Thuế tiêu thụ đặc biệt: Mối quan tâm số một vẫn là thuế ô tô
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành quy định thuế suất đối với ô tô gồm 3 mức: loại dưới 5 chỗ ngồi thuế suất là 50%, loại từ 6 đến 15 chỗ ngồi thuế suất là 30% và loại từ 16 đến dưới 24 chỗ thuế suất là 15%.  
      
Với quy định này, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn, loại xe từ 6 đến 9 chỗ cũng được sử dụng chủ yếu làm phương tiện đi lại cho cá nhân, song chỉ chịu mức thuế suất bằng 60% so với mức thuế suất áp dụng cho xe dưới 5 chỗ. Thêm vào đó, là chưa khuyến khích được người dân tiết kiệm nhiên liệu, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, giá nhiên liệu trên thế giới tăng mạnh.
      
Do đó, dự thảo lần này đã có một số thay đổi. Theo đó, đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (từ 9 chỗ trở xuống), quy định các mức thuế suất phân biệt theo dung tích máy và áp dụng chung cho tất cả các loại xe. Ô tô có cùng chỗ ngồi song có dung tích xi lanh lớn hơn sẽ phải chịu thuế suất ở mức cao hơn. Lý giải của ban soạn thảo dự thảo luật là việc điều chỉnh này nhằm góp phần giảm sự gia tăng quá mức của phương tiện cá nhân. Đồng thời, quy định theo dung tích máy cũng sẽ góp phần thực hiện tốt hơn chức năng điều tiết thu nhập cho ngân sách của thuế TTĐB vì thực tế hiện nay cùng số chỗ ngồi, cùng loại xe, xe có dung tích xi lanh lớn hơn là loại xe đắt tiền hơn. Phương án cụ thể là: Dung tích từ 2.000cc trở xuống: 50%, dung tích trên 2.000cc – 3.000cc: 60%, dung tích trên 3.000cc: 70%. Đối với loại xe từ 10 chỗ đến dưới 16 chỗ ngồi (từ 10 đến 15 chỗ) giữ nguyên mức thuế suất hiện hành 30%. Đối với xe từ 16 chỗ đến dưới 24 chỗ ngồi giữ nguyên mức thuế suất 15% như hiện hành. 
      
Đối với xe ô tô thiết kế vừa chở người vừa chở hàng (xe pick-up, xe van), đề nghị quy định thêm một dòng riêng vào Biểu thuế TTĐB, áp dụng thuế suất 15%. Ban soạn thảo cũng lý giải quy định này sẽ không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất trong nước của các doanh nghiệp có sản xuất loại xe này. 
      
Về cơ bản, quan điểm của Ban soạn thảo được đông đảo dư luận đồng tình. Tuy nhiên, cũng có nhiều đóng góp khác. TS Lê Thị Thu Thuỷ- Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung: đối với ô tô từ 16 chỗ trở lên không nên đánh thuế TTĐB, để khuyến khích người dân giảm bớt sử dụng  xe cá nhân. 
     
 Một điểm đáng lưu ý nữa là dự thảo lại đánh thuế cao mặt hàng đang cần khuyến khích sử dụng, đó là ô tô chạy bằng điện, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời (chịu thuế suất bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho loại xe cùng chủng loại). Nhiều ý kiến cho rằng: đây là loại xe giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và cần được khuyến khích sử dụng, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa hợp lý. 
      
Thực tế cho thấy, với loại xe ô tô chạy bằng điện, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học: hiện nay trên thế giới đã bắt đầu sản xuất loại xe ô tô thân thiện với môi trường. Trong tương lai gần, loại xe này cũng có thể sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích sản xuất, nhập khẩu loại xe ô tô này nhằm đảm bảo an ninh nhiên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường thông qua việc áp dụng các chính sách thuế phù hợp. Luật sư Lê Nga- Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: không nên đánh thuế TTĐB đối với ô tô chạy bằng năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời thì không nên đánh thuế để có sự khuyến khích người dân sử dụng. Còn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời xuống còn 50% so với mức thuế suất áp dụng cùng chủng loại. 
     
 Một điểm nữa đáng lưu ý là tại điểm 2, điều 7, bản dự thảo quy định: “Giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế và thuế suất quy định tại khoản 1, điều này để quy định mức thuế suất cụ thể đối với mặt hàng ô tô trong phạm vi tăng hoặc giảm thuế suất tối đa không quá 20% và báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần nhất”. Bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng: theo tôi, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế cứng mang tính định hướng và điều tiết hướng tiêu dùng, vì vậy nên mang tính ổn định, không nên điều chỉnh như phụ thu, phụ giá, thuế suất nhập khẩu… các loại thuế, phí bị ảnh hưởng tác động từ bên ngoài. Điều này có lẽ sẽ góp phần ổn định lâu dài hơn, tránh sự điều chuyển quá nhiều ảnh hưởng đến sự kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân