Thống đốc NHNN: Lãi suất sẽ theo sát thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều này làm nảy sinh lo ngại, liệu NHNN có đi sát thực tế để có lãi suất cơ bản sát diễn biến thị trường hay lãi suất cơ bản lại vẫn tiếp tục không gắn với thị trường và trở thành một khó khăn cho các ngân hàng khi thực hiện các quyết định kinh doanh của mình.

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, lãi suất cơ bản sẽ được NHNN điều chỉnh để vừa phản ánh thực tế lãi suất thị trường, vừa đóng vai trò là lãi suất điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, góp phần tạo nên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền – TCTD – người vay vốn. Lãi suất cơ bản được xác định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, lãi suất huy động đầu vào của TCTD và xu hướng biến động cung cầu, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.

Thống đốc đánh giá thế nào về tác động của cơ chế điều hành lãi suất mới, nhất là sự điều chỉnh mạnh lãi suất cơ bản lần này?

– Lãi suất cơ bản trước đây đã tồn tại khá lâu ở mức thấp 7,5%. Từ 1/1/2008 đã được điều chỉnh lên 8,75% nhưng vẫn đây vẫn là mức thấp so với diễn biến thị trường. Thực sự, mức điều chỉnh 8,75% lên 12% là lớn nhưng chúng ta phải xét về nội hàm của sự điều chỉnh này để thấy rõ tác động của nó.

Theo cơ chế cũ, lãi suất cơ bản mang tính chất định hướng và tham khảo; nay là cơ sở để ấn định lãi suất kinh doanh, tính toán lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Như vậy, mức lãi suất cơ bản 12%/năm (theo đó lãi suất tối đa của các tổ chức tín dụng là 18%) là tương đối phù hợp với thị trường, không gây nên nhưng xáo trộn về tín dụng. Báo cáo của các ngân hàng thương mại cho biết, lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay là thấp nhất là 12 – 14% và phổ biến là 15 – 18%. Trong khi đó, lãi suất thị trường mở là 12% và liên ngân hàng 14 – 16%.

Chúng ta thực hiện lãi suất theo cơ chế mới nhưng không kiềm chế sự phát triển của thị trường. Không làm mất đi sự phát triển cung cầu vốn của thị trường.

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện lãi suất thực dương cho người gửi tiến. Với mức lãi suất cơ bản là 12%, lãi suất kinh doanh tối đa là 18% liệu có đảm bảo thực dương trong hoàn cảnh lạm phát đang tăng cao và có dự đoán lên trên 20%.

– Chủ trương của Chính phủ là tiến tới thực hiện lãi suất thực dương. Điều này sẽ có một quá trình. Chỉ số giá và lãi suất luôn có một sự tương tác. Chúng ta phải có dự báo, tính toán  để có chính sách phù hợp với điều kiện thị trường và kỳ vọng của người dân. Sắp tới, Quốc hội sẽ có quyết định về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế và đi kèm theo đó, Chính phủ cũng sẽ có những chính sách kinh tế vĩ mô để thực hiện. Đây cũng sẽ là cơ sở để chúng ta tính toán lãi suất một cách hợp lý nhất.

Ngân hàng Nhà nước đã có dự báo nào về tác động của việc tăng lãi suất trong thời gian tới và liệu có xảy ra trường hợp các ngân hàng đẩy lãi suất huy động quá cao, sát với mức tối đa cho vay đã được khống chế là 18%, gây ra rủi ro trong kinh doanh?

– Với lãi suất cơ bản 12%, lãi suất kinh doanh tối đa 18%, các ngân hàng được chủ động điều tiết trong mức quy định. Vấn đề có thể xảy ra biến động tăng lãi suất dẫn đến rủi ro thì chính các ngân hàng cũng phải tính toán, hơn nữa, mỗi ngân hàng phải có trách nhiệm với sự an toàn của hệ thống. Hiệp hội cũng cần có sự đồng thuận để thực hiện đúng các chủ trương.

Trong trường hợp, ngân hàng nào đẩy lãi suất lên cao, khiến lãi suất huy động và lãi suất cho vay gần nhau, có thể gây ra rủi ro, nguy hiểm thì NHNN sẽ có biện pháp. Đây là ngành kinh doanh có điều kiện, NHNN luôn có sự kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, tôi nghĩ các tổ chức tín dụng cũng không bao giờ làm điều đó vì sẽ không khó khăn để khách hàng nhận ra những bất cập và điều này không có lợi cho các ngân hàng đó.

Vậy những ngân hàng vượt quá quy định sẽ bị xử lý thể nào?

– Từ 19/5, tất cả các ngân hàng không được thực hiện lãi suất quá 150% lãi suất cơ bản. Bất cứ vi phạm nào đều là phạm luật và sẽ bị xử lý. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý hành chính, nặng hơn sẽ do các quy định pháp luật điều chỉnh.

Ông có thể cho biết một số thông tin về tính thanh khoản của các ngân hàng hiện nay?

– Tôi xin nói là NHNN nắm rất rõ về tình hình thanh khoản trên toàn hệ thống. Các ngân hàng đều có báo cáo về NHNN về tình hình hàng ngày. Ngày 16/5, toàn hệ thống ngân hàng thừa 22 ngàn tỷ trên tài khoản. Điều này có nghĩa là số tiền trên tài khoản của các ngân hàng sau khi trừ đi các khoản dự trữ bắt buộc, dự phòng… vẫn dư ra. Lúc nào số dự phòng này chỉ còn 3 – 5 ngàn tỷ NHNN sẽ thực hiện bơm tiền vào để đảm bảo an toàn.

Tình hình như vậy là rất tốt, hiện nay có thể có một số ngân hàng thiếu cục bộ thôi và được xử lý rất nhanh.

Xin cảm ơn Thống đốc!

Nguồn: VNN