên nhân do “cầu ảo”, giá tăng do nhà đầu cơ kích cầu ảo lên, đồng thời có cả tâm lý cả của người tiêu dùng, nhưng đây chỉ là hiện tượng tạm thời. Quy định về chính sách thuế chưa đủ và chưa phù hợp. Thuế chuyển nhượng có, nhưng cao làm nhiều người giao dịch ngầm. Thuế tài sản chưa có nên dẫn đến tình trạng mua để dành. Do vậy, điều mà các cơ quan quản lý đang quan tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục những lỗ hổng gây thất thoát tiền của nhà nước.

Cân nhắc thời điểm đánh thuế bất động sản

Hiện nay, giá nhà ở Việt Nam tương đối cao, đây là bất cập lớn trong khi đại bộ phận người lao động còn có thu nhập rất thấp. Thực tế này đòi hỏi nhà nước cần nghiên cứu chính sách để bình ổn thị trường bất động sản, làm sao để có hàng hóa là nhà ở nhằm thỏa mãn nhu cầu của bộ phận rất lớn người lao động có thu nhập thấp. Trong thời gian tới phải kéo giá nhà xuống cho phù hợp. Đồng thời, nhà nước cũng có chính sách nâng cao thu nhập của người dân lên để họ có tích luỹ và có thể sở hữu nhà đất theo mức thu nhập.

Nhiều chuyên gia cũng đã nêu quan điểm cần phải có hệ thống thuế phù hợp nhằm hạ nhiệt và đưa BĐS về đúng giá trị thực tránh việc đầu cơ thổi giá lên quá cao. ông Nguyễn Hồng Quân cũng khẳng định, “Chính phủ đã và đang hoàn thiện chính sách về thuế, tín dụng; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hệ thống các sắc thuế như: thuế nhà đất, thuế bất động sản để đảm bảo thị trường phát triển một cách cân đối, theo quy luật cung cầu, hạn chế đầu cơ, khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản; đồng thời phát triển mạnh các giao dịch chính thức trên thị trường”.

Vấn đề đặt ra ở đây, bao giờ BĐS mới bị đánh thuế luỹ tiến, trong khi cách tính thuế nhà đất hiện nay quá lạc hậu có bất cập như chưa có thuế nhà, mới chỉ có thuế đất. Thuế đất thì lấy theo mức thuế nông nghiệp, cao nhất cũng chỉ bằng 32 lần so với thuế nông nghiệp tính ra thóc cao nhất cũng chỉ bằng 0, 5 kg thóc/m2/năm. Hơn nữa, chúng ta lại chưa có một loại thuế nào đánh vào người đầu cơ những người sở hữu 5- 7 ngôi nhà. Trong trường hợp hai người có nhà 50m2 và 100m2 thì phải đánh thuế khác nhau bởi nó khác quy mô và giá trị. ông Nguyễn Hồng Quân cho biết: Vấn đề này với Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính cùng một số bộ ngành nghiên cứu về vấn đề này để đưa ra một mức thuế hợp lý. Điều này góp phần làm bình ổn thị trường bất động sản và chống đầu cơ. Hiện Bộ Tài chính đang chủ trì, nghiên cứu để trình Quốc hội nhằm đưa ra một mức thuế hợp lý trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử