Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn: “Sẽ quản lý blog theo tư duy quản lý Internet”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ đưa thông tin xấu trên blog, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải quản lý blog. Thứ trưởng có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Blog không phải là vấn đề mới, nhưng ở Việt Nam mới rộ lên vài năm gần đây, đặc biệt là khi xuất hiện các sự cố như vụ bôi xấu ca sĩ Phương Thanh hay vụ phát tán phim sex về diễn viên trong phim Nhật ký Vàng Anh mới bắt đầu kéo sự chú ý của các cơ quan quản lý và xã hội. Khi tạo sự chú ý đó, công chúng chỉ chú ý đến mặt trái, mặt tiêu cực của blog.

Nếu đứng dưới góc độ quản lý phải nhìn tổng thể. Sự xuất hiện của blog cũng là một loại hình ứng dụng CNTT và Internet, là cơ sở tạo điều kiện cho người dân sử dụng Internet. Có thể nói blog có đóng góp rất lớn vào tỷ lệ dân số trên 20% sử dụng Internet với khoảng 18 triệu người dùng, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng Internet cao trên thế giới chỉ trong 10 năm. Hơn nữa, với khả năng truyền tải thông tin nhanh, thuận lợi đáp ứng trao đổi, chia sẻ, và cung cấp thông tin ngày càng lớn của người dân, việc blog bùng phát là phù hợp với quy luật chung. Nhưng mặt tiêu cực của nó cũng rất lớn. Khi các phương tiện càng hiện đại, sức phổ cập càng rộng lớn, nhanh nhạy, nếu bị lợi dụng thì tác động của nó rất lớn, hậu quả khôn lường.

Với nhìn nhận như vậy về blog, việc quản lý blog sẽ được thực hiện thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trước khi nói về vấn đề này, tôi muốn trở lại một vấn đề có tính lịch sử khi Việt Nam có quyết định hòa mạng Internet hay không. Khi đó Internet còn quá mới mẻ với Việt Nam. Chúng ta đều biết đó là con dao hai lưỡi. Nó là loại hình thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất, trong phạm vi rộng lớn, hay nói hình ảnh là thông qua Internet thì thế giới thu nhỏ lại vì bất cứ ở đâu chỉ với máy tính và modem là có thể đi khắp toàn cầu về mặt thông tin. Nhưng khi xuất hiện Internet thì cũng rất nhiều câu hỏi đặt ra, liệu chúng ta có quản lý được không, bởi tiêu cực trên Internet cũng rất nhiều. Khi đó, Đảng và Chính phủ đã rất quyết tâm hòa mạng Internet toàn cầu vào ngày 19/11/1997. Nếu lúc đó chúng ta không quyết tâm, thấy toàn chuyện tiêu cực mà không hòa mạng, chỉ cần chậm vài năm thì không biết Internet của ta giờ đang ở đâu. Và tư duy quản lý lúc đó là quản lý được đến đâu mở ra đến đấy. Nhưng sau 2-3 năm thì tư duy quản lý thay đổi hẳn, phát triển phải đi đôi với quản lý, quản lý tạo điều kiện cho sự phát triển. Đó là đổi mới, sự phát triển trong tư duy quản lý.

Tôi nghĩ nên áp dụng tư duy quản lý đó vào blog. Tư duy thấy khó khăn không quản được thì cấm giờ đây không còn phù hợp. Cái chính của quản lý là phải thấy được mặt tích cực và tiêu cực để có những cơ chế phù hợp cho sự phát triển, tạo điều kiện cho sự phát triển nhưng vẫn hạn chế được những mặt tiêu cực.

Ở xu hướng cho rằng nên quản lý blog, nhiều ý kiến cho rằng blog là nhật ký trực tuyến, là “báo chí công dân” nên có thể quản lý theo luật báo chí. Thứ trưởng có đồng ý với quan điểm này?

Có người bảo blog là loại hình “báo chí công dân”. Nhưng theo quy định của luật thì blog không phải là báo chí. Báo chí ở nước ta là cơ quan của một tổ chức của Đảng và Nhà nước, do cơ quan chủ quản đứng ra xin phép thành lập, không phải hoàn toàn tự phát như blog. Trong khi đó, blog là thông tin của cá nhân, những vấn đề đưa ra hoàn toàn mang tính cá nhân, chủ quan. Như vậy không thể gọi blog là báo chí mà đưa vào quản lý trong luật báo chí được.

Nhưng nếu nói blog là loại hình nhật ký trực tuyến thì cũng không đầy đủ. Nhật ký là việc ghi chép những vấn đề riêng tư cho bản thân tôi hoặc chỉ chia sẻ cho những người rất thân. Bây giờ viết blog chia sẻ cho “cả làng”. Nên gọi blog bây giờ là nhật ký cũng không đầy đủ. Có người dùng blog tham gia cả những vấn đề rất đại sự. Vì vậy, có thể coi blog là trang thông tin cá nhân, có thể chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin.

Tôi cho rằng nên hiểu blog một cách đầy đủ như thế để có thái độ ứng xử phù hợp. Tất nhiên việc đưa ra định nghĩa blog là gì chắc còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đối tượng tham gia blog đủ loại tầng lớp, với đủ loại thông tin, xấu tốt đều có. Vấn đề là làm sao để có biện pháp hạn chế tối đa hoạt động của blog xấu, để cho các mảng sáng phát huy, lấn át thông tin xấu. Như vậy, giải pháp không thể đơn tuyến dùng kỹ thuật, cũng không phải chỉ là pháp lý mà kết hợp kỹ thuật có biện pháp, pháp luật cũng có chế tài và kết hợp công tác tuyên  truyền giáo dục để cho những chủ thể đó có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với gia đình, trách nhiệm với bản thân, với tổ chức của mình.

Việc xử lý các blog thực tế hiện nay đã có các chế tài xử lý, vậy thì vì sao lại phải ra quy chế riêng cho quản lý blog, thưa Thứ trưởng?

Luật dân sự, Luật báo chí, Nghị định 55 cũng đã có chế tài xử lý những hành vi vi phạm trên blog, nhưng cần phải đưa ra quy chế riêng, phù hợp hơn, sát hơn vì blog có những đặc thù rất mới. Tuy nhiên, quy chế mà Bộ TT&TT đang xây dựng không thể quy định cụ thể hơn, và cũng không thể có những chế tài khác hơn những chế tài nằm trong các bộ luật khác. Có thể nói đơn giản là quy chế này sẽ gom lại các quy định đang nằm rải rác trong các văn bản pháp luật hiện hành. Việc gom lại còn nhằm cho các chủ thể tham gia blog hiểu được họ được làm gì, không được làm gì. Những người viết blog biết là họ được đưa thông tin gì, các tổ chức biết cơ sở để giáo dục những thành viên của họ và ngay cả các nhà cung cấp dịch vụ kể cả nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng biết được là ở Việt Nam có những chế tài như vậy. Hướng của Bộ trong việc xây dựng quy chế này là nhằm phát huy tối đa trách nhiệm của từng chủ thể khi tham gia hoạt động blog. Quy chế này cũng là cơ sở để đặt yêu cầu với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Trong những trường hợp đặc biệt, Bộ sẽ làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, cả của nước ngoài.

Thứ trưởng có thể cho biết khi nào Bộ TT&TT sẽ ban hành quy chế này?

Cục Báo chí hiện đang soạn thảo quy chế và hiện đã hoàn thành ở mức độ đề cương. Bộ đặt mục tiêu ra văn bản này trong năm nay. Hiện nay, qua tìm hiểu trên báo chí và dư luận trên các diễn đàn mạng, tôi thấy ý kiến của xã hội cũng rất ủng hộ, họ thấy quan điểm của Bộ vừa chặt chẽ vừa thông thoáng.

Theo Báo Bưu điện