Thiếu khung pháp lý cho hoạt động tư vấn chứng khoán
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không nên hốt hoảng vì thị trường lên xuống!

– Theo ông, tình hình chứng khoán bất ổn như hiện nay tác động như thế nào đối với kinh tế Việt Nam?

Trên thực tế, TTCK không có nhiều liên hệ, như người ta tưởng, đến nền kinh tế thực. Chúng ta không cần quá vội vã, hốt hoảng vì chuyện thị trường xuống lên. TTCK lên quá nóng mới đáng lo.

Trong các vấn đề về TTCK, cái sai là có thời, Việt Nam dùng đòn bẩy tài chính, cho phép thế chấp chính cổ phiếu để vay ngân hàng, lấy tiền để mua thêm cổ phiếu với suy tính có thể gấp đôi vốn trong vài tháng.

Một lượng tiền khá lớn từ ngân hàng đã dồn vào cho chứng khoán, đến lúc chứng khoán xuống, các nhà đầu tư không còn tiền để trả cho ngân hàng. Ngân hàng buộc phải bán tài sản thế chấp (cổ phiếu) đó. Lượng người bán lớn, giá cổ phiếu sụt nhanh. Giá càng sụt giảm, ngân hàng càng lo, càng muốn bán đi tiếp. Bản thân những nhà đầu tư thích ăn xổi thì sợ, bán đi. Đó là chuyện rất con người, ở đâu cũng thế.

Nếu con người học cách ứng xử khéo hơn, có hiểu biết hơn thì tình hình đỡ hơn.

Một chức năng của TTCK thường gây hiểu nhầm là chức năng huy động vốn cho DN. Thực tế, TTCK chỉ thực hiện chức năng đó khi DN phát hành cổ phiếu mới, trên thị trường sơ cấp. Việc này mang lại cho DN tiền của các nhà đầu tư, có vốn phát triển. Chấm hết.

Sau giây phút đó, trên thị trường chứng khoán thứ cấp, mua đi bán lại cổ phiếu thuần túy là một cuộc đánh bạc, người này được một đồng thì đúng có một người khác mất đi một đồng. Việc mua bán không mang lại cho nền kinh tế, DN một đồng vốn nào cả. Đó thuần túy là đầu cơ.

Mặt khác, đầu cơ đó là quan trọng vì có đầu cơ đó, cổ phiếu dễ dàng biến thành tiền mặt, (tính thanh khoản của cổ phiếu). Nếu thị trường hoạt động tốt, sự lên xuống giá cổ phiếu phản ánh một phần tài năng lãnh đạo của ban lãnh đạo công ty. Điều này gây sức ép rất mạnh lên các nhà lãnh đạo phải làm sao cho tốt.

Hai chức năng đó của thị trường thứ cấp rất quan trọng, dù thực chất, đó là một “sòng bạc” khổng lồ và chúng ta cần có “sòng bạc” đó.

Nhà đầu tư cần hiểu đó là sòng bạc, nhận thức rủi ro, cái hay, dở để có ứng xử phù hợp. Tất cả các nhà đầu tư, người dân và người làm chính sách đều phải học.  

– Phản ứng trước những động thái trên thị trường, Nhà nước đã ngay lập tức đưa ra một loạt giải pháp mới. Ông có bình luận gì?

Đúng là có vấn đề tâm lý, nhà đầu tư có thể hoảng loạn. Nhà nước có thể sử dụng một số biện pháp để củng cố, ổn định về mặt tâm lý nhưng bảo Nhà nước bỏ tiền “cứu”, ra chỉ thị này khác, theo tôi, là chuyện không cần thiết.

Đó không chỉ là sự thiếu chuyên nghiệp mà một yếu điểm lớn của người Việt. Chúng ta đã quen, đã bị tập cho “nghiện” chuyện mình không chủ động, không tự chủ, không độc lập mà luôn nhờ cấp trên giúp, cứu. Đó là căn bệnh trầm kha thời bao cấp còn tồn đọng lại trong đầu của từng người dân, từng cán bộ lãnh đạo. Chúng ta cần sớm thay đổi và thay đổi quyết liệt.


Thiếu cơ sở pháp lý cung cấp và quản lý thông tin

Cơ chế thông tin hiện nay có phải là một trong những nguyên nhân của xu hướng phản ứng bầy đàn và những bất ổn thị trường?

Phải khẳng định chuyện phản ứng bầy đàn là bình thường, ngay cả ở Mỹ. Trước năm 2000, tại Mỹ, hàng chục triệu người đổ xô vào mua cổ phiếu của các công ty dot-com khiến cho chỉ số Nasdaq trong ba năm đã tăng gấp năm lần. Nhiều công ty chưa hề tạo ra một xu lợi nhuận mà cổ phiếu vẫn được mọi người lùng mua.

Bong bóng dot-com vỡ vào tháng 3/2000, hơn 600 công ty dot-com ở Mỹ sụp đổ và hàng loạt công ty dot-com khác trên thế giới lâm vào cảnh tương tự, nhiều nhà đầu tư trở nên trắng tay. Nếu nghĩ nhà đầu tư Việt Nam “bầy đàn” còn ở nơi khác không như vậy chỉ là ngộ nhận.

Về thông tin, hiện nay Việt Nam có tất cả các kênh thông tin: từ công ty phát hành, công ty kinh doanh chứng khoán, ủy ban chứng khoán, sở giao dịch, báo chí, diễn đàn… Kênh thông tin đã đủ nhưng thông tin như thế nào lại là chuyện khác.

Nhà nước phải có quy định rất rõ ràng về việc phải công bố những thông tin gì, kiểm toán đến đâu… trách nhiệm thông tin như thế nào. Việc này đòi hỏi thời gian dài, không thể chỉ trong vài năm mà vào khuôn phép được.

Làm thế nào để có một cơ chế thông tin tốt hơn, thưa ông?

Phải có luật, thực hiện nghiêm túc, và buộc người ta thực thi cam kết về cung cấp thông tin đó.

Hiện thiếu minh bạch về thông tin vẫn đang là căn bệnh chung của nền kinh tế?

Thay đổi để phát triển hoặc chấp nhận số phận đi “ăn mày” liên tục. Đó là quyết định lớn Nhà nước phải đưa ra.

Hơn nữa, chúng ta cũng không nên hi vọng những quyết định như vậy một lần đưa ra là ổn. Bản thân cơ quan nhà nước cũng đang đi học xem phải quản lý như thế nào, nhà đầu tư phải học xem đầu tư như thế nào, làm sao mong làm tốt ngay được.

Đây là điều bình thường với một thị trường mới như Việt Nam. Chúng ta không nên kỳ vọng quá cao, không thể mong TTCK Việt Nam phát triển như Hong Kong, Singapore…

“Anh nông dân ra phố không thể giống nhà đầu tư ở Wall Street”

– Gần đây, những nhóm, tổ chức tư vấn về chứng khoán mạnh nha xuất hiện nhưng vẫn chưa có được những nhóm tư vấn uy tín. Theo ông, nguyên nhân là gì?

Chúng ta phải dần từng bước. Trước hết cần có cơ sở pháp lý để lập ra các nhóm, công ty như vậy. Các nhóm, công ty tư vấn hay từng chuyên gia tư vấn thông qua thị trường, cạnh tranh nhau để biết ai tốt, ai dở.

– Việt Nam hiện còn thiếu những điều kiện gì cho sự phát triển của các nhóm tư vấn này?

Chúng ta đã có nhiều điều kiện để làm. Thiếu nhất vẫn là khung pháp lý cho nó hoạt động. Bản thân cuộc sống phải quen dần và công ty tư vấn phải học dần. Một anh nông dân võ vẽ ra thành phố, ngay lập tức làm thế nào để trở thành một nhà đầu tư như ở Wall Street được là quá khó.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Điện tử Việt Nam Nét

Mời bạn cho biết quan điển về vấn đề này trên VIB Online – www.vibonline.com.vn