Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng: “Internet băng rộng sẽ lên ngôi tại Việt Nam!”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Vừa qua, các ISP đã đề xuất mong muốn thành lập Hiệp hội Internet. Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước về việc này?

– Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Bộ Thông tin-Truyền thông rất ủng hộ việc thành lập Hiệp hội Internet. Động thái này góp phần tạo điều kiện thúc đẩy Internet, đóng góp ý kiến về chính sách phát triển Internet cho các cơ quan quản lý nhà nước, mở rộng quyền lợi của DN và người sử dịch vụ Internet.

– Hiện tại, Bộ Thông tin-Truyền thông đang chủ trì soạn thảo Nghị định quản lý Internet mới, thay thế Nghị định 55. Với vai trò của Trưởng ban soạn thảo, xin ông cho biết những mục tiêu của Nghị định mới?

– Nghị định 55 đã tạo được cú hích hết sức quan trọng cho Internet phát triển về hạ tầng mạng lưới, dịch vụ, số người sử dụng, chất lượng Internet ngày càng cao trong khi giá cước bằng và thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Đây là những thành tựu của Internet Việt Nam.

Tuy nhiên, so với sự phát triển về công nghệ, dịch vụ, thị trường, sự thay đổi về tổ chức bộ máy, đến thời điểm này, Nghị định (NĐ) bước đầu cũng bộc lộ những bất cập nhất định và không còn phù hợp nữa. Để tiếp tục thúc đẩy Internet phát triển đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng NĐ mới. Dự thảo NĐ mới sẽ đặt ra một số mục tiêu lớn.

Thứ nhất, NĐ phải tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển Internet. Thứ 2, đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính trong quá trình cấp phép, thực thi pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường. Thứ ba, tập trung vào việc tạo ra các cơ chế, chính sách để thúc đẩy các dịch vụ Internet phát triển – đặc biệt là các dịch vụ băng rộng. Thứ tư, tăng cường quản lý thông tin điện tử trên Internet theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và hệ thống pháp luật cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam.

– Xin Thứ trưởng cho biết những ví dụ cụ thể xung quanh nội dung sửa đổi của Nghị định?

– Ví dụ, trước đây, DN cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) phải là DN nhà nước hoặc DN nhà nước chiếm thị phần chi phối thì nay NĐ không quy định như vậy! Các thành phần kinh tế đều được cung cấp dịch vụ Internet bao gồm: dịch vụ kết nối, dịch vụ truy nhập và dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông.

Trước đây, chúng ta cần có tới 3 loại hình doanh nghiệp tương ứng với 3 loại dịch vụ, thì nay chỉ còn 1 dịch vụ duy nhất là DN cung cấp dịch vụ Internet. DN này được quyền cung cấp 1, 2 hoặc 3 loại hình dịch vụ theo quy định.

Như vậy, Nghị định mới sẽ đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính, quá trình cấp phép, quá trình thanh tra, kiểm tra và quá trình thực thi pháp luật.

– Thưa Thứ trưởng, nhân dịp Internet VN lên 10 tuổi, xin ông cho biết những dự báo và nhận định về thị trường này trong vòng 10 năm tới?

– Trong vòng 10 năm nữa (đến 2020) – đây là câu hỏi không dễ trả lời! Tuy nhiên, với cơ chế chính sách chung của Đảng Nhà nước – thúc đẩy kinh tế thị trường theo định hướng XHCN trong đó có bưu chính, viễn thông và Internet, tôi tin rằng, Internet Việt Nam đến năm 2020 sẽ cất cánh và chúng ta sẽ đạt mức phát triển của thế giới.

Theo tôi, trong 10 năm nữa, Internet băng hẹp (quay số dial-up) sẽ biến mất dần, và tốc độ phát triển chủ yếu trong lĩnh vực này sẽ là Internet băng rộng. Hiện tại, Việt Nam cũng đang được đánh giá là 1 trong 2 thị trường trên thế giới có tốc độ phát triển Internet băng rộng cao. Tất nhiên, chúng ta cũng có lý do khách quan là số lượng thuê bao của Việt Nam còn ít nên tốc độ nhanh và dần sẽ phải chậm lại…

Tôi tin chắc rằng, về quy mô, mạng lưới và tốc độ phát triển đặc biệt là Internet băng rộng sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh!

– Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VNN