Thương mại điện tử: Liên kết để cùng thắng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngại chi phí cao

Ông N.T.T, Giám đốc Công ty XNK T.L (quận 5, TPHCM), kể về sự cố TMĐT khá ngộ nghĩnh nhưng có lẽ rất nhiều người từng gặp phải. Do thường xuyên bị bom thư (spam), ông “phát hiện” các loại spam thường có địa chỉ email tiếng Anh, thế là tất cả các thư loại này đều bị ông phân loại thành spam (nếu cùng địa chỉ này gửi tới nữa thì sẽ tự động bị loại bỏ), trong đó có một thư của đối tác nước ngoài mà ông không để ý.

Chờ mãi đến 1 tuần sau không thấy đối tác gửi hợp đồng sang, ông T. nóng ruột, nhờ phiên dịch gọi hỏi thì họ một mực khẳng định đã gửi hợp đồng qua email rồi và đòi nếu muốn ký lại hợp đồng phải tăng giá (thực tế là giá có tăng). Ông T. chợt nhớ ra, lục trong spam mới thấy mấy lá thư của đối tác liền gọi điện xin lỗi và giải thích sự cố. “May mà đối tác đồng ý, nếu không đợt hàng đó lỗ nặng vì tại VN cũng đã ký hợp đồng với khách hàng theo giá cũ” – ông T. nói.

Còn anh T., Giám đốc Công ty P.L (quận 4), cho biết ngoài chi phí thuê làm trọn gói trang web với giá 300 USD, công ty anh còn phải tốn chi phí không dưới 35 triệu đồng/năm cho nhân viên quản trị web để cập nhật thông tin hằng ngày. “Biết đầu tư là đầu tư cho lâu dài, nhưng nhìn số lượng người truy cập hằng ngày quá ít ỏi thấy mà xót ruột” – vị giám đốc trẻ than.

Thông tin: Yếu tố quan trọng nhất

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Dương Kim Thạnh (Trường ĐH Hoa Sen-TPHCM), không hẳn phải có nhiều tiền mới có thể đầu tư tốt cho TMĐT. Bởi giao dịch điện tử không nhất thiết phải thông qua Internet, và nếu các DN biết chọn hình thức TMĐT phù hợp vẫn đem lại hiệu quả rất cao.

Như ở quận 1 có một DN hoạt động trong ngành giải trí biết cách sử dụng TMĐT rất độc đáo. DN này mỗi đêm đều có chương trình bốc thăm trúng thưởng dựa trên số điện thoại di động của khách hàng. Để được tham gia chương trình, các khách hàng đều phải cung cấp số điện thoại. Do đó, khi DN này mở thêm địa điểm hay có chương trình mới đều nhắn tin tới khách hàng qua các số điện thoại mà công ty này thu thập được. “Chỉ tốn vài trăm đồng cho một tin nhắn là khách hàng có thể biết DN mình đang làm gì” – thạc sĩ Thạnh nói.

Tuy nhiên, thạc sĩ Thạnh cũng nhận định, xu hướng kinh doanh qua mạng sẽ dần dần được ứng dụng rộng rãi, các DN nào không theo kịp sẽ rất khó cạnh tranh. “Để giảm chi phí mà hiệu quả đạt được cao, các DN phải biết liên kết các trang web với nhau để khách hàng có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng, bởi trong TMĐT, yếu tố quan trọng nhất là thông tin, thông tin càng được gửi đi nhiều, khả năng các DN “cùng thắng” sẽ càng cao”.

Nguồn: Báo Người Lao động