Thị trường chứng khoán và những ý kiến trái chiều
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải cứu chứng khoán, vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, TTCK suy cho cùng cũng là một thị trường trong kinh tế hàng hóa. Đã là thị trường thì có lúc “nóng”, lúc “lạnh”. Vì vậy, nếu thấy TTCK bị “đóng băng” và yêu cầu Nhà nước phải can thiệp, phải cứu thì khi những thị trường khác rơi vào tình trạng tương tự sẽ ứng xử như thế nào? Thứ hai, sự sụt giảm của TTCK là một chu kỳ tiếp sau đợt “sốt nóng”. Có thể nói, thời kỳ hoàng kim của TTCK vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007 đã khiến cho “bong bóng tài chính” trên TTCK lên mức rất nghiêm trọng. Trong khi cổ tức của công ty niêm yết cao nhất chỉ là 55% vốn chủ sở hữu thì thị giá chứng khoán cao gấp hàng trăm lần mệnh giá. Khi “bóng bóng” đã xì hơi, giá cổ phiếu trên TTCK sẽ phải trở về với giá trị thực. Thứ ba là, nếu kiên quyết cứu TTCK thì cứu bằng cách nào? Ai cũng biết, sự “đóng băng” của TTCK có một nguyên nhân quan trọng là do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Đó là những biện pháp đúng và rất cần phải thực hiện một cách kiên quyết. Những tác động của biện pháp này tới TTCK cho thấy rằng, phần lớn những người chơi chứng khoán không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp mà chỉ là nhà đầu cơ. Đã là nhà đầu cơ thì lời ăn, lỗ chịu, sao lại đòi hỏi Nhà nước can thiệp để đầu cơ tiếp?       

 Theo Ts Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế: Không nên dùng thuật ngữ “cứu” TTCK, bởi hiện nay nền kinh tế còn có nhiều vấn đề đáng để “cứu” hơn TTCK. Nhưng quan trọng hơn là khi đề cập đến “cứu” thị trường nhưng không xác định được mục tiêu cụ thể là cần phải cứu cái gì? Rõ ràng, các giải pháp được đưa ra chỉ “cứu” trong trường hợp thị trường chưa minh bạch, thị trường có những gian lận, có giao dịch nội gián… và để phát triển những nền tảng cơ bản thì mới đáng phải “cứu”. Còn nếu chỉ chú tâm vào “cứu” điểm của TTCK mà không có những nhìn nhận thấu đáo cho sự phát triển lành mạnh hơn của thị trường thì đó không phải là “cứu”. Mặt khác, cần phải nhận thức rằng, đằng sau TTCK chính là quá trình cải cách, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Bản chất của quá trình này là để cho doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hơn vừa có tác động lan tỏa tốt đối với nền kinh tế. Ts Võ Trí Thành cũng lưu ý rằng: Trong thời gian qua, dường như chúng ta đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường đó là tính cạnh tranh, tức là việc gia nhập và ra khỏi thị trường là quyền của mỗi nhà đầu tư. Từ đó có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi chỉ số giá tiêu dùng đang tăng lên từng ngày thì nên tập trung kiềm chế lạm phát hơn là “cứu” một bộ phận những nhà đầu cơ trên TTCK. 

Vấn đề đặt ra nữa là nếu kiên quyết cứu TTCK thì ai cứu? TTCK của bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ có hai đối tượng là người phát hành và nhà đầu tư. Nhà nước chỉ có thể tạo ra khung pháp lý bảo đảm cho giao dịch ở thị trường minh bạch, bảo vệ lợi ích của người mua, người bán chứng khoán mà thôi. Về vấn đề này, Ts Võ Trí Thành cho rằng: Vấn đề đặt ra là những yếu tố căn bản để phát triển thị trường bởi thị trường trái phiếu, cổ phiếu không thể hình thành và phát triển một sớm một chiều mà cần phải có thời gian. Vì vậy, để TTCK phát triển trong thời gian tới, không nên nghĩ cứu TTCK là để phục vụ cổ phần hóa. Trước kia chưa có TTCK, chúng ta vẫn tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Ở đây sẽ có hai sự lựa chọn: Hoặc doanh nghiệp có nhiều vốn hoặc doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nếu muốn doanh nghiệp hoạt động hiệu quả phải có những nhà đầu tư tốt, cải thiện được cơ chế quản trị, nâng cao được năng lực quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Đó mới là điều cơ bản nhất của quá trình cổ phần hoá. Ngoài ra, cũng có một thực tế cần phải nhận ra, đó là tỷ lệ nhà đầu tư thực chất (những người có tiền của mình) trên TTCK là quá ít so với số lượng nhà đầu tư lướt sóng (những người vay tiền để đầu tư). Do đó, đối với những đối tượng này lại càng không nhất thiết phải quá chú trọng vào việc “cứu giúp”.

Việc cần làm để củng cố lòng tin của nhà đầu tư chính là Chính phủ cần phải nhất quán trong chính sách, bảo đảm thông tin minh bạch, rõ ràng và chuẩn mực. Nếu không sẽ khó lấy được lòng tin của nhà đầu tư, từ đó có thể tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, khiến cho việc phân bổ nguồn lực bị “méo mó”, người dân chỉ quan tâm tới việc đầu cơ, tích trữ tài chính, tài sản bền vững… Hiện nay, các công cụ chính sách chưa đủ mạnh thì việc phối hợp các công cụ, chính sách là điều hết sức cần thiết, vừa tránh được “sốc”, vừa tăng tính hiệu quả của thị trường chứng khoán chứ không phải chỉ để cứu điểm VN – Index.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân