Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á: Triển vọng sáng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vẫn còn nhiều thách thức

Thách thức đầu tiên và lớn nhất bao trùm khu vực thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á đó là sự chưa ổn định về chính thể ở một số nước như Ai Cập, Libya, Syria. Việc xiết chặt cấm vận đối với Iran, bất hòa của Israel với một số quốc gia trong vùng, bất ổn Iraq, Afghanistan là những trở ngại cho giao thương đối với các DN Việt Nam thâm nhập khu vực thị trường nhiều tiềm năng này. Do đó, DN thường có tâm lý dè dặt, chờ đợi và rủi ro trong kinh doanh là điều không đo lường hết.

Ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu, sự phục hồi kinh tế chưa thật sự bền vững của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã tác động đáng kể đến thị trường khu vực. Bởi gặp khó ở các thị trường lớn, DN của nhiều nước cũng sẽ chuyển hướng, tăng cường xúc tiến, đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Phi, Trung Đông. Sự cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt và khó khăn hơn, nhất là trong hoàn cảnh DN ta đang từng bước định hình, tăng cường hoạt động giao thương ở khu vực này. Sự non nớt về kinh nghiệm, năng lực hạn chế về vốn, hiểu biết chưa sâu về thị trường là thách thức mà mỗi DN Việt Nam phải đối mặt.

Trong khi đó, chính sách chung của ta chưa có được sự hỗ trợ cụ thể đối với DN. Việc hỗ trợ về lãi suất, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cho DN nếu có hợp đồng xuất khẩu mặc dù được kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được cụ thể hóa bằng quy định. Kinh phí xúc tiến thương mại thì rất hạn chế. Do vậy, cửa thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á đã mở nhưng đường đi còn nhiều gian truân, đầy thách thức không chỉ trong năm 2012 mà còn các năm kế tiếp.

Một thách thức nữa nằm ngay trong nội tại các DN Việt Nam. Các DN ta thiếu sự liên kết, phối hợp, mạnh ai nấy làm. Nhiều DN không có định hướng, chiến lược về thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á rất tiềm năng này. Chỉ khi khó ở thị trường khác mới chuyển hướng sang đây, dẫn đến cả tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề lừa đảo qua mạng Internet trong quá trình thực hiện hợp đồng của một số đối tượng từ Nigeria, Benin, Pakistan…, các tranh chấp thương mại, tệ quan liêu, hành chính nhũng nhiễu của nhiều nước trong khu vực là thách thức mà DN Việt Nam cần nhận biết, thấu hiểu và vượt qua.

Triển vọng sáng

Thách thức cũng nhiều nhưng triển vọng của thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á là rất lớn và sáng sủa. Trước hết, kinh tế của các nước khu vực được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2012, trong đó khu vực châu Phi sẽ đạt mức tăng trưởng 4,7%, Trung Đông 4,6% và Nam Á là 7,2% bất chấp kinh tế thế giới còn nhiều dấu hiệu bất ổn. Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp nâng cao mức sống của người dân, duy trì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng hiện vào khoảng 1.400 tỷ USD cho khoảng gần 3 tỷ người dân các nước trong khu vực, trong đó mức chi tiêu vào các nhóm hàng mà nước ta có thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép… vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tiêu dùng của hầu hết người dân các nước khu vực này. Bên cạnh đó, do có sự chênh lệch lớn trong mức thu nhập đầu người tại mỗi quốc gia từ 400-500 USD ở những nước nghèo và kém phát triển đến trên 20.000 USD ở những nước có nền kinh tế phát triển, giàu tài nguyên, nên yêu cầu về chất lượng hàng hoá nhập khẩu rất đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi cho hàng hoá nhiều nước thâm nhập thị trường khu vực, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của nước ta.

Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bước đầu giành được sự tín nhiệm tại thị trường các nước khu vực như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, dệt may… Điều này được minh chứng rõ nét qua kim ngạch xuất khẩu sang thị trường khu vực không ngừng gia tăng, kim ngạch từng mặt hàng năm sau thường cao hơn năm trước. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực cũng đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp, công nghiệp chế tạo, nhiều mặt hàng có giá trị cao đã xuất hiện tại các thị trường khu vực như điện thoại đi động, máy vi tính, điện tử… và đây là những tiền đề quan trọng để hàng hóa xuất khẩu nước ta tăng trưởng ổn định trong năm 2012 và các năm tiếp theo.  

Một tín hiệu đáng mừng khác chính là trong thời gian qua nhiều DN Việt Nam đã quan tâm hơn tới thị trường khu vực thể hiện qua số lượng các DN xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực này không ngừng gia tăng. Năm 2010 đã có 2.000 DN xuất khẩu sang thị trường khu vực này, tăng 5% so với năm 2009. Không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu các sản phẩm lúa gạo, đồ gỗ, may mặc, giày da và nhập khẩu nguyên liệu thô…, các DN Việt Nam còn đang đẩy mạnh việc tìm cơ hội và triển khai dự án đầu tư sang thị trường khu vực, đơn cử như Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành với dự án đầu tư chế biến gỗ trị giá 30 triệu USD tại Nam Phi; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) được cấp phép đầu tư mạng di động tại Mozambique với dự án trị giá 29 triệu USD, hiện đơn vị đã triển khai mở cơ quan đại diện và đưa nhân sự sang xây dựng mạng lưới; Tập đoàn FPT mới đây đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty 21st Century Technologies của Nigeria trong các lĩnh vực thế mạnh là viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị… Việc ngày càng có thêm nhiều DN xuất khẩu và đầu tư sang thị trường khu vực sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hàng hóa xuất khẩu của nước ta tới đây.

Xuất khẩu của các DN sang thị trường khu vực này thời gian tới chắc chắn sẽ thuận lợi hơn khi có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2471/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra một số nhóm giải pháp chủ yếu để hỗ trợ xuất khẩu, đó là: Nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường; chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động dịch vụ logistics; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; kiểm soát nhập khẩu; nâng cao sức cạnh tranh của DN và vai trò của hiệp hội ngành hàng. Chiến lược này cùng với các chính sách hỗ trợ DN mà Bộ Công Thương đã đề xuất và đang triển khai như Đề án “Phát huy khả năng của các DN xuất khẩu tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi”; “Chương trình hành động đẩy mạnh quan hệ với Trung Đông đến năm 2015” chắc chắn sẽ tạo ra một bước đột phá mới cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á trong thời gian tới./.


Lý Quốc Hùng –
Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á 
 
Nguồn: Báo điện tử Báo Đối ngoại Vietnam – Economic News