Thuế nhà đất sẽ đánh vào ai?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chúng tôi trích ý kiến của thứ trưởng bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại một hội thảo về chính sách thuế do ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội cuối tuần trước. Ông Tuấn nói:

Luật Thuế nhà đất sẽ phải đảm bảo ít nhất bốn mục tiêu chính.

Thứ nhất, thuế đất phải đảm bảo bảo vệ được đất nông nghiệp nhằm duy trì an ninh lương thực. Hiện nay, Việt Nam có trên 85 triệu dân, tổng diện tích đất là 340 ngàn km2, và diện tích đất nông nghiệp 6,5 triệu hecta.

Trên thực tế, đất nông nghiệp luôn yếu thế hơn so với đất phi nông nghiệp. Đất nông nghiệp có giá chuyển đổi hiện nay tối đa chỉ là 100.000 đồng/m2, tức là 36 triệu đồng/sào (360m2). Trong khi đó, giá đất phi nông nghiệp luôn gấp từ 5 – 100 lần đất nông nghiệp.

Như vậy, khi đất nông nghiệp yếu thế, thì nông dân luôn sẵn sàng chuyển đổi đất đai, và bị các lực lượng khác thúc đẩy chuyển đổi. Trong bối cảnh đó, luật này phải đặt ra mục tiêu bảo vệ được đất nông nghiệp trong điều kiện cực kỳ yếu thế như vậy.

Thứ hai, qua khảo sát của bộ Tài chính, chúng tôi thấy giá đất hiện nay không phù hợp với thực tiễn và đặc điểm của Việt Nam. Trong chừng mực nào đấy, điều này đang cản trở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như sự phát triển nền kinh tế. Một doanh nghiệp phải dành ra 5 – 6% tiền vốn đầu tư để có đất, thì họ còn tiền đâu để đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển, đào tạo…?

Vì vậy, chính sách đất đai nói chung và chính sách thuế nhà đất phải thiết kế làm sao để các nhà đầu tư tiếp cận được đất đai với mức giá hợp lý để họ có khả năng cạnh tranh được trong khu vực và thế giới. Một điều rất quan trọng, là với dân số trên 85 triệu, hàng năm chúng ta có không dưới 250.000 gia đình trẻ mới kết hôn.

Vậy Nhà nước phải giải quyết nhu cầu nơi ở cho các gia đình trẻ này như thế nào? Đòi hỏi về đất đai nhà cửa là tất yếu của xã hội và Nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra môi trường để cho 250.000 hộ gia đình mới có quyền tiếp cận nhà đất. Nếu tình trạng giá đất như thế này, thì đa số trong các gia đình mới đó vô vọng và vô phương để có nhà. Đây là thực tế. Chúng tôi cho rằng, luật thuế mới sẽ phải giải quyết điều đó.

Thứ ba, luật thuế sẽ phải chống đầu cơ để nhà đất được sử dụng hiệu quả nhất. Thuế nhà đất phải được áp dụng để đảm bảo rằng, một mảnh mà có hai nhà đầu tư cùng ngành với nhau đăng ký thì nhà đầu tư có hiệu quả hơn sẽ được dành cho.

Theo điều tra khảo sát của bộ Tài chính, tỷ lệ căn hộ chưa ở nhưng có chủ tại các chung cư ở Hà Nội thấp nhất là 38% và cao nhất là 70%. Đây rõ ràng là dấu hiệu đầu cơ. Vậy Nhà nước cần làm gì để chống đầu cơ đất đai, nhà cửa để quan hệ cung cầu trở nên bình thường? Đây cũng là nhiệm vụ của luật mới.

Thứ tư, luật mới sẽ xem xét nguồn thu từ thuế đất, cho dù trong tình hình ở Việt Nam rất khó để đảm bảo rằng nguồn thu này sẽ trở nên quan trọng (so với các nguồn khác). Đất đai là tài nguyên của bao thế hệ để lại, vì vậy việc quản lý, sử dụng tài nguyên này phải dựa trên nguyên tắc không thể phục vụ lợi ích cho một nhóm người. Nó phải là phúc lợi chung của xã hội. Thuế đất thu được tạo ra nguồn tài chính để phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực… Tuy nhiên, nguồn thu này cần phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM