Thị trường vẫn có hai tỷ giá?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp buộc phải bán USD cho ngân hàng theo tỷ giá do ngân hàng công bố, nhưng phải mua lại với tỷ giá chợ đen.Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Sáng 12.6, ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố giảm tỷ giá bình quân liên ngân hàng xuống còn 16.458đ/USD, so hôm 11.6 là 16.461đ/USD. Ngay lập tức, các ngân hàng thương mại buộc phải điều chỉnh tỷ giá xuống 16.623đ /USD so với 16.626đ/USD hôm 11.6. Hôm 10.6, tỷ giá này là 16.139đ/USD.

Như vậy, liên tiếp hai ngày liền kể từ khi ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, tỷ giá công bố của các ngân hàng thương mại đều tăng kịch trần so biên độ được phép 1%.

Ngân hàng ép doanh nghiệp

Theo thông báo của ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh tỷ giá nhằm phản ánh sát hơn tình hình cung – cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, khắc phục tình trạng găm giữ ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng hứa sẽ tiếp tục thực hiện can thiệp để đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, việc tỷ giá liên tiếp kịch trần chứng tỏ nguồn cung đô la Mỹ vẫn căng thẳng, đòi hỏi ngân hàng Nhà nước phải có những can thiệp mạnh mẽ hơn.

Trưa 12.6, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải biển cho biết, các ngân hàng thương mại vẫn áp dụng chính sách không bán đô la Mỹ theo tỷ giá công bố cho doanh nghiệp có nhu cầu, mà chỉ bán với giá thực tế 17.500 – 17.600 đồng/USD. Trong khi đó, doanh nghiệp bán hàng, xuất khẩu thu ngoại tệ buộc phải bán cho ngân hàng theo tỷ giá công bố. Tính ra, mỗi đô la Mỹ, doanh nghiệp thiệt 877 – 977 đồng. “Mức chênh lệch tỷ giá này là đã giảm xuống trong hai ngày qua, khi ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá cho sát hơn với tình hình thị trường. Trước đây, chênh lệch này lên tới 1.200 đồng hoặc cao nữa. Tuy nhiên, mỗi tuần, tôi phải chuyển ra nước ngoài thanh toán khoảng 1 triệu USD. Tính ra, thiệt hại gần 1 tỉ đồng”, lãnh đạo doanh nghiệp kể trên nói.

Ngân hàng ép doanh nghiệp về tỷ giá đã dẫn đến những rối loạn trong thanh toán, khi doanh nghiệp đến lượt mình, buộc phải tăng giá sản phẩm tương ứng với tỷ giá thực tế, hoặc phải ép khách hàng thanh toán theo tỷ giá đô la chợ đen.

Cách làm của ngân hàng, đã gián tiếp đẩy giá đô la Mỹ trên thị trường chợ đen lên cao. Theo nhận xét của một tổng giám đốc ngân hàng thương mại: “Giá đô la chợ đen phần nào phản ánh cung cầu, giá cả trên thị trường chính thức. Bằng chứng là mỗi khi tỷ giá trên thị trường chính thức tăng, giảm, thì tỷ giá trên thị trường chợ đen cũng tăng giảm theo”.

Cần can thiệp mạnh hơn

Trong tuần lễ đầu tháng 6, ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế. Và những biến động vừa qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý và yếu tố đầu cơ. Có hiện tượng một số đại lý đổi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đầu cơ đẩy giá đô la Mỹ lên cao để trục lợi gây tổn thất cho người dân, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Trước đó, tuần lễ cuối tháng 5, ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông tin chính thức, trong đó khẳng định chênh lệch cung – cầu USD không quá lớn và ngân hàng Nhà nước đủ khả năng can thiệp để ổn định tỷ giá. Đồng thời, can thiệp bán ngoại tệ cho các nhu cầu nhập khẩu hàng hoá thiết yếu.

Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại cho rằng, không tìm đủ nguồn đô la, nên mới phải có phí dàn xếp đô la khiến giá giao dịch thực tế đội lên so với giá công bố.

Theo bình luận của một chuyên gia ngân hàng, Nhà nước cần chứng minh thực lực của mình bằng việc bán ra đô la Mỹ mạnh hơn nữa, đáp ứng đủ cho nhu cầu doanh nghiệp. Đồng thời chấn chỉnh tình trạng mua bán đô la hai giá hiện nay của ngân hàng thì mới có thể bình ổn thị trường. Tình trạng hai giá còn, thì tâm lý găm giữ đô la vẫn còn. Trong bối cảnh lạm phát, Nhà nước cũng không thể phá giá đồng nội tệ bởi đó sẽ là áp lực tăng giá. Việc bung đô la dự trữ ra bán để thu tiền mặt về, vừa ổn định tỷ giá, vừa giúp chống lạm phát.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM