Thị trường CNTT Việt Nam 2009: Doanh nghiệp nội cạnh tranh gay gắt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xu thế của thị trường CNTT Việt Nam là siêu thị điện máy bán cả máy tính, TV, máy ảnh; các cửa hàng bán máy tính bán cả ĐTDĐ, máy nghe nhạc MP3…. Người tiêu dùng thích mua hàng ở trung tâm mua sắm lớn, chứ không phải ở các cửa hàng nhỏ lẻ.

Theo ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, thị trường hàng điện tử Việt Nam năm 2009 sẽ rất khó khăn, do tình trạng dư thừa hàng hóa, cung vượt quá cầu. ông Hùng cho rằng có nhiều lý do dẫn đến việc thừa hàng, như hàng hóa nhập khẩu mạnh, các sản phẩm của Nhật Bản, Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam.

Chưa lo doanh nghiệp “ngoại”

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng có tâm lý “chờ -xem” sau ngày 1/1/2009, thị trường sẽ diễn biến như thế nào, giá cả các loại hàng điện tử có giảm không. Tuy nhiên, ông Hùng đánh giá 2009 mới là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh vào lĩnh vực phân phối, nên thực chất thị trường chưa biến động nhiều.

Về vấn đề này, ông Trần Xuân Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh, cũng cho rằng trong năm 2009, thị trường CNTT Việt Nam sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường phân phối, bán lẻ các mặt hàng máy tính, điện tử trong nước sẽ rất sôi động, cạnh tranh gay gắt.

“Chưa phải đối phó với doanh nghiệp nước ngoài ngay trong năm 2009, nhưng thị trường CNTT Việt Nam sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước”, ông Trần Xuân Kiên nói. Lý do là hầu hết các doanh nghiệp đều xác định 2010 là năm khó khăn, do đó trong năm 2009 họ muốn bứt phá lên.

Hơn nữa, nền kinh tế thế giới được xác định sẽ khó khăn trong năm 2009, nhu cầu mua hàng giảm, trong khi chi phí sản xuất lại không giảm nhiều, do đó mức độ cạnh tranh sẽ càng nóng.

ông Kiên cho biết thị trường Việt Nam đang diễn ra xu hướng các trung tâm mua sắm bán cả các mặt hàng điện tử điện lạnh, cửa hàng bán máy tính bán cả ĐTDĐ, máy ảnh, máy nghe nhạc…. Đây cũng là yếu tố khiến sự cạnh tranh trên thị trường CNTT Việt Nam càng mạnh hơn. Đối với sản phẩm máy tính, ông Kiên cho rằng xu hướng trong năm 2009 sẽ là doanh số máy laptop, máy PC đồng bộ tăng, còn doanh số loại máy lắp ráp sẽ giảm. Người tiêu dùng hiện nay thích đến siêu thị lớn, chọn ngắm sản phẩm và mua luôn, chứ không phải đi tìm từng linh kiện và lắp ráp lại.

Giá cả các mặt hàng máy tính trong năm 2009 có thể giảm, nhưng không đáng kể, thậm chí một số mặt hàng còn có thể tăng, ông Kiên nói và cho rằng thực ra trong hai quý cuối cùng của năm 2008, giá các sản phẩm máy tính đã giảm khá mạnh, do sản xuất dư thừa, hàng tồn kho nhiều, kinh tế khó khăn nên cầu ít, nhiều hãng đã chấp nhận bán rẻ, bán lỗ để thu hồi vốn. Họ phải tiến hành giảm sản xuất, cắt giảm nhân công. Trong năm 2009, giá các sản phẩm máy tính, điện tử sẽ ổn định hơn. Một số linh kiện máy tính như RAM, màn hình LCD có thể nhích lên chút ít.

Cửa hàng nhỏ nguy cơ đóng cửa

Ông Trần Xuân Kiên cho rằng hiện tại và trong những năm tới, người tiêu dùng Việt Nam sẽ ít mua sắm ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà chuyển đến các trung tâm mua sắm lớn. Bởi xét cho cùng, mức giá chênh lệch không nhiều, trong khi đó các trung tâm mua sắm lớn có diện tích rộng, trưng bày nhiều sản phẩm, lại thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi, do đó người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn sản phẩm đa dạng, hưởng các mức giá ưu đãi. Đây cũng chính là nhận định về thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam mà bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đã chia sẻ Tại Hội thảo Hội nhập kinh tế quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với ngành Điện tử – Viễn thông Việt Nam.

ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, cho rằng các cửa hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn, “nhưng không chết ngay”. Bởi những cửa hàng này nằm ở các vị trí kinh doanh tốt, các khu dân cư đông đúc. “Tuy nhiên, họ cần liên kết, cải tiến cách thức bán hàng, không nên bán theo kiểu chụp giật và cần có chế độ hậu mãi tốt”. Theo ông Hùng quan trọng nhất vẫn là chất lượng hàng hóa, vì các sản phẩm điện tử thường có giá tiền cao, nên người mua chú trọng đến công nghệ, chất lượng.

Theo ông Hùng, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết với nhau để kinh doanh và cũng là để cạnh tranh với sự thâm nhập của các công ty nước ngoài. Đầu năm 2008, Câu lạc bộ phân phối các sản phẩm điện tử và CNTT đã thành lập tại TP. HCM và ngày 7/11/2008 vừa qua, Câu lạc bộ này cũng đã được thành lập tại Hà Nội.

Tại Trần Anh, ông Trần Xuân Kiên cho biết họ đã lên kế hoạch chuẩn bị cho thời điểm mở cửa từ những năm trước. Công ty còn xác định khó khăn chung cũng có thể là cơ hội để Trần Anh bứt phá. Công ty đã thay đổi mô hình kinh doanh, nâng cấp các cửa hàng nhỏ thành những trung tâm mua sắm lớn. Chẳng hạn, trung tâm mua sắm tại địa chỉ 1174 Đường Láng, Hà Nội, được Trần Anh thành lập từ năm 2007. Trong năm 2008, siêu thị số tại 292 Tây Sơn, Hà Nội của Trần Anh đã ra đời. Cách bài trí sản phẩm tại các trung tâm của Trần Anh cũng được thực hiện theo kiểu không gian mua sắm của siêu thị.

Hiện Trần Anh cũng đang đẩy mạnh kinh doanh laptop. Từ năm 2007, công ty có kế hoạch phát triển máy tính thương hiệu riêng (Tiger), giảm bán loại máy lắp ráp và tư vấn cho khách hàng mua các loại máy tính đồng bộ. Dự kiến, trong quý II /2009, Trần Anh sẽ kinh doanh cả các sản phẩm điện máy. Hiện tại, ở các trung tâm mua sắm của Trần Anh đã bán cả ĐTDĐ, máy ảnh, chứ không chỉ có máy tính.

Về tài chính, Trần Anh đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần để huy động nguồn vốn từ bên ngoài và có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vào năm 2009.

Huyền Thương
Nguồn: Báo Điện tử ICTnews