Thực thi pháp luật: Vẫn chưa minh bạch???
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nó còn là mảnh đất cho nhũng nhiễu, tiêu cực nảy nở.

Mới đây, một người bạn của chúng tôi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM làm thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư. Ôm túi giấy tờ nặng trĩu, người bạn cho biết doanh nghiệp của anh đầu tư vào lĩnh vực nhập khẩu, phân phối mà ngành nghề này vốn đang rối như canh hẹ về pháp lý nên mấy tháng nay hồ sơ phải bổ sung, điều chỉnh tới lui hoài.

Hồ sơ đến tay nhân viên thụ lý, khách phải cùng với người này dò từng câu chữ trong bộ hồ sơ dày cộp. Đến chỗ nào nhân viên bảo chưa đạt, khách lại lúi húi ghi chép. Cả hai có vẻ mệt nhoài sau gần một tiếng làm việc. Bỗng anh nhân viên hô lớn: “Lại thiếu rồi! Sao không ghi mã HS vào?”.

Thấy bạn tôi ngơ ngác, anh nhân viên đứng dậy đi ra phía sau, chốc lát cầm theo một văn bản. Đó là Công văn số 2286/BCT-KHĐT của Bộ Công thương trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM về vấn đề thực hiện quyền phân phối. Văn bản này có đoạn: “Trường hợp sở cấp phép thực hiện quyền bán buôn cho dự án thì cần yêu cầu doanh nghiệp liệt kê mặt hàng nhập khẩu để bán buôn theo mã số HS 4 số nhằm thuận tiện trong khâu làm thủ tục hải quan”. “Chúng tôi có văn bản này đâu. Vả lại toàn bộ mặt hàng đã liệt kê hết trong hồ sơ rồi mà”, khách năn nỉ. “Không được đâu, phải làm theo yêu cầu thôi”- anh nhân viên trả lời.

Sau khi xin được bản sao công văn nói trên, anh bạn tôi lại thất thểu ôm túi hồ sơ nặng trĩu ra về.

Các luật sư cho biết trường hợp như vừa nêu chỉ là “chuyện nhỏ” thường gặp khi các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là đối với những trường hợp liên quan đến cam kết của Việt Nam với WTO.

Do quy định của pháp luật không rõ ràng, chưa đầy đủ nên trong nhiều trường hợp, để an toàn, các cơ quan thi hành cấp dưới phải hỏi cơ quan cấp trên và những công văn trả lời nội bộ như vậy trở thành một loại văn bản “siêu pháp luật” có khi hiệu lực còn mạnh hơn những văn bản quy phạm pháp luật chính thức.

Một nhà đầu tư đến từ đảo British Virgin Island mấy tháng nay chờ làm thủ tục thành lập công ty dịch vụ về xây dựng. Cuối cùng, nhà đầu tư này cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết hồ sơ bị từ chối. Khi hỏi lý do, nhân viên của sở chìa ra một công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Không dẫn chiếu văn bản pháp luật nào cả, công văn này chỉ nói ngắn gọn, đại ý: cam kết về dịch vụ xây dựng của Việt Nam với WTO không áp dụng cho những pháp nhân được thành lập tại British Virgin Island. Nhà đầu tư ra về mà vẫn còn đầy những thắc mắc.

Cách làm việc “phập phồng” như trên khiến cho các văn phòng luật sư cũng phải e dè. Họ không dám “hứa” chắc với khách hàng mà thường phải gửi trước công văn hỏi cơ quan cấp phép hoặc các cơ quan chức năng cấp cao hơn. Nếu có mối quan hệ tốt thì sẽ nhận được hồi âm, còn không thì mịt mùng chờ đấy. 

Thói quen thực thi pháp luật dựa vào hướng dẫn nội bộ hoặc chỉ đạo tùy hứng của cấp trên đang gây rất nhiều khó khăn, phiền phức cho doanh nghiệp. Nó còn là mảnh đất cho nhũng nhiễu, tiêu cực nảy nở.

Điều đáng nói là trong khi vai trò của các công văn nội bộ được khoác tầm quan trọng như thế thì nghị định hướng dẫn thực hiện cam kết của Việt Nam với WTO vẫn đang trong quá trình dự thảo. Tệ hơn là không hiểu sao dự thảo này lại không được công bố rộng rãi? Trên các website từ của Chính phủ đến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo, đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều dự thảo khác nhưng riêng dự thảo nghị định nói trên thì hoàn toàn vắng bóng. Vì sao?

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online