Thủy sản và mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bà Minh cho biết từ vị trí gần như vô danh trên bản đồ thủy sản thế giới thì đến năm 2007, VN xếp thứ 8 về giá trị xuất khẩu thủy sản trong top 10 của thế giới. Chỉ trong vòng 10 năm từ 1997 đến 2007, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tăng gấp 4 lần.

Từ chỗ lệ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, Hoa Kỳ thì đến nay thị trường XKTS VN đã trở nên đa dạng hơn với nhiều thị trường chủ lực, thể hiện sự hội nhập ngày càng sâu, rộng và vững chắc hơn.

Với kinh nghiệm của một người gắn bó với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản và quản lý ngành trong nhiều năm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt đến con số 6 tỷ USD nếu như Việt Nam tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm nuôi trồng với quy mô lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia Việt Nam hiện đang có một vài sản phẩm có thể phát triển thành công như cá tra hay tôm. Điển hình là cá rô, cá chẽm, ghẹ nuôi  là những sản phẩm có thị trường tiêu thụ lớn để đưa ra sản xuất hàng hóa lớn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề kỹ thuật, những sản phẩm đó vẫn chưa thể nuôi trồng phổ biến để có thể sản xuất và xuất khẩu với quy mô lớn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương, người đang phụ trách trực tiếp ngành thủy sản cho rằng chi phí sản xuất của Việt Nam hiện nay vẫn còn rất cao so với nhiều quốc gia nên lợi nhuận biên không cao. Mặc khác, việc nuôi trồng thủy sản lại manh mún, không tập trung nên năng suất thấp.

Đồng tình với ý kiến của ông Phương, bà Minh dẫn lại một kinh nghiệm của Thái Lan, quốc gia nằm ngay cạnh Việt Nam, mặc dù không có được các điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi trồng như Việt Nam nhưng lại là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu cao hơn cả Việt Nam.

Trong một báo cáo nghiên cứu của CafeF về ngành  thủy sản được công bố trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Thái Lan năm 2007 đã trên 5 tỷ USD đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy, còn Việt Nam đứng thứ tám.

Thái Lan làm được điều đó nhờ vào việc tận dụng tối đa diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, bà Minh cho biết. Còn ở Việt Nam, diện tích mặt nước còn rất nhiều nhưng lại bị bỏ phí, các địa phương lại chưa có chủ trương khai thác những diện tích mặt nước còn rất tiềm năng đó, đó là một trong những vấn đề ngành thủy sản Việt Nam cần phải giải quyết để đạt tới mục tiêu 6 tỷ, bà Minh cho biết.

Nguồn: CafeF.vn