Thị trường lao động phía Nam: Thừa mà thiếu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đào tạo nghề chưa sát thực tế

Trao đổi với PV, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH thừa nhận, cái khó của những người làm công tác đào tạo nghề hiện nay là không nắm được nhu cầu của các doanh nghiệp cần những lao động thuộc ngành nghề nào, tỷ lệ các ngành nghề là bao nhiêu để cân đối đào tạo cho phù hợp.

Chính vì thực tế công tác đào tạo nghề trong thời gian vừa qua còn bị động, chưa sát với thực tế, dẫn đến cung – cầu lao động chưa gặp nhau.

Số liệu tổng hợp từ các địa phương khu vực phía Nam (gồm 8 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành ĐBSCL) cho thấy, nguồn cung lao động hiện nay tại khu vực này khá lớn, lao động tuổi từ 15 – 29 tuổi chiếm 28,3%. Tỷ lệ này tương đối cao ở vùng Đông Nam Bộ, chiếm tới 30,4% (cả nước là 28,6%).

Điều đáng nói là tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp khá cao ở cả hai vùng. Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao gấp 1,8 lần tỷ lệ chung, vùng ĐBSCL cao gấp 2,5 lần tỷ lệ chung. Đặc biệt, tỷ lệ thiếu việc làm ở ĐBSCL khá cao (chiếm tới 4,6%).

Theo kết quả điều tra lao động – việc làm, hiện toàn khu vực phía Nam có trên 20 triệu lao động (chiếm 38,4% lực lượng lao động cả nước); trong đó, lực lượng lao động ở vùng Đông Nam Bộ chiếm 48,2%, lực lượng lao động ở ĐBSCL chiếm tới 51,8% lực lượng lao động của khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, bức tranh lao động hiện nay chưa tương xứng với nhu cầu lao động của mỗi vùng. Trong khi vùng Đông Nam Bộ thiếu lao động thì ĐBSCL lại thừa. Mặc dù hai khu vực này khá gần nhau về vị trí địa lý nhưng chưa có sự luân chuyển lao động hợp lý, dẫn đến thiếu – thừa cục bộ.

Đại diện Sở LĐTB-XH các tỉnh ĐBSCL cho biết, do các địa phương này rất ít các KCX – KCN nên đã xảy ra tình trạng thừa lao động tại một số thời điểm và một số địa bàn. Mặc dù vậy, để gắn kết lực lượng lao động này với các thị trường lao động khác như Bình Dương, Đồng Nai tương đối khó, mà nguyên nhân căn bản là trình độ, kỹ năng tay nghề của người lao động không phù hợp với điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp.

Số liệu từ Sở LĐTB-XH các tỉnh khu vực phía Nam cho thấy, trình độ lao động tại khu vực này rất yếu kém về tay nghề và chuyên môn kỹ thuật, thấp nhất là vùng ĐBSCL (chỉ đạt 8,6%). Thực tế này đã dẫn đến tình trạng mất việc làm lan rộng ra nhiều địa phương. Các địa phương có số lao động mất việc làm cao nhất khu vực phía Nam là TP.HCM (16.407 người), Kiên Giang (15.091 người), Long An (13.013 người), Bình Dương (11.337 người), Cần Thơ (6.507 người)…

Trong đó, nhiều địa phương có số lao động mất việc làm tăng cao so với đầu năm 2012 là Long An (tăng hơn 2,5 lần), Bình Dương (tăng hơn 1,6 lần), TP.HCM (tăng hơn 1 lần). Nghịch lý là trong khi tỷ lệ lao động mất việc làm không ngừng gia tăng thì nhu cầu lao động lại không thiếu, đặc biệt là lao động phổ thông tại các KCN – KCX. Cụ thể, Bình Dương cần tới 70.000 lao động, TP.HCM cần khoảng 65.000 lao động, Đồng Nai cần 60.000 lao động, Long An cần 15.000 lao động…

Nâng chất lao động, tháo gỡ đầu ra

Tại nhiều địa phương, hiện nguồn cung lao động đang khá dồi dào nhưng khi doanh nghiệp cần lại rất khó tuyển được lao động. Đơn cử tại Tây Ninh và một số tỉnh ĐBSCL như Long An, An Giang, Kiên Giang… xảy ra tình trạng người đang ở tuổi lao động mặc dù “sáng cà phê, chiều say xỉn” nhưng không chịu vào làm việc tại các KCX – KCN.

Lý giải nguyên nhân, nhiều người cho rằng do kỹ năng tay nghề không có, lao động nặng nhọc nhưng lương thấp, thị trường lao động không ổn định… Thị trường lao động đang phải đối mặt với thực trạng người lao động mất việc do doanh nghiệp ngừng hoạt động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bỏ về nước (bỏ trốn).

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM cho biết, thành phố đang gặp khó khăn trong việc xác định đâu là doanh nghiệp bỏ trốn bởi hiện chưa có tiêu chí. “Do đó, khi doanh nghiệp bỏ trốn rất khó để có chính sách hỗ trợ cho người lao động. Nếu tạm ứng ngân sách để trả lương thì lấy nguồn đâu ra để bù vào. Trong khi nếu có tiêu chí xác định doanh nghiệp nào là doanh nghiệp bỏ trốn thì có thể thanh lý tài sản của doanh nghiệp đó để bù đắp ngân sách bỏ ra nhằm hỗ trợ người lao động”, ông Nguyễn Văn Xê trăn trở.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cho rằng, 21 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất nhạy bén về thị trường lao động và đây là thị trường lao động rất năng động, nguồn cung lại dồi dào. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực phân bổ không đồng đều. Sự liên kết lao động giữa hai vùng (Đông Nam Bộ và ĐBSCL) chưa được rõ nét. Do đó, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh trong cơ chế chính sách để có sự bắt nhịp thị trường lao động giữa các vùng, miền.

Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, thứ nhất, phải giải được bài toán việc làm và thứ hai là bài toán đào tạo nghề. Về vấn đề việc làm, cần phải nâng cao chất lượng tay nghề để người lao động dễ dàng tìm được công việc mới, qua đó tăng năng suất lao động. Người đứng đầu ngành LĐTB-XH kêu gọi các địa phương cần thay đổi nhận thức về học nghề, cơ sở dạy nghề cũng như chủ trương chính sách về đào tạo nghề.

Còn về vấn đề dạy nghề, theo các chuyên gia, chủ trương đào tạo nghề nhằm đáp ứng thị trường lao động có tay nghề cao là chủ trương rất đúng, phải được nhân rộng tại hầu hết các địa phương. Gần đây, nhiều KCN – KCX mọc lên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại các tỉnh nhưng lao động địa phương chưa đáp ứng điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chất lượng đầu ra của các đơn vị dạy nghề chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

“Cần phải dạy đúng địa chỉ, dạy để người lao động có việc làm chứ không phải dạy để có tay nghề”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

Nhằm tạo công ăn, việc làm cho người lao động, mà trọng tâm là việc làm có thu nhập cao, chủ trương của Bộ LĐTB-XH cố gắng tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận được thị trường lao động tiềm năng (đặc biệt là thị trường Hàn Quốc) và ưu tiên cho khu vực ĐBSCL. Bộ cũng đang khuyến khích hình thành các trung tâm giới thiệu việc làm để từ trung tâm này kết nối cung – cầu giữa người lao động và người sử dụng lao động. Được biết, hiện Bộ LĐTB-XH đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm để trình Quốc hội vào tháng 6 tới.

Lê Nguyễn
Nguồn: Báo Điện tử Tổ quốc