Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sẽ điều hành linh hoạt, quyết liệt bình ổn thị trường tiền tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xin ông cho biết những khó khăn khách quan và chủ quan đã tác động đến thị trường tiền tệ nước ta những tháng đầu năm 2008?

Trong những tháng đầu năm 2008, thị trường tiền tệ Việt Nam đã chịu tác động của các yếu tố khách quan như kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước, giá dầu và lương thực tăng đột biến (dầu mỏ tăng 40,5%, gạo tăng 120%), hệ thống tài chính, ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, thương mại toàn cầu sụt giảm.

Về những yếu tố chủ quan, mặc dù kinh tế trong nước tiếp tục đà tăng trưởng, xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng ở mức cao, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; nhưng nổi lên một số tình hình là lạm phát tăng cao (6 tháng đầu năm là 18,12%), thâm hụt thương mại tăng lên (6 tháng đầu năm là 13,77 tỷ USD), cùng với sụt giảm của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đã đe dọa sự ổn định của kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, đời sống, tâm lý xã hội và môi trường đầu tư nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng.

Chủ trương cho phép các NHTM đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, có phải là cách huy động vốn tối ưu nhất hiện nay. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản VND. Theo đó, từ ngày 19/5/2008, các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh (lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay) bằng VND đối với khách hàng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Lãi suất cơ bản do NHNN công bố là công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, làm cơ sở cho TCTD ấn định lãi suất kinh doanh phù hợp với cung cầu vốn trên thị trường; có tác động định hướng và điều tiết lãi suất thị trường tạo nên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền, TCTD và người vay vốn. Định kỳ hàng tháng NHNN công bố lãi suất cơ bản và trong trường hợp cần thiết, NHNN công bố điều chỉnh lãi suất cơ bản; lãi suất cơ bản được xác định và công bố dựa trên cơ sở điều kiện của thị trường tiền tệ- tín dụng và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. NHNN công bố lãi suất cơ bản từ ngày 19/5/2008 là 12%/năm và điều chỉnh tăng từ ngày 11/6/2008 lên 14%/năm. Theo đó TCTD ấn định lãi suất huy động và cho vay với mức tối đa là 18%/năm áp dụng từ ngày 19/5/2008 và 21%/năm áp dụng từ ngày 11/6/2008.

Sau hơn một tháng thực hiện cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng VND, lãi suất huy động vốn của TCTD tăng lên và hình thành mặt bằng lãi suất mới phù hợp với cung cầu vốn thị trường, nguồn vốn huy động tăng nhẹ và khả năng thanh khoản các TCTD được nâng lên.

Ông có thể cho biết tác hại của thực trạng đô la hoá thị trường tiền tệ nước ta hiện nay? Và lời khuyên đối với những người có thói quen này?

Đô la hoá là tình trạng đồng ngoại tệ thay thế đồng bản tệ trong việc thực hiện các chức năng của tiền tệ là dự trữ giá trị, phương tiện thanh toán và đơn vị tính toán. Đây là hiện tượng thường gặp phải ở các nền kinh tế chuyển đổi. Tại Việt Nam, đô la hoá vẫn khá phổ biến với thói quen dự trữ tài sản bằng ngoại tệ, giao dịch, mua bán, niêm yết giá bằng ngoại tệ.

Hiện tượng đô la hoá gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá. Mức cung tiền trở nên khó dự báo hơn và mức cầu nội tệ trong nước không ổn định ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách tiền tệ.

Ngành Ngân hàng tăng cường thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường ngoại hối

Trong những thời điểm cung cầu ngoại tệ trên thị trường mất cân bằng như một vài thời điểm trong thời gian vừa qua, tình trạng đô la hoá cũng gây thêm khó khăn cho việc ổn định trở lại thị trường ngoại tệ do đô la hoá làm tăng hiện tượng đầu cơ, bóp méo cung cầu ngoại tệ. Bên cạnh đó, đô la hoá làm giảm nhu cầu phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường ngoại hối, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thị trường ngoại hối, mà các doanh nghiệp cũng đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn do không có công cụ phòng ngừa rủi ro khi đồng đô la Mỹ biến động bất thường. Ngoài ra, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ cũng khiến cho người dân bị thiệt khi thanh toán tiền mua hàng hoá do các cửa hàng áp dụng tỷ giá không thống nhất.

Như vậy, nhìn chung hiện tượng đô la hoá đã có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Đô la hoá bóp méo cung cầu ngoại tệ, khiến cho tỷ giá không phản ánh chính xác cung cầu ngoại tệ và hoạt động đầu cơ ngoại tệ hết sức rủi ro.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hạn chế tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế, ngày 04/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 98/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.

Để hạn chế tình trạng đô la hoá người dân và doanh nghiệp không nên nắm giữ ngoại tệ nếu không có nhu cầu. Đồng thời để bảo vệ lợi ích của mình, người dân cũng như các doanh nghiệp nên cân nhắc, đề phòng những rủi ro do biến động tỷ giá, cũng như tránh chạy theo tâm lý đám đông đầu cơ ngoại tệ.

Để bình ổn thị trường tiền tệ nói riêng và góp phần kiềm chế lạm phát nói chung, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có kế hoạch, giải pháp cụ thể gì?

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đề ra 7 giải pháp trọng tâm cho công tác 6 tháng cuối năm 2008 là:

Điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng nhằm kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý thúc đẩy cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn.

Theo dõi chặt chẽ tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn thanh toán, ổn định thị trường tiền tệ.

Xác định, công bố lãi suất cơ bản và điều chỉnh các loại lãi suất tái cấp vốn phù hợp với điều kiện của thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.

Áp dụng cơ chế kiểm soát tín dụng ở mức hợp lý, kết hợp với đảm bảo an toàn thanh toán; đồng thời, yêu cầu các NHTM điều chỉnh cơ cấu tín dụng, đáp ứng các nhu cầu vốn có hiệu quả và tập trung cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn.

Thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường ngoại hối: Theo dõi và dự báo sát diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và can thiệp thị trường ngoại hối thích hợp; Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động mua, bán ngoại tệ trái pháp luật trên thị trường; Phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng và tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh của các công ty vàng bạc.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc cụ thể của các Đề án thành phần thuộc Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục xử lý các vướng mắc, thực hiện tốt Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước; mở rộng kết nối mạng lưới ATM của các NHTM.

Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc triển khai các biện pháp về điều hành chính sách tiền tệ. Phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình kinh tế, xã hội ở trong và ngoài nước; các thông tin định kỳ hàng tuần và đột xuất về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của các NHTM, diễn biến thị trường tiền tệ để ổn định tâm lý các nhà đầu tư và công chúng./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ