Thị trường gạo xuất khẩu có nổi gió?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những “kẻ phá bĩnh”!

Tháng 10 vừa qua, Công ty Lương thực Tiền Giang đã xuất khoảng 20.000 tấn gạo sang Indonesia. Tuy nhiên, theo dự báo của chính công ty này, những tháng cuối năm, lượng gạo xuất sang thị trường Indonesia sẽ giảm. Không phải ngẫu nhiên, bởi từ tháng 9-2011, gạo Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh mới là gạo Ấn Độ. Mới đây nhất, theo thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, Indonesia sẽ mua 0,5 triệu tấn gạo từ Ấn Độ.

Từ hồi tháng 9 và đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cả các thương nhân nhỏ… cũng đã dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ tăng vọt. Đó là lúc có thông tin Thái Lan sẽ bắt đầu chương trình mua lúa gạo của nông dân với giá cao kể từ tháng 10, theo cam kết khi vận động tranh cử của tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Gạo thu gom đầy kho, nhiều thương nhân Việt Nam khấp khởi chờ thông tin giá gạo tăng để tung ra bán thì trận lũ lụt lịch sử xuất hiện tại Thái Lan. Trận lũ khiến chương trình mua lúa gạo giá cao ở nước này phải tạm hoãn. Cơ hội “nén” lại.

Nhưng cũng chính trận lũ này đã khiến Thái Lan bị thiệt hại nặng nề. Nhiều nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đình hoãn giao hàng do giao thông trì trệ. Và theo dự báo, nước này có thể mất đến một phần tư sản lượng vụ lúa chính đang chuẩn bị thu hoạch. Điều này khiến các nhà đầu tư và xuất khẩu gạo dự đoán giá gạo Thái Lan có thể tăng đến mức trên 850 đô la Mỹ/tấn sau lũ lụt!

Khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác! Nhiều nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam ngồi chờ giá gạo tăng. Nhưng thực tế những ngày qua, giao dịch trầm lắng và giá vẫn đóng băng. Nguyên nhân là do các nhà nhập khẩu gạo đã có thêm nguồn cung cấp mới từ Ấn Độ và Paskitan.

Hiện giá gạo mà Ấn Độ chào bán chỉ từ 460-470 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam khoảng 100 đô la Mỹ. Từ tháng 9-2011, Ấn Độ đã xuất khẩu gạo trở lại, sau khi tạm ngưng hồi tháng 4-2008. Do được mùa lớn, nên ngoài 1 triệu tấn đã ký hợp đồng, Ấn Độ còn có thể xuất khẩu thêm khoảng 3-5 triệu tấn. Giá gạo chào bán của Pakistan cũng tương đương Ấn Độ, nên cũng trở thành đối thủ cạnh tranh với gạo Việt Nam. Và chính sự tham gia đúng lúc của Ấn Độ và Pakistan đã làm lắng dịu thị trường gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Ấn Độ và Pakistan thực ra không phải đối thủ cạnh tranh chính của gạo Việt Nam. Bởi thị trường chính của hai nước này là châu Phi, còn thị trường truyền thống của Việt Nam là Indonesia, Philippines… Nhưng thực tế, nhiều nhà nhập khẩu đã nhìn giá gạo Ấn Độ, Pakistan để so sánh và thoái thác các doanh nghiệp Việt Nam. Trong tháng 10 vừa qua, thậm chí có doanh nghiệp xuất khẩu không ký được hợp đồng cung ứng gạo nào cho nước ngoài.

Vẫn sẽ tăng giá?

Tính đến ngày 1-10 vừa qua, dự trữ gạo của Ấn Độ đã lên đến hơn 20,3 triệu tấn, cao gấp ba lần so với mức giới hạn an toàn. Liệu Ấn Độ có chi phối giá gạo trong những tháng tới?

Không hẳn như vậy. Gạo Ấn Độ, Pakistan xuất khẩu trong những ngày qua phần lớn là gạo tồn kho 1-2 năm nay. Với giá bán hiện nay, tuy thấp hơn rất nhiều so với gạo Thái Lan và Việt Nam, nhưng họ đã thu lãi từ 20-25% so với giá vốn ban đầu. Dĩ nhiên, lượng gạo tồn kho tung ra bán là có giới hạn, nhất là khi nước nào cũng phải có chính sách đảm bảo an ninh lương thực. Và khi gạo cũ đã bán hết thì sẽ không ai bấm bụng bán giá rẻ mà họ sẽ nhìn vào giá gạo Thái Lan và Việt Nam để định giá sao cho có lãi tốt nhất.

Còn với gạo Việt Nam, đương nhiên chất lượng cao hơn sẽ được các thị trường khó tính lựa chọn. Mặt khác, trong những tháng tới, khi Thái Lan vẫn phải lo tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, gạo Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế lớn.

Đến bây giờ vẫn chưa ai nắm được con số thiệt hại cụ thể về mùa vụ của Thái Lan trong cơn lũ lụt đang diễn ra. Nhưng nếu đúng như công bố của Chính phủ Thái Lan là hơn 6 triệu tấn lúa thì rõ ràng sẽ có tác động rất lớn đến thị trường gạo thế giới. Bởi Thái Lan hiện đang chiếm đến 30% mậu dịch gạo toàn cầu.

Thực tế những ngày qua, dù Ấn Độ và Pakistan “mạnh bạo” tham gia thị trường, nhưng giá gạo thế giới vẫn đứng vững vì thông tin thiệt hại của Thái Lan. Sau lũ lụt, khi Thái Lan tiếp tục thực hiện chương trình mua lúa gạo giá cao, đồng thời giá xuất khẩu tăng (vì cung giảm, vì giá tăng theo chương trình mua hỗ trợ) đúng theo dự báo, thì không có lý do gì khiến gạo thế giới không tăng giá. Chỉ có điều giá sẽ tăng ở mức vừa phải chứ không quá sốt, nhờ các nhà cung ứng mới như Ấn Độ, Pakistan…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online