Thứ trưởng Bộ TT – TT Đỗ Quý Doãn: Luật sửa đổi phải tạo điều kiện cho báo chí phát triển
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cơ quan chủ quản không cầm tay chỉ việc

Quy định về chức danh chủ nhiệm cơ quan báo chí trong dự thảo luật lần này có vấn đề gì mới, thưa ông?

– Trước đây, chủ nhiệm là người thay mặt cho cơ quan chủ quản cùng cơ quan báo chí để thực hiện công việc. Trong dự thảo lần này, chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, về các ấn phẩm và các loại hình báo chí trong một cơ quan báo chí. Tuy nhiên chúng tôi đang tìm một tên gọi phù hợp hơn.

Theo ông, cần quy định vai trò của cơ quan chủ quản như thế nào đối với hoạt động của cơ quan báo chí?

– Dự thảo luật cố gắng làm rõ nhất trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí. Chủ quản không phải làm thay, cũng không phải là cầm tay chỉ việc mà trên cơ sở quy định đó có trách nhiệm cụ thể, tạo điều kiện cho báo chí. Và tất nhiên, khi báo chí sai phạm thì cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm của mình ở trong đó.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã và đang hoạt động theo xu hướng tập đoàn báo chí. Dự thảo luật lần này có nên quy định rõ ràng hơn về vấn đề này hay không?

– Trong luật không quy định, cũng không nói cụ thể về mô hình tập đoàn nhưng những cơ chế, chế tài trong đó cũng đã hướng tới vấn đề này. Khi cơ quan báo chí có điều kiện hình thành theo các mô hình tập đoàn thì cần có chế tài đi theo với nó. Điều khoản mới được thiết kế trong luật lần này có đề cập đến vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí.

Tôi nghĩ đây là điểm rất mới mà thực tế đã diễn ra rồi. Chúng ta không nói cụ thể tập đoàn là gì nhưng những chế tài và điều kiện cho nó hoạt động thì đã có.

Về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu một cơ quan, tổ chức trong vấn đề cung cấp thông tin, theo ông, cần được quy định như thế nào cho hợp lý?

– Cung cấp hay không cung cấp thông tin là quyền của mỗi người. Nhưng với người đứng đầu một cơ quan, tổ chức, còn một yếu tố là nghĩa vụ. Do đó, cần xác định rõ trong trường hợp nào người đứng đầu được quyền không cung cấp thông tin, và trong trường hợp nào có nghĩa vụ cung cấp.

Trong luật phải quy định rất rõ, không thể lẫn lộn giữa quyền và nghĩa vụ được. Tôi nghĩ đây là một ý kiến cần được tiếp thu nghiên cứu để có quy định phù hợp, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Phát thanh có hình chỉ là một cách nói…

Tháng 9 tới, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ ra một loại hình báo chí mới là phát thanh có hình. Có phải chúng ta đang lẫn lộn giữa truyền hình và phát thanh có hình?

“Không nên hiểu cứng nhắc về vấn đề tôn chỉ mục đích của một tờ báo như chỉ đơn thuần là hoạt động trong 4 bức tường mà cần có sự giao thoa. Sự giao thoa ấy giống như con lắc, nó dao động đến biên độ nào thì còn nằm trong quỹ đạo, giao thoa đến đâu thì không.

Cho nên thực hiện tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, ngoài việc cơ bản phải theo nhiệm vụ đã được phân công, cũng phải có khoảng cách, một biên độ lắc nào đấy trong phạm vi cho phép”.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn

– Phát thanh có hình chỉ là một cách nói, thực chất đó là hình thành một kênh truyền hình. Nếu Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện phát thanh có hình tức là Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ có một kênh truyền hình.

Nhưng đến thời điểm này, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn trình lên Chính phủ xin một kênh phát thanh có hình chứ không phải một kênh truyền hình?

– Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho Đài Tiếng nói Việt Nam thử nghiệm phát thanh có hình và chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam trao đổi, thảo luận để tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung. Bộ Thông tin và Truyền thông giữ chức năng tham mưu để đề xuất ý kiến chính xác, phù hợp.

Vậy truyền hình trên báo điện tử sẽ gọi là gì? Là truyền hình trực tuyến hay cần tìm cho nó một tên gọi nào khác?

– Việc thực hiện các clip trên điện tử, nếu thuần túy là minh họa cho một bài viết, một nội dung nào đó thì nó mang ý nghĩa thuần như tranh ảnh minh họa.

Còn nếu trên báo điện tử thực hiện một chương trình truyền hình có nội dung độc lập thì phải tuân theo các quy định về sản xuất chương trình truyền hình.

Sẽ có điều chỉnh đối với các trường hợp báo nằm trong doanh nghiệp

Hiện nay đã diễn ra tình trạng một số tư nhân núp bóng tài trợ cho các báo, và đây là một xu hướng tư nhân hóa báo chí. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào vì trong luật chưa đề cập đến?

– Đúng là trong thực tế, tư nhân có tham gia vào một số khâu làm báo như thiết kế, trình bày, phát hành, quảng cáo. Nhưng nếu không có quy định rõ, nhiều người sẽ lợi dụng sự nhập nhèm để thao túng về mặt nội dung.

Các tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào hoạt động báo chí dù ở khâu nào nhưng cuối cùng người chịu trách nhiệm vẫn là người đứng đầu cơ quan báo chí và cơ quan đó phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung.

Thưa ông, đối với những báo nằm trong doanh nghiệp, cần phải giải quyết như thế nào?

– Theo luật cũ, chỉ có cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội – nghề nghiệp có cơ quan báo chí. Trước đây, có một số tờ báo của tổng cục, của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng sau khi chuyển đổi, các tờ báo của họ vẫn tồn tại. Ví dụ như Tổng cục Đường sắt thành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thì tờ báo Đường Sắt vẫn tồn tại như trước đây.

Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, ngoài những tổ chức như trong luật quy định, sẽ điều chỉnh quy định thêm về các tổ chức khác do Chính phủ quy định để có sự cơ động trong xem xét các trường hợp cụ thể đã diễn ra.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet