Thị trường cà phê đầu năm con rồng: giá xuống
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tất cả các hoạt động mua bán cà phê xuất khẩu và nội địa hầu như im bặt. Trong khi toàn bộ doanh nghiệp và nông dân cà phê Việt Nam, kể cả những công ty cà phê có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều đóng cửa ăn Tết Nhâm Thìn, thị trường kỳ hạn robusta Liffe NYSE vẫn giao dịch. Tưởng ít bán ra từ Việt Nam, giá sẽ tăng. Thật bất ngờ, giá qua một tuần tính từ ngày thứ Hai tuần trước (tức ngày mồng 1 tháng Giêng năm Nhâm Thìn) giảm liên tục. So với giá đóng cửa ngay trước ngày giao thừa, giá kỳ hạn robusta Liffe mất 67 đô la Mỹ/tấn cơ sở tháng 3, nay là tháng giao dịch chính (xin xem biều đồ trên). Trong khi đó, giá đóng cửa kỳ hạn arabica Ice New York cũng giảm mạnh, mất 177 đô la/tấn so với cuối tuần trước.

Trong hai ngày qua, thị trường nội địa đã bắt đầu khởi động.  Song, do giá và sức mua yếu trong những ngày Tết, nhiều nhà xuất khẩu chỉ mua dè dặt hay chỉ mua để “lấy ngày” đầu năm. Giá cà phê nhân xô sáng nay tại các tỉnh Tây nguyên đang được chào mua ở mức 37.000 – 37.200 đồng/kg, thấp hơn giá ngày trước Tết chừng 700 đồng/kg.

Tồn kho robusta chất lượng Liffe giảm

Báo cáo mới nhất của Liffe NYSE tính đến hết ngày 23-1-2012 cho thấy, tồn kho robusta được Liffe NYSE xác nhận chất lượng tiếp tục giảm thêm 10.740 tấn, nay chỉ còn 236.320 tấn. Đây là lần thứ 14 liên tiếp lượng tồn kho này giảm hết 181.100 tấn tính từ đỉnh cao kỷ lục được thiết lập ngày 11-7-2011, tức chỉ trong 6 tháng, lượng robusta này đã giảm 43% (xin xem biểu đồ phía dưới).

Biểu đồ dao động lượng hàng tồn kho robusta theo chất lượng Liffe NYSE (certs) (tác giả tổng hợp)

Như vậy, cứ mỗi tháng, lượng tồn kho robusta này giảm chừng 30.000 tấn. Ý nghĩa của hiện tượng giảm này là do Việt Nam trong những tháng cuối năm ngoái bán ra ít, nên chủ hàng tồn kho “thay mặt ” Việt Nam cung cấp cho người cần. Hơn nữa, do tồn kho chỉ nằm trong tay một vài người, họ đã siết giá xuất khẩu đưa giá trừ lùi dâng cao, có khi lên cả mức cộng 250-300 đô la/tấn trên giá niêm yết Liffe NYSE, cao hơn cả giá bán trực tiếp cho Liffe chỉ với mức qui định trừ 30 đô la dưới giá niêm yết nếu đó là loại R2.

Cái lợi hại đối với sức mạnh của người giữ lượng tồn kho lớn là họ sẽ tranh thủ bán giá xuất khẩu cao kiếm lời lớn với hàng đã nằm sẵn tại châu Âu. Trong khi đó, họ sẵn sàng chờ đợi nông dân bán ra với giá rẻ hơn để mua vào.

Như vậy, hiện tượng siết giá xuất khẩu (trừ lùi) cao được giải thích là để chặn hàng bán ra từ nước ta nhằm bán hàng của họ trước với giá cắt cổ cho những ai cần hàng. Đây cũng có thể chính là ý đồ của người có hàng tại châu Âu. Mặt khác, do hàng sản xuất ra không bán được nhiều theo ý muốn, sẽ có thể gây hiệu ứng “vỡ đập” tạo sức ép bán ra với giá trừ lùi hay giá mua bán ngay (outright) mức thấp. Đó chính là cơ hội tốt cho họ mua vào.

Sức ép từ Brazil

Theo Bộ Nông nghiệp Brazil, từ tháng 2-2012, nước này sẽ bán ra 1,4 triệu bao arabica tồn kho của năm 2009. Tin đồn rằng, theo kế hoạch, cứ hàng tuần bán chừng 50.000 bao (bao 60 kg) cho đến hết. Lượng hàng này sẽ được bán chủ yếu cho rang xay trong nước. Tuy chỉ 84.000 tấn, kế hoạch bán ra đợt này của Brazil xem ra bất lợi cho giá cà phê nói chung vì giá arabica Ice đang yếu.

Mặt khác, sàn arabica Ice New York vừa quyết định giảm tiền quỹ cho các giao dịch hàng giấy có hiệu lực ngay ngày hôm nay 30-1-2012 từ 5.400 đô la/lô xuống còn 3.550 đô la/lô, giảm 34%. Thông thường, tiền quỹ giảm là dấu hiệu cho một thị trường đang yếu.

Tuy các tín hiệu trên xảy ra cho thị trường arabica, song cà phê robusta chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng vì mối liên thông “anh em” của hai thị trường; giá arabica thường là đầu tàu kéo giá robusta. Thị trường e sẽ gay go đây.