Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyên gia tài chính: Phải giảm bớt các DN quốc doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vậy theo ông, các tổng công ty này phải làm gì để không được lỗ mặc dù không được tăng giá, bù giá như Thủ tướng đã chỉ đạo?

+ Các doanh nghiệp quốc doanh này cần phải xem lại mình. Họ cần đánh giá lại hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư cũng như những chi tiêu… đã thực sự hợp lý chưa. Hơn nữa, họ phải ý thức được rằng nếu không cạnh tranh được thì sẽ phải bị loại khỏi thị trường. Ông tổng giám đốc tập đoàn nào cũng có thể bị cách chức nếu điều hành doanh nghiệp thua lỗ. Còn về nhà nước cũng cần phải xác định việc bất cứ doanh nghiệp nào, dẫu là doanh nghiệp lớn của nhà nước mà bị vỡ nợ thì phải để cho nó phá sản chứ không thể được cứu vớt như lâu nay. Chỉ có như thế thì xóa được độc quyền, cũng như mang lại sự công bằng giữa các khu vực kinh tế.

. Có nhiều người cho rằng nhà nước về lâu dài không nên có những biện pháp hành chính như yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh không được tăng giá các mặt hàng than, điện…?

+ Trước tình hình lạm phát, nhà nước cần buộc lãnh đạo các doanh nghiệp quốc doanh phải đồng lòng tập trung vì lợi ích của đất nước. Chính phủ đã có yêu cầu các doanh nghiệp này phải động não, cân nhắc việc kinh doanh của họ, xem xét lại việc đầu tư của họ. Trong lúc khó khăn này, không thể cho phép các doanh nghiệp quốc doanh, các nhóm lợi ích nêu khó khăn để trì hoãn lệnh của Chính phủ. Giải pháp trước mắt của Chính phủ về việc bình ổn giá như thế là cần thiết.

Tuy nhiên, về lâu về dài thì giải pháp này chẳng có ý nghĩa gì cả. Việc nên làm là phải giảm bớt càng nhiều doanh nghiệp quốc doanh càng tốt. Tức là cổ phần hóa một cách triệt để không phải là để nhà nước nắm giữ 51% hay 70%, 80% cổ phần. Chỉ nên nắm giữ một phần nào đó ở những ngành nào thực sự cần thiết chứ không nhất thiết giữ quá nhiều như hiện nay. Còn bình thường thì cứ để thị trường tự điều tiết. Đấy là cách duy nhất để nền kinh tế phát triển một cách lành mạnh, ổn định. Tất nhiên không thể làm một năm hay hai năm nhưng cần thiết phải làm càng sớm càng tốt.

. Phải chăng lâu nay có sự nuông chiều, thưa ông?

+ Đây là một sai lầm khi coi doanh nghiệp quốc doanh là “con cưng”. Thực tế nhà nước đã và đang đi vay tiền về cho các doanh nghiệp này vay ưu đãi, lại còn cho nó quyền độc quyền. Rõ nhất là tuần qua rộ sự kiện trước đây từng có việc lấy 52 ngàn tỷ đồng của kho bạc cho các ngân hàng quốc doanh vay. các ngân hàng này lại cho các doanh nghiệp quốc doanh vay lại với lãi suất thấp.

Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước có trên 300 nghìn doanh nghiệp, chiếm 70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA… Trong đó hơn 80% do các tổng công ty lớn đã (hoặc sắp) thành tập đoàn nắm giữ. Trong khi đó, doanh nghiệp dân doanh từ chỗ nhỏ bé mà tự khẳng định mình bằng cách mỗi năm phát triển thêm hơn 20%, trong khi khu vực quốc doanh tăng chỉ 7%. Đầu tư có vốn nước ngoài và tư nhân hàng năm đóng góp 70% GDP nhưng họ đã được ưu ái điều gì? Cần phải đánh giá lại cho công bằng, nếu cứ “nuông chiều” các doanh nghiệp nhà nước trong khi họ hoạt động không hiệu quả thì chuyện cải tổ sẽ khó khăn.

.Xin cảm ơn ông.

Thận trọng với việc lập các tập đoàn kinh tế

… Các tổ chức kinh tế gọi là lớn của chúng ta (các tổng công ty 90, 91) là nền tảng để hình thành các tập đoàn, nói chung quy mô còn khiêm tốn. Thêm nữa, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Yếu tố then chốt đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động tốt là cơ chế quản lý, quan hệ giữa người trực tiếp điều hành doanh nghiệp với nhà nước lại chưa được làm rõ, vẫn là chia sẻ trách nhiệm. Khi xảy ra sự cố, người điều hành doanh nghiệp thường đẩy trách nhiệm lên trên. Như vậy, người trực tiếp điều hành vừa không đủ quyền tự chủ lại không phải chịu trách nhiệm về kết quả điều hành của mình, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”…

Dưới cái vỏ mới tập đoàn kinh tế, thực chất vẫn vận hành với chế độ sở hữu cũ, những con người cũ, phần lớn vị trí chủ chốt được bổ nhiệm vì lý do chính trị chứ không dựa trên năng lực quản trị kinh doanh – điều tối cần thiết của người đứng đầu doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh… Vì vậy cũng không thể kỳ vọng có thể khắc phục được những khiếm khuyết, bất cập của các tổng công ty lớn. Hiện các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ khối tài sản quốc gia rất lớn. Nếu không cải thiện được hiệu quả hoạt động của khu vực này thì tác hại của nó ở quy mô tập đoàn còn lớn hơn nhiều so với các tổng công ty 90, 91. Việc ra đời các tập đoàn kinh tế, theo tôi cảm nhận dường như thiếu sự chuẩn bị kỹ và tuy được xem như làm thí điểm, chưa thấy rõ kết quả, mô hình hợp lý thì lại được tiếp tục mở rộng. Sự bành trướng của các tập đoàn sang mọi lĩnh vực kinh doanh khác vừa đi ngược chủ trương “Nhà nước và DNNN sẽ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân”, vừa phân tán lực lượng và sức cạnh tranh của DNNN, vừa không giải phóng được những nguồn lực do các DNNN nắm giữ, vừa thêm khó cho nhà nước trong việc kiểm soát các tập đoàn này. Đồng thời, các tập đoàn lại chiếm thêm phần thị trường, các nguồn lực vật chất và cơ hội kinh doanh vốn đã khiêm tốn cho khu vực tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, khiến khu vực này khó cải thiện được năng lực cạnh tranh, khó phát huy vai trò quan trọng của nó trong nền kinh tế.

… Các tập đoàn của ta là DNNN có truyền thống sống dựa vào bao cấp về nhiều mặt, không dễ từ bỏ thói quen cũ, nếu từ bỏ thì không dễ đứng nổi trong cạnh tranh, đồng thời các đơn vị này sẽ thường xuyên bị các đối thủ cạnh tranh soi xem có vi phạm cam kết WTO không. Nếu có vi phạm, không những bản thân doanh nghiệp đó bị thổi còi mà Chính phủ và cả ngành đó có thể bị trừng phạt lây.

VÕ VĂN KIỆT (Trích Tuổi Trẻ, tháng 7-2007)

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc:

Phải siết lại

Cần đòi hỏi sự minh bạch, có trách nhiệm của các bộ, ngành, chủ đầu tư các dự án dùng tiền ngân sách, cũng như siết các doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty 90, 91.

PGS-TS Nguyễn Đăng Dờn:

Cần phá thế độc quyền

Các chuyên gia thuộc Đại học Harvard, Mỹ từng đề nghị Chính phủ Việt Nam xóa bỏ tập đoàn nhà nước. Theo tôi, cần duy trì mô hình này nhưng phải phá thế độc quyền. Ta cần có những tập đoàn kinh tế hùng mạnh để cạnh tranh với thế giới. Đó phải là mô hình tập đoàn chuyên sâu, mạnh về chuyên môn chứ không phải đa ngành nghề. Đã đến lúc các tập đoàn, tổng công ty cần cơ cấu lại hoạt động của mình. Những “ông lớn” này nên chấm dứt việc đua nhau lập ngân hàng.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Trưởng khoa Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế:

Mô hình thành lập các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ trương đúng của nhà nước. Nhưng các doanh nghiệp này lại được hình thành dựa trên phép cộng nhiều công ty gộp lại nên khi vận hành đã bộc lộ yếu kém. Trong khi đó, ở các nước phát triển, mô hình tập đoàn được hình thành bằng sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân.

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp