Thực thi “quyền được biết” của dân: Báo chí cần có căn cứ cụ thể hơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Trong nhiều phương thức để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình, báo chí là con đường hữu hiệu nhất. Báo chí là diễn đàn thực thi tiếng nói, là nơi người dân thể hiện “quyền được biết” của mình”. TS Đặng Dũng Chí, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, phát biểu như vậy tại hội thảo “Quyền tiếp cận thông tin-lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” tiếp tục diễn ra hôm qua (8-1).

Theo thống kê, hiện cả nước có tới 713 ấn phẩm và hơn 1.000 bản tin, 606 đài phát thanh, 10 triệu máy thu hình. Tốc độ tăng trưởng viễn thông Internet trong những năm qua là 32,5%/năm, mức cao nhất trong khu vực ASEAN. Trong tương lai, nhu cầu về thông tin “nóng” có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân sẽ không ngừng tăng và báo chí chính là chất keo nối người dân với nhà nước thông qua chức năng thông tin của mình, là nơi để dân thể hiện tiếng nói, thể hiện quyền giám sát, kiểm soát chính quyền mà mình bầu nên.

Tuy nhiên, cơ chế, quy trình thủ tục công khai thông tin hiện chưa cụ thể đã tạo nên những rào cản nhất định đối với việc thông tin của báo chí. “Các cơ quan sở hữu thông tin có xu hướng che giấu hoặc hạn chế việc cung cấp thông tin thuộc loại nhạy cảm. Điều này khiến thông tin về một sự kiện, một vấn đề đôi khi thiếu chính xác. Từ đó, tiếng nói của người dân cũng giảm xuống” – TS Chí nhìn nhận.

Đề xuất giải pháp cho tình trạng trên, TS Tường Duy Kiên, Viện nghiên cứu quyền con người, cho rằng cần có danh mục cụ thể loại thông tin nào người dân có thể tiếp cận, loại thông tin nào cấm, cách thức hoãn, gia hạn thông tin. Trong khi việc quy định này hiện nằm rải rác ở nhiều văn bản, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của báo chí.

Về khía cạnh quản lý báo chí, TS Đặng Dũng Chí góp ý: Quy chế quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nên được bổ sung bằng các chế tài. Không ít trường hợp trước sức ép của công luận, cơ quan chức năng phản ứng nhanh bằng việc sớm cung cấp thông tin ban đầu nhưng rồi trì hoãn không đưa các thông tin tiếp theo và thông tin cuối cùng. “Trên thực tế, đây là việc bưng bít thông tin khá tinh vi, khiến việc tiếp cận thông tin của báo chí bị ngăn cản” – TS Chí nhận xét.

Nhà nước cần tạo một hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ trên tất cả các mặt: xác lập những quy định về trình tự và thủ tục trong việc công khai thông tin của các cơ quan công quyền, các biện pháp chế tài, cơ chế khiếu nại, tố cáo đối với bên cấp thông tin và bên yêu cầu cung cấp thông tin. Đó là yêu cầu cần thiết để báo chí đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân trong việc thực hiện “quyền được biết” của mình.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM