Thị trường vốn và tài chính Việt Nam 2008 hứa hẹn phát triển mạnh mẽ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Hội thảo Thị trường vốn và tài chính Việt Nam 2008 do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội ngày 23/1, hơn 300 đại biểu đến từ các tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới đã thảo luận những vấn đề thời sự của thị trường vốn và tài chính của Việt Nam, đồng thời chia sẻ, trao đổi quan điểm về tương lai của thị trường đang tăng trưởng này. Hầu hết các đại biểu đều đánh giá, năm 2007, Việt Nam thực sự đã có bước tăng trưởng, đáng khâm phục. Nổi bật là GDP tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua (đạt 8,5%), lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 20 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tăng kỷ lục với hầu hết các mặt hàng… Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế năng động và hứa hẹn nhất châu Á. Trong năm 2007, Chính phủ cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp khu vực nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, cải cách hành chính còn nhiều bất cập, các Bộ, ngành và doanh nghiệp chưa huy động được tối đa các nguồn lực… Tình hình đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, ngành cần thực hiện điều hành chính sách tài chính-tiền tệ một cách linh hoạt, kịp thời hơn nhằm đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Thảo luận về các biện pháp để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, ông Brad Levitt, Trưởng Ban thị trường vốn toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng, trước hết, Việt Nam cần phải tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy chế. Bởi hầu hết các lĩnh vực “đầu tư có điều kiện” chưa có văn bản quy định các điều kiện cụ thể làm căn cứ cho công tác thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Điều này đang gây lúng túng cho cơ quan quản lý đầu tư ở các địa phương cũng như nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư. Việc điều chỉnh quy hoạch đất đai phù hợp với yêu cầu đầu tư còn chậm và phức tạp. Việc đền bù, giải  phóng mặt bằng, di dời, tái định cư cho người dân ở khu vực đầu tư còn bất cập. Theo ông Brad Levitt, tình trạng này đã và đang hạn chế việc tiếp nhận các dự án mới cũng như việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Theo quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Martin Rama, hiện nay, luật pháp, chính sách của Việt Nam liên quan đến một số vấn đề như đầu tư gián tiếp, thủ tục mở chi nhánh… chưa được hướng dẫn đầy đủ, hoặc chưa được sửa đổi phù hợp cũng đang làm giảm tiến độ tiếp nhận, triển khai dự án. Đó là chưa kể những yếu kém “tiềm tàng” đã được cảnh báo nhiều, nhưng kết quả khắc phục còn chậm, như yếu kém về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… Ông Martin Rama đề xuất, Việt Nam nên có các cơ quan trung gian tài chính, hướng dẫn trình tự thủ tục đầu tư để các doanh nghiệp được thuận lợi hơn khi bỏ vốn vào đầu tư tại Việt Nam. Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam đang trong quá trình diễn ra sự thay đổi lớn về kinh tế, kèm theo sự chuyển biến về văn hoá – xã hội. Phân tích của ADB cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư bám theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như các năm qua, tốc độ tăng trưởng đầu tư của Việt Nam sẽ đạt 30 – 40%, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, để thị trường vốn và tài chính Việt Nam năm 2008 tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ông Ayumi Konishi cho rằng, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hơn nữa. Các đại biểu đều cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành cần hoàn chỉnh một khung pháp lí và cơ chế để giúp thị trường vốn phát triển lành mạnh và an toàn, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư.

Các giải pháp dài hạn phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 – Phát triển thị trường vốn theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc (bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ phái sinh, thị trường tập trung, thị trường phi tập trung…), vận hành theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế. – Phát triển mạnh các kênh cung cấp vốn cả trong và ngoài nước cho thị trường; mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức; phát triển đầy đủ các định chế trung gian; đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp, … đảm bảo có đầy đủ các yếu tố cấu thành một thị trường vốn phát triển trong khu vực. – Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá; hài hoà giữa mục tiêu huy động vốn cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững thị trường vốn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. – Tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện có hiệu quả chức năng thanh tra, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên thị trường. (Theo Quyết định 128/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020).

Nguồn: Website Chính phủ