Thông cáo phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII.

– Về đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII: Trên cơ sở Báo cáo của Văn phòng Quốc hội, thực tế diễn biến kỳ họp, dư luận của nhân dân, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, hoàn thành tốt đẹp chương trình, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật và rút ngắn được thời gian so với dự kiến. Trong đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã có bước tiến mới nổi bật. Những vấn đề quan trọng, có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân được thảo luận dân chủ, công khai.

Thành công của kỳ họp thể hiện sự cố gắng và quyết tâm cao của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội; của Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hữu quan; sự đóng góp tích cực của cử tri và nhân dân cả nước, ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trên, đồng thời hoan nghênh các cấp, các ngành, nhân dân cả nước, các lực lượng phục vụ… đã góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

– Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII: Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 luật, cho ý kiến 10 dự án luật; xem xét quyết định các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước; giám sát tối cao việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan, sớm có kế hoạch để triển khai các công việc chuẩn bị cho kỳ họp; khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm để kỳ họp được thực hiện đúng tiến độ.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và dự án Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng.

– Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, phát triển và hoạt động của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và an ninh trật tự trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, qua hơn 8 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Pháp lệnh nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý để lực lượng cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

– Việc ban hành Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng nhằm tạo cơ sở pháp lý để ngành công nghiệp quốc phòng trở thành một bộ phận của công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực, chính sách của nhà nước và cơ chế quản lý đối với công nghiệp quốc phòng.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2008.

Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2008 mang nhiều ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp và thúc đẩy quan hệ chính trị – kinh tế giữa Việt Nam với các nước. Hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Quốc hội sẽ tiếp tục được triển khai chủ động theo kế hoạch, đảm bảo duy trì các mối quan hệ hợp tác và sự tham gia liên tục của Quốc hội Việt Nam tại các tổ chức liên nghị viện, đóng góp tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Chương trình công tác, Chương trình giám sát năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghe báo cáo tổng hợp chương trình giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2008; thông qua Nghị quyết về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011) và năm 2008.

Trọng tâm công tác xây dựng pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 và đảm bảo tiến độ của chương trình; chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua các luật và cho ý kiến các dự án luật; xem xét, thông qua các pháp lệnh và tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức thảo luận, cho ý kiến về các dự án tại kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008; triển khai thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghe Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban báo cáo kết quả giám sát chuyên đề; quyết định các vấn đề quan trọng và thực hiện một số công tác khác theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao…

5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về chính sách thí điểm cho người nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc cử bổ sung ủy viên Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương; cử bổ sung ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát quân sự Trung ương; xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy giúp việc của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

VIB