Tiền đồng đang ở đâu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hai dữ kiện này sau đó đã được liên kết lại để đưa đến nhận định rằng với lượng cung tiền này thì lạm phát đáng lý phải cao hơn nhiều chứ không phải như trong thời gian qua (?!). Sở dĩ lạm phát chưa bùng phát lên cao là do phần lớn lượng tiền cung ứng trong ba năm qua đã nằm ở các hedge fund (quỹ đầu cơ) và một số nhà đầu cơ lớn nhỏ khác. Họ chỉ chờ thời cơ thuận lợi để thao túng (lũng đoạn tiền tệ hoặc tiến hành các hoạt động thâu tóm).

Nếu ví tiền đồng như “nước”, phần lớn nước hiện nay nằm ở các con sông (ngân hàng thương mại). Có điều lượng nước từ các con sông cũng không còn nhiều do đã được hồ chứa là Ngân hàng Nhà nước hút về phần lớn (bằng việc siết van khóa chặt tiền tệ). Nước không nhiều nên các con sông đã hạn chế đến mức tối đa cho các cánh đồng (doanh nghiệp) vay mượn.

Cánh đồng nào may mắn vay được nước từ sông cũng không chủ yếu dùng để canh tác mà để bù đắp thanh khoản. Sông nào vay được nước từ hồ cũng rất hạn chế cho các cánh đồng vay lại vì bị hồ chứa đặt ra quá nhiều điều kiện (như tốc độ tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 30%).

Phần nước mà hồ cung ứng trước đây cho các cánh đồng “chứng khoán và bất động sản” đã bốc hơi phần lớn, số còn lại cũng bị đóng băng vì thị trường đang rơi vào cảnh chợ chiều. Sau khi tính hết các yếu tố này, lượng nước chắc rất ít ỏi còn lại nằm ở các cây giữ nước là người có tiền nhàn rỗi, các doanh nghiệp và một số quỹ đầu tư.

Đây mới là cách phân tích khả dĩ để trả lời cho câu hỏi “tiền đồng đang ở đâu”, thay vì chỉ suy đoán. Trước hết, ta thấy rằng tiền không phải đến từ những cỗ máy in mà từ nguồn vốn vay hoặc huy động từ cổ đông. Tiền trả lãi vay và cổ tức lấy từ đâu khi mà lượng tiền đồng này nằm yên không sinh lợi trong thời gian quá dài chỉ để chờ thời cơ thao túng?

Tuy nhiên tiền đồng mà các quỹ có được là do trước đó họ phải bán đi Đô la để đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản, nhưng với việc thị trường chứng khoán và bất động sản giảm giá khoảng 60% trong gần một năm qua, kết hợp với tỷ giá ngày càng có xu hướng tăng lên (nghĩa là cũng số lượng tiền đồng như cũ nhưng chuyển sang Đô la ngày càng ít đi theo thời gian), liệu các quỹ có đủ kiên nhẫn chấp nhận lỗ thêm nữa và chờ đến bao giờ để tiến hành các hoạt động thao túng?

Thống kê từ một số quỹ đầu tư cho thấy lượng tiền mặt hiện cũng chỉ còn vài phần trăm so với tài sản ròng, trừ các quỹ mới huy động (xem bảng dưới). Các quỹ khác không nằm trong thống kê này chắc hẳn cũng đang trong tình trạng tương tự. Và ngay cả trong trường hợp toàn bộ lượng tiền đồng này được chuyển đổi sang Đô la, các quỹ cũng gặp phải những khó khăn từ các rào cản ngoại hối.

Việt Nam chưa phải là quốc gia tự do hóa tài khoản vốn hoàn toàn và với chính sách quản lý ngoại hối vẫn còn khá chặt chẽ như hiện nay, khó nhà đầu tư nào có thể bán ngay một lúc toàn bộ lượng tiền đồng lấy Đô la để chuyển ra nước ngoài. Còn nếu sử dụng các công cụ phái sinh để chuyển tiền đồng thành Đô la thì càng không thể.

Các hợp đồng phái sinh ở các ngân hàng chủ yếu là hợp đồng kỳ hạn, và cũng chỉ được các ngân hàng cung ứng cho các doanh nghiệp trong giao dịch xuất nhập khẩu. Còn với công cụ phái sinh quyền chọn (option) Đô la Mỹ/Đồng Việt Nam thì do đang trong quá trình thí điểm nên thiếu khung pháp lý để các quỹ chuyển đổi hàng loạt sang đô la với số lượng lớn.

Như vậy nếu có thể chuyển từ tiền đồng sang Đô la và sau đó chuyển ra nước ngoài, các quỹ chỉ có thể tiến hành nhỏ giọt, thị trường ngoại hối khó có thể có đột biến đáng kể, thậm chí nếu khả năng này xảy ra. Tuy nhiên với những thông tin tích cực gần đây và việc các nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch đổ vốn vào Việt Nam, xem ra việc tính toán thế trận giờ đây đã không còn hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ mỗi một phía các quỹ đầu cơ.

Tóm lại, nếu chỉ nhìn vào lượng nước (tiền) mà hồ chứa là Ngân hàng Nhà nước cung ứng trong nhiều năm qua để cho rằng chúng hiện đang nằm ở các quỹ đầu cơ lớn là chỉ chụp ảnh có mỗi lượng nước tích tụ tại các cây giữ nước ngay tại một thời điểm nào đó (khi thị trường chứng khoán và bất động sản còn đang nóng).

Cách chụp ảnh ở trạng thái tĩnh tại một thời điểm hoàn toàn bỏ qua việc hồ chứa nước đã thu hồi nước từ các con sông (ngân hàng tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu bắt buộc và chuyển toàn bộ khoảng 50.000 tỉ đồng tiền gửi của hệ thống kho bạc đang gửi về Ngân hàng Nhà nước).

Để trả lời cho câu hỏi nước (tiền) đang ở đâu, cần xem lại từ đầu đến cuối cuốn phim “bơm hút nước” từ toàn bộ hệ thống của hồ chứa nước, các con sông, các cánh đồng và các cây giữ nước, thay vì chỉ xem duy nhất một tấm ảnh của chỉ có mỗi cây giữ nước. Sau đó còn phải nhận diện các điều kiện và cơ chế mà lượng nước từ các cây có thể gom lại được để tạo nên một trận lụt.

Ta còn phải tiến hành chọn mẫu tiêu biểu một số cây giữ nước để ước đoán lượng nước từ các cây khác còn lại nhiều hay ít. Điều quan trọng mà nhà làm chính sách cần quan tâm chính là các cây giữ nước này đang tích trữ bao nhiêu lượng ngoại tệ Đô la và vàng trong thời gian qua để chờ thời?

Mọi suy diễn chủ quan khác đều tạo ra tâm lý hoang mang không đáng có về một trận lụt ảo.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam