Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: “Thực hiện chính sách tiền tệ phải chấp nhận chi phí”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều hành linh hoạt, chủ động

– Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp gì để thực hiện mục tiêu này, thưa ông? 

Mục tiêu năm nay, chúng ta phải kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng dư nợ cả năm không quá 30% so với năm 2007. Đến nay, chúng ta đưa ra các chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá, dự trữ bắt buộc, phát hành trái phiếu… và trên tình thần là điều hành linh hoạt, chủ động. Tình hình quý I năm nay cho thấy khả năng có thể đạt được. Nhưng trên thực tế hiện nay, diễn biến giá cả thế giới rất phức tạp và nhiều cái chúng ta không lường được.

– Có ý kiến cho rằng, các giải pháp tài chính mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra còn “giật cục”, gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng, ông có đồng tình?

Tôi không nghĩ như thế vì năm ngoái, khi xu hướng lạm phát xuất hiện, ngày 28/5/2007, Thống đốc NHNN đã quyết định tăng lượng dự trữ bắt buộc gấp đôi và chỉ có 33 ngày để thực hiện. Còn hiện nay, chúng ta yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc và có 45 ngày thực hiện, việc phát hành tín phiếu ngân hàng cũng có 35 ngày chuẩn bị. 

Tôi tin chắc các ngân hàng có đủ thời gian chuẩn bị. Các chính sách tài chính đã được các tổ chức tín dụng thực hiện tốt. Thực tế cũng có một vài tổ chức tín dụng có khó khăn nhưng họ cũng khắc phục được. 

Đương nhiên, khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ không thể trôi chảy bình thường mà các tổ chức đều phải cố gắng. Tôi rất hoan nghênh các tổ chức tín dụng trong nước cũng như nước ngoài đã hưởng ứng chính sách tiền tệ để chúng ta thực hiện kiềm chế lạm phát ngay từ đầu năm rất tốt. 

– Bỏ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng lại phát hành tín phiếu khiến một năm NHNN phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để trả lãi?

Các nước khi thực hiện các chính sách tiền tệ họ cũng chấp nhận sự phát sinh chi phí. Nếu như vừa rồi tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế, nghĩa là người đi vay chịu. 

Do vậy, NHNN lựa chọn phương án đó để hài hoà lợi ích trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn.

Quốc hội quyết định tính độc lập của NHNN

– Đã bỏ lãi suất trần huy động vốn nhưng nay NHNN lại quy định lãi suất không quá 12% liệu có mâu thuẫn không?

Trong điều kiện thị trường biến động thì Nhà nước phải can thiệp bởi vì chúng ta theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. 

Khi có biến động không bình thường thì cần can thiệp nhằm ổn định. Tôi cho rằng điều này là hợp lý và không có gì mâu thuẫn, bằng chứng là cả xã hội và các ngân hàng đều ủng hộ.

– Nhưng chính ông cũng từng phát biểu ủng hộ tự do hóa lãi suất?

Tự do hóa lãi suất ở đây phải được hiểu là trong chừng mực điều kiện phát triển nền kinh tế và vẫn cần có sự quản lý.

– Thưa ông, lạm phát thường gắn với sự mất giá của đồng tiền nhưng trong quý I năm nay, lạm phát lại kéo theo sự tăng giá của tiền đồng, việc này nói lên điều gì?

Chính sách tỷ giá là một phạm trù khác, nếu chúng ta lấy trị giá của đồng USD đang có xu thế giảm để so sánh và khẳng định sự tăng giá của tiền đồng thì sẽ khập khiễng và không chính xác.

– Các nghiên cứu lịch sử đều chỉ ra rằng, nước nào ngân hàng Trung ương có tính độc lập càng cao thì kiềm chế lạm phát càng hiệu quả. Theo ông, tính độc lập hạn chế của NHNN hiện nay có phải chính là nguyên nhân gây khó khăn trong việc đưa ra các giải pháp kiềm chế lạm phát?

Thể chế của chúng ta đặt Ngân hàng nằm trong Chính phủ nên về mặt cơ bản Chính phủ điều hành và Ngân hàng thực hiện. Tôi hiểu bạn muốn hỏi về tính độc lập của NHNN giống như nhiều nước phát triển, nhưng việc này phải chờ Quốc hội quyết định, không thể nói gì được. 

– Thưa ông, theo thông lệ thế giới, chức năng của ngân hàng Trung ương là ổn định giá cả nhưng Luật Ngân hàng lại quy định, NHNN có chức năng ổn định giá trị đồng tiền. Theo ông, có nên đặt vấn đề sửa đổi điều này khi sửa Luật Ngân hàng cuối năm nay hay không?

Vấn đề ở đây chính là nếu thể chế chính trị quy định ngân hàng Trung ương độc lập thì nó sẽ trả lời ngay việc này. 

Nguồn: Báo Điện tử Việt Nam Nét