Thị trường Campuchia: Điểm đến của doanh nghiệp thương mại điện tử
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá trị đơn hàng trung bình cao gần gấp đôi, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa khiến Campuchia trở thành điểm đến chú ý của các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.

Người Campuchia sẵn sàng chấp nhận các xu hướng mới như thương mại điện tử. Trong ảnh: một khu chợ đêm ở Phnôm Pênh
Người Campuchia sẵn sàng chấp nhận các xu hướng mới như thương mại điện tử. Trong ảnh: một khu chợ đêm ở Phnôm Pênh

Động lực cho doanh nghiệp Việt

Eang Vonghen, 23 tuổi, làm nghề giao hàng ở Phnôm Pênh (Campuchia), dù mức lương chỉ tầm 300 USD/tháng, nhưng Vonghen cũng đã sắm cho mình mẫu điện thoại mới nhất của Apple khi mới ra mắt chưa đầy một tuần. 

Vonghen không phải là trường hợp hiếm ở Phnôm Pênh có thói quen chi quá mức thu nhập, đây gần như là thói quen mua hàng của người dân ở Campuchia. Không chỉ chi tiêu thoái mái, văn hóa tiêu dùng của người Campuchia khá cởi mở, miễn sao thuận tiện, nên các xu hướng mới rất dễ được chấp nhận.

“Điều này tạo động lực cho thương mại điện tử phát triển mạnh trong 2 năm vừa qua”, ông Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc điều hành CambodiaShip nói.

CambodiaShip là đơn vị hiểu rất rõ sự phát triển của lĩnh vực này ở Campuchia vì chính họ cũng đang hưởng “ké” xu hướng này nhờ tiên phong đầu tư lĩnh vực giao nhận ở đây. Cuối năm 2018, thời điểm CambodiaShip đặt chân đến đây, khoan nói đến dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, ngay cả dịch vụ cơ bản nhất là giao hàng thương mại điện tử còn chưa có, vì chủ cửa hàng kiêm luôn chức năng giao nhận. 

Facebook là cửa ngõ duy nhất cho các giao dịch trực tuyến ở Campuchia và điện thoại thông minh là công cụ chủ yếu dùng để mua. Trong vòng 2 năm, CambodiaShip đã phát triển đội ngũ giao nhận lên tới 50 người, dịch vụ giao hàng thu tiền hộ ban đầu chỉ phục vụ thủ đô Phnôm Pênh, thì nay đã phủ trên toàn quốc.

Khá thú vị, các đơn hàng của CambodiaShip có đến 80% đến từ các các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam. Trong mùa dịch bệnh, khi di chuyển khó khăn vì các lệnh cách ly, nhưng hoạt động giao nhận giữa hai quốc gia vẫn hoạt động bình thường.

Từ công ty cung cấp dịch vụ giao nhận thương mại điện tử, CambodiaShip đã mở rộng thêm mảng văn phòng cho thuê, tuyển dụng nhân sự, cung cấp dịch vụ kho vận (fulfillment) và cả các dịch vụ hỗ trợ kênh bán hàng online tiếng Khmer cho doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2020, lượng đơn hàng thương mại điện tử vận chuyển bởi CambodiaShip đã đạt trên 1 triệu, tăng gấp 5 lần so với năm 2019.

Theo ông Thuấn, có 3 lý do khiến các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường thương mại điện tử Campuchia.

Thứ nhất là giá trị đơn hàng trung bình cao gần gấp đôi Việt Nam, khoảng 40 USD (gần 1 triệu đồng) cho các mặt hàng thông thường và tối thiểu 100 USD (hơn 2 triệu đồng) cho các mặt hàng mỹ phẩm.

Thứ hai là vị trí địa lý. Đường biên giới của Campuchia và Việt Nam giáp ranh từ Gia Lai đến Kiên Giang, nên vận chuyển bằng đường bộ, phương tiện có chi phí thấp nhất so với hàng không và đường biển, khá thuận lợi. Điều này giúp thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Campuchia cạnh tranh hơn so với Thái Lan và Trung Quốc. Thậm chí chuyển một lá thư từ Việt Nam sang Campuchia chỉ mất 50.000 đồng phí vận chuyển.

Dễ gia nhập, nhưng mức độ đào thải của thị trường Campuchia cũng thuộc hàng khá cao. Chính vì thế, để tham gia thị trường Campuchia, các doanh nghiệp cần cân nhắc kế hoạch nghiêm túc, đầu tư dài hạn.

Thứ ba là chi phí quảng cáo để tạo ra đơn hàng còn khá thấp và dễ quản lý, do chỉ tập trung ở Facebook. Theo báo cáo của CambodiaShip, chi phí quảng cáo trung bình để tạo ra một đơn hàng trên Facebook là 20.000 đồng, thấp hơn gần 5 lần so với Việt Nam.

“Có 5 nhóm mặt hàng thương mại điện tử ưa chuộng ở Campuchia là thời trang, mỹ phẩm, giày dép, hàng phụ kiện điện thoại iPhone và hàng theo xu hướng”, ông Thuấn nói.

Hướng tới đầu tư dài hạn

Dễ gia nhập, nhưng mức độ đào thải của thị trường Campuchia cũng thuộc hàng khá cao. Chính vì thế, để tham gia thị trường Campuchia, các doanh nghiệp cần cân nhắc kế hoạch nghiêm túc, đầu tư dài hạn.

Anh Trần Văn Tuấn, một người kinh doanh mặt hàng thời trang ở Campuchia gần 2 năm cho biết, để phát triển thì doanh nghiệp phải đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu và phát triển (R&D), sản phẩm phải thay đổi liên tục. Lấy ví dụ, một mẫu áo ở Việt Nam có thể bán trong vòng 6 tháng, nhưng ở Campuchia thì thời gian sẽ ngắn hơn, vì thị trường còn nhỏ nên thời gian lấp đầy hàng hóa rất nhanh.

“Chính vì thế, nếu không ra hàng mới liên tục thì rất khó thu hút khách hàng quay lại”, anh Tuấn nói.

Đối với mặt hàng mỹ phẩm, chị Phương Thảo, người có hơn 12 năm kinh doanh ở thị trường này cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư dài hạn vì người Campuchia đang chuộng hàng Trung Quốc và Thái Lan, do thời gian qua nhiều đơn vị ở Việt Nam kinh doanh không bài bản, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Việt trong lĩnh vực này.

“Nếu chịu đầu tư làm thương hiệu bài bản thì hàng Việt Nam vẫn có cơ hội vì chi phí vận chuyển cạnh tranh hơn so với Thái Lan và Trung Quốc”, chị Thảo nói.

Còn theo ông Nguyễn Minh Thuấn, mặc dù không có tình trạng bỏ hàng, song xu hướng khá phổ biến ở Campuchia là trả giá ngay lúc nhận hàng và nếu không đồng ý thì người mua sẽ hủy đơn hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh cần chú ý điều này để lên chính sách giá phù hợp.

Thứ đến là vấn đề về nhân sự. Hiện nhân sự Campuchia sử dụng tiếng Anh tốt, thậm chí có thể nói tiếng Việt, nhưng việc tuyển dụng và đào tạo tương đối mất thời gian, trung bình là 6 tháng. Xu hướng này đang dần dần được thay đổi nhờ vào lực lượng nhân sự là các học sinh Campuchia du học tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thuấn cho rằng, các doanh nghiệp vẫn nên quan tâm đến bài toán nhân sự khi tham gia thị trường này.

Người đứng đầu CambodiaShip cũng đồng tình với quan điểm, để phát triển ở Campuchia, các doanh nghiệp cần phải nghĩ đến bài toán đầu tư lâu dài, bài bản.

“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, các doanh nghiệp thương mại thuần túy thì chỉ 6 đến 9 tháng là rút hoàn toàn khỏi thị trường này. Mà thật ra không chỉ riêng Campuchia, đây là kết quả chung cho tất cả các thị trường khi chủ doanh nghiệp không muốn đầu tư lâu dài”, ông Thuấn nói.