Thực thi FTA và tâm tư của nhà đàm phán lão luyện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Ước vọng của tôi là có một cơ quan độc lập thuộc Quốc hội, không chỉ chủ trì, đôn đốc, mà còn giám sát thường xuyên việc thực hiện các FTA”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nói.

.
.

Cuối tuần này, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc với Thường trực Chính phủ về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Trước đó, Đoàn giám sát do hai Phó trưởng đoàn là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì đã làm việc với các bộ, ngành liên quan về nội dung này.

Hạn chế trong tổ chức thực hiện các FTA

Trong cuộc làm việc với Bộ Công thương, cho biết Bộ trưởng đã có văn bản xin phép vắng vì lý do bất khả kháng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trình bày báo cáo của Bộ về nội dung Đoàn giám sát yêu cầu. Sau hơn 40 phút trình bày các vấn đề cốt lõi của một báo cáo dài hơn 140 trang, ông Khánh được ông Nguyễn Văn Giàu nhận xét là “rất lão luyện”.

Dấu ấn và vai trò của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trong những hiệp định thương mại lớn, quan trọng của Việt Nam được nhiều ý kiến sau đó nhắc tới và vấn đề ông đặt ra về một cơ quan độc lập cũng rất được quan tâm. Cần phải nói rõ là, đề xuất về cơ quan độc lập này không nằm trong báo cáo của Bộ Công thương.

Để tăng cường hiệu quả của các FTA mà Việt Nam là thành viên, Bộ Công thương nêu khá nhiều kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, người lao động, người dân, nhưng không đặt vấn đề về một cơ quan mới. Nhưng việc tổ chức thực hiện các FTA chưa đồng bộ và chủ động tại một số cơ quan quản lý nhà nước được Bộ này đề cập trong phần hạn chế, bất cập.

Đáng lưu ý là, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một số cơ quan, địa phương chưa thực sự chủ động và tích cực trong triển khai kế hoạch thực hiện CPTPP. Điều này thể hiện qua sự chậm trễ trong ban hành kế hoạch hành động, hay có ban hành kế hoạch hành động, nhưng không đề ra nhiệm vụ chi tiết với mốc thời gian cụ thể cho việc thực hiện và không có nhiều hoạt động nhằm phổ biến, tuyên truyền CPTPP cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.

Thêm vào đó, có cơ quan và một số địa phương đã được đôn đốc nhiều lần, nhưng không cung cấp báo cáo tổng kết việc thực thi, khiến việc đánh giá kết quả thực hiện CPTPP chưa được toàn diện và đầy đủ.

Một khó khăn nữa được Bộ Công thương nhấn mạnh là, nhiều chính sách cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo việc thực thi hiệu quả cam kết. Đồng thời, cần đảm bảo các chính sách ban hành trong các ngành/lĩnh vực mang tính đồng bộ để hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, các chính sách về công nghiệp và dịch vụ cần đồng bộ với các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn.

“Ước vọng mang tính cá nhân”

Nhận xét rằng, rất thiếu một cơ quan chủ trì để thực thi hiệu quả các FTA, ông Khánh lý giải, các FTA trước đây rất ít tác động đến thể chế, nên nhu cầu có một cơ quan chủ trì, đôn đốc việc thực thi chưa cao. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực hiện một số FTA thế hệ mới với những bổ sung, tăng cường cam kết của các quốc gia trong vấn đề môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ hiện nay, thì rất cần một cơ quan không chỉ theo dõi, đôn đốc, mà còn giám sát việc thực thi các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Bởi thế, cuối phần trình bày, dù đã quá thời gian, ông Khánh vẫn tha thiết bày tỏ “ước vọng phần nào mang tính cá nhân, với tư cách của một người chỉ còn thời gian ngắn nữa là nghỉ hưu” là cần có một cơ quan độc lập rất cao, trực thuộc Quốc hội, chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, chủ trì và giám sát việc thực hiện các FTA.

Đồng tình với sự cần thiết phải có cơ quan chủ trì thực thi FTA, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh, phối hợp vẫn đang là khâu yếu. Nếu không có sự điều hành, phối hợp hiệu quả thì sẽ chịu hậu quả rất gần.

Tán thành quan điểm cần đẩy mạnh giám sát thực thi các FTA, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, bà Nguyễn Vân Chi băn khoăn, xét về góc độ tổ chức, thì thành lập thêm bộ phận mới rất khó, vì hiện nay đã có Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế.

Nêu những mặt chưa tốt trong thực hiện các FTA, như kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ chưa tốt, họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế không đều, nhiều báo cáo gửi đến rất sơ sài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc có cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội có lẽ “chưa dám” nghĩ tới. 

Nhưng theo Thứ trưởng, có thể làm được ngay, đó là Ủy ban Đối ngoại hoặc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có chương trình, kế hoạch, không nhất thiết phải giám sát tối cao, mà có thể làm tương tự nhiều nước khác, định kỳ 6 tháng hay 1 năm gọi cơ quan chủ trì thực hiện các FTA bên Chính phủ lên báo cáo, sau đó có kết luận để đôn đốc, thúc đẩy, như thế sẽ tạo sức ép khiến các cơ quan thực thi phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của FTA.

Khi đã đi vào triết lý hội nhập, mọi chính sách phải cùng chiều
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương

Đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì tất cả các chính sách kinh tế, thậm chí cả chính sách xã hội phải đồng bộ. Chúng tôi hay lấy hình tượng lavabo để mô tả cho hiện tượng không đồng bộ của chính sách. Ta đi nước ngoài, cam kết quốc tế yêu cầu di chuyển chậu rửa mặt từ bức tường bên phải sang bức tường bên trái. Khi về, mình thực hiện rất nghiêm túc, nhưng chỉ di chuyển chậu rửa mặt và vẫn để vòi nước ở lại. Vậy nên, cái chậu ở tường bên trái không dùng được, trong khi ở tường bên phải nước chảy lênh láng. Tức là cơ hội nắm bắt không đầy đủ. Tất nhiên trong thương mại, trong kinh tế không thể thô thiển như vậy, nhưng đó là ví dụ cho thấy, khi đã đi vào triết lý hội nhập thì mọi chính sách phải cùng chiều.