Thủ tướng thừa nhận yếu kém trong điều hành
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bốn yếu kém, bất cập rõ rệt nhất được Thủ tướng nêu ra cũng chính là những vấn đề được Chính phủ chọn cách giải quyết bằng 8 hình thức cụ thể qua Nghị quyết 10 ban hành hồi trung tuần tháng 4 để kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.Chính phủ thừa nhận việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, nhất là năm 2007, làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát. Việc thắt chặt tiền tệ để ưu tiên kiềm chế lạm phát là việc làm cần thiết nhưng một số biện pháp xử lý chưa thật thích hợp và đồng bộ nên đã làm nảy sinh thêm những khó khăn mới. Việc quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại đã gây khó khăn lớn cho quản lý kinh tế vĩ mô. Việc điều hành tỷ giá, nhất là tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ chưa thật linh hoạt.

Bội chi ngân sách là yếu kém thứ hai trong điều hành của Chính phủ. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, con số này là mức 5% liên tục trong nhiều năm, trong khi quy mô nền kinh tế ngày càng lớn nhưng không thể giảm được do không có kế hoạch, không tự tạo thành áp lực với việc kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm ngân sách. Các hình thức chi đầu tư từ khu vực nhà nước còn lớn và hiệu quả thấp qua cách sử dụng đồng vốn của các doanh nghiệp nhà nước và tín dụng ưu đãi của nhà nước.

Yếu kém thứ ba là vai trò quản lý thị trường của Nhà nước, nhất là thị trường chứng khoán, bất động sản, quản lý giá cả, xuất nhập khẩu. Các chính sách cần thiết đối với các loại thị trường nhạy cảm này lúng túng và chậm được ban hành. Việc điều hành giá cả theo cơ chế thị trường là đúng đắn nhưng trong quá trình xử lý, có nhiều việc không phù hợp (tăng giá xăng dầu, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc…)

Đặc biệt, yếu kém thứ tư là việc nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường chưa được coi trọng đúng mức. Năng lực tham mưu tổng hợp về kinh tế vĩ mô chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý, điều hành. Do vậy, trong những tháng cuối năm 2007, trong khí thế lạc quan vì tốc độ phát triển kinh tế, chưa có những nhìn nhận đúng mức về những nguy cơ tiềm ẩn trong sự phát triển nhanh chóng đó. Vì thế, lúc ấy Chính phủ vẫn trình Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng cao trong năm 2008, đưa GDP tăng từ 8,5% đến 9% và tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng GDP.

Tất cả những yếu kém nói trên, như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Làm cho nền kinh tế bị tổn thương trước những biến động không ngừng”. Và thay mặt những người điều hành đất nước, Thủ tướng xin nghiêm túc kiểm điểm trước Quốc hội, đồng thời đề nghị cơ quan giám sát Chính phủ cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng để đảm việc điều hành đất nước được phù hợp hơn.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online