Thương mại Việt Nam-Indonesia tăng nhanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 26-3, ông H.E. Mayerfas cho biết trước đó chính phủ hai nước đưa ra mục tiêu kim ngạch song phương đạt 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015 và 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2018. Tuy nhiên, trong năm 2013 kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã đạt 5,1 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 11% so với năm 2012. Giá trị hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 2,7 tỉ đô la Mỹ, và nhập khẩu từ Indonesia 2,4 tỉ đô la Mỹ.

Trong tổng số 2,7 tỉ đô la trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia, chỉ kim ngạch cộng gộp của điện thoại di động (654,4 triệu đô la Mỹ) và thép các loại (325,8 triệu đô la Mỹ) đã đạt gần 1 tỉ đô la Mỹ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu điện thoại của Việt Nam sang Indonesia tiếp tục tăng cao, đạt 119 triệu đô la Mỹ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu của nhiều mặt hàng từ Việt Nam sang Indonesia cũng tăng mạnh, như máy móc, thiết bị, nông sản,….

Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2014, sắt thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Indonesia lại sụt giảm 19% so với cùng kỳ về  giá trị, đạt 46,8 triệu đô la Mỹ, giảm 21% về lượng, đạt 56.470 tấn. Việc sụt giảm này có thể do Indonesia đang áp thuế chống bán phá giá cũng như điều tra tự vệ đối với một số sản phẩm sắt thép của Việt Nam.

Từ đầu năm nay, Indonesia đã hai lần khởi xướng điều tra tự vệ với các sản phẩm sắt thép. Ủy ban tự vệ Indonesia (KPPI) hôm 13-2 thông báo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc tiến hành điều tra tự vệ đối với sản phẩm thép hợp kim hình chữ I và chữ H. KPPI hôm 23-1 cũng thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn cán nóng.

Vào cuối tháng 12-2012, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) quyết định áp thuế chống bán phá giá 13,5% – 36,6% lên thép cuộn nguội của Việt Nam. Vào năm 2012, Indonesia cũng tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm sắt hoặc thép cán không hợp kim.

Về đầu tư, từ năm 1988 đến 2013, Indonesia có 38 dự án với vốn đầu tư 320,5 triệu đô la Mỹ tại Việt Nam, xếp thứ 26/101 nước và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin từ đại sứ Indonesia tại Việt Nam, vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam có thể hơn 2 tỉ đô la Mỹ vì được đăng ký qua nước thứ ba.

Đầu tư từ Indonesia vào Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, lưu trú, dịch vụ ăn uống, y tế và trợ giúp xã hội, khai khoáng,….

Việt Nam hiện có 8 dự án đầu tư tại Indonesia với tổng vốn là 49,6 triệu đô la Mỹ, chủ yếu trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, bán lẻ, xuất nhập khẩu, thông tin truyền thông, xe gắn máy và linh kiện xe ô tô.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/112487/Thuong-mai-Viet-Nam-Indonesia-tang-nhanh.html